Vụ cá chết bất thường tại vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế

Khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả

(ĐTTCO) - Chiều 24-4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng và thị xã Kỳ Anh để bàn giải pháp khắc phục hậu quả, truy tìm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường tấp vào bờ biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

(ĐTTCO) - Chiều 24-4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng và thị xã Kỳ Anh để bàn giải pháp khắc phục hậu quả, truy tìm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường tấp vào bờ biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

3 - 5 ngày nữa sẽ có kết luận nguyên nhân cá chết

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, cho biết, tổng số lượng cá tự nhiên chết dạt vào bờ ước khoảng 30-50 tấn. Đối với thiệt hại về nuôi, chỉ có Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế, trong đó Hà Tĩnh thiệt hại hơn 7 tấn tôm và cá, Thừa Thiên - Huế thiệt hại khoảng 3-5 tấn. Các địa phương và Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo ngừng các hoạt động khai thai ven bờ cũng như thả nuôi, mua bán, sử dụng cá chết; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết, các đơn vị của Bộ TN-MT, đã đến làm việc với Công ty Formosa Hà Tĩnh. Các giấy phép được cấp cho công ty này đều bảo đảm, như: sổ đăng ký chủ thải chất thải nguy hại; giấy phép xả thải vào nguồn nước… Bộ cũng đã lấy mẫu phân tích tại những điểm nhạy cảm nhất từ hai hướng trong nhà máy ra và từ phía ngoài đường ống vào.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Thủ tướng rất quyết liệt, yêu cầu đoàn công tác làm đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên xảy ra một hiện tượng cá chết bất thường trên diện rộng từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, các cơ quan chuyên môn chưa có kinh nghiệm nên việc tập trung để nghiên cứu, khắc phục ban đầu rất bị động, lúng túng. Bộ NN-PTNT xác định không phải do nguyên nhân dịch bệnh, không phải do môi trường nước thông thường, thì nó chỉ còn do những độc tố chủ động của con người, trong khi đó khả năng nghiên cứu, trang thiết bị của chúng ta hiện nay rất hạn chế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ TN-MT tiếp tục chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, nhưng phải khoa học, thận trọng, nhưng phải nhanh chóng. Mặt khác phải xác định rõ, nếu nguyên nhân này xảy ra do các tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí là cá nhân chủ động gây ra, có thể do cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cố tình làm gì đó gây thiệt hại, ảnh hưởng đến môi trường thì phải tiến hành tiếp tục điều tra và xử lý nghiêm. Bộ NN-PTNT nghiên cứu, kiến nghị biện pháp hỗ trợ các trường hợp bị thiệt hại để khôi phục sản xuất, có thể địa phương thực hiện hoặc có thể Chính phủ thực hiện. Trong khi chờ xác định nguyên nhân thì hướng dẫn các địa phương, hộ sản xuất, bà con ngư dân trong việc sớm phục hồi sản xuất cũng như sản xuất kinh doanh, trong đó có nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ du lịch... UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục thống kê các trường hợp thiệt hại, mức độ thiệt hại của các hộ sản xuất, người dân; chủ động kịp thời thăm hỏi bà con, đặc biệt hỗ trợ những gia đình khó khăn…

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh kiểm tra tình hình cá chết; gặp gỡ ngư dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả ảnh 1
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi các hộ nuôi trồng thủy sản
ở thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Nhập gần 300 tấn hóa chất

Theo nguồn tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa) đã thông quan, nhập về Việt Nam gần 300 tấn hóa chất để phục vụ quá trình thi công và chuẩn bị vận hành các nhà máy nhiệt điện, trong số này có những hóa chất chống gỉ CYC-VPrefilm900, chất loại bỏ gỉ CYC-Vprefilm400, chất chống ăn mòn CYC-Vclosetrol360, chất chống ăn mòn CYC-VMA 796…

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng, những mặt hàng hóa chất mà Công ty Formosa được các bộ, ngành cấp phép nên Công ty Formosa có quyền nhập để phục vụ sản xuất, hoạt động của họ. Tuy nhiên, quá trình sử dụng như thế nào, nguồn nước thải sau khi sử dụng hóa chất độc hại này như thế nào thì đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường…

Giải thích cho việc nhập gần 300 tấn hóa chất và có dùng hóa chất súc rửa đường ống, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng đại diện Formosa Hà Tĩnh cho biết: Nhà máy luyện thép Formosa ở Vũng Áng chưa đi vào hoạt động chính thức nên chưa xả thải. Hiện tại Formosa chủ yếu xả thải nước sinh hoạt của công ty. Chúng tôi có nhập một số hóa chất và có rửa đường ống nhưng khi rửa thì nước đó sẽ chảy vào bể nước thải để xử lý. Chúng tôi cũng có hệ thống quan trắc môi trường tự động, nước thải đã xử lý đạt chuẩn mới xả ra tự nhiên. Hệ thống xả thải của chúng tôi luôn được cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra”.

Các tin khác