Khẩn cấp cứu 110.000ha cây ăn trái và lúa

(ĐTTCO) - Trước diễn biến thiên tai hết sức phức tạp, nhân dân các huyện ven biển Gò Công (Tiền Giang) đang triển khai nhiều giải pháp khẩn cấp ứng cứu, bảo vệ vườn cây ăn trái và lúa Hè Thu sớm tại các huyện phía Tây nằm về thượng lưu sông Tiền gồm: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và Tân Phước.

(ĐTTCO) - Trước diễn biến thiên tai hết sức phức tạp, nhân dân các huyện ven biển Gò Công (Tiền Giang) đang triển khai nhiều giải pháp khẩn cấp ứng cứu, bảo vệ vườn cây ăn trái và lúa Hè Thu sớm tại các huyện phía Tây nằm về thượng lưu sông Tiền gồm: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và Tân Phước.

Toàn vùng hiện có trên 77.000ha vườn trồng cây ăn trái và trên 35.000 ha lúa Hè Thu sớm đang ở giai đoạn mạ và làm đòng rất mẫn cảm đối với mặn; trong đó có trên 16.000 ha dứa chuyên canh trong Đồng Tháp Mười.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang cho biết, việc phòng chống hạn mặn cho khu vực này hết sức phức tạp, nguy cơ thiệt hại rất lớn bởi nơi đây chưa có hệ thống đê bao và công trình phòng chống hạn mặn, thiên tai hoàn chỉnh như vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh.

Trước tình hình trên, Tiền Giang chủ trương thực hiện song song hai giải pháp công trình và phi công trình nhằm tăng hiệu quả đối phó thiên tai. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang kết hợp cùng các ngành, các địa phương và nhân dân tăng cường chuyển giao kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện khó khăn hiện nay, khuyến cáo nông dân sử dụng tiết kiệm nước tưới, giữ vệ sinh nguồn nước, triển khai nhanh các biện pháp ứng phó khi diễn biến hạn mặn phức tạp và bất lợi đối với sản xuất.

Mặt khác, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang thường xuyên theo dõi, quan trắc độ mặn trên sông 4 lần/ngày để kịp thời thông báo cho các địa phương và nhân dân trong vùng lấy nước tưới tiêu đảm bảo không ảnh hưởng đến cây trồng nói chung.

Đối với những vùng trọng điểm, có nguy cơ cao, triển khai ngay kế hoạch đắp đập ngăn mặn bảo vệ sản xuất kết hợp với tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy, dọn cỏ rác và lục bình để đưa nước tưới tiêu đến từng chân ruộng một cách chủ động.

Nông dân tại ấp Hai Trong, xã Nam Yên, huyện An Biên, Kiên Giang bên ruộng lúa mùa bị lép hạt, thiệt hại trên 90% do nhiễm mặn.
Nông dân tại ấp Hai Trong, xã Nam Yên, huyện An Biên, Kiên Giang
bên ruộng lúa mùa bị lép hạt, thiệt hại trên 90% do nhiễm mặn.

Ông Nguyễn Thiện Pháp cũng lưu ý, các xã khu vực kênh Bắc Đông, Lộ Mới, Nguyễn Văn Tiếp, Chợ Bưng, Sáu Ầu-Xoài Hột thuộc hai huyện Châu Thành và Tân Phước có vùng chuyên canh lúa – màu, cây công nghiệp tập trung lớn cần khẩn cấp củng cố ngay bờ vùng, bờ bao kết hợp với thường xuyên quan trắc mặn từ sông Vàm Cỏ (Long An).

Trong những ngày qua, diễn biến hạn mặn trên toàn địa bàn tỉnh Tiền Giang đang hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Mặn trên sông Tiền từ hướng vàm Cửa Tiểu, Cửa Đại tiếp tục lấn sâu vào thành phố Mỹ Tho (cách cửa sông 45 km), các cống trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã phải đóng ngăn mặn hoàn toàn.

Không dừng lại ở đó, mặn từ sông Vàm Cỏ phía Bắc tỉnh theo hệ thống sông rạch xâm nhập vào vùng trồng dứa chuyên canh phục vụ chế biến xuất khẩu tại huyện Tân Phước (nằm trong vùng Đồng Tháp Mười). Ở phía Nam, mặn cũng từ hệ thống sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông tiếp tục lấn sâu vào thượng lưu đe dọa vùng trồng sầu riêng chuyên canh rộng hàng chục nghìn hécta cùng diện tích lớn các loại cây ăn trái đặc sản khác của huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và một phần huyện Châu Thành.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cai Lậy, tại khu vực xung quanh cù lao Ngũ Hiệp, xã Tam Bình tiếp giáp với địa giới tỉnh Bến Tre độ mặn đo được có lúc lên đến 1,5 phần nghìn. Độ mặn này đang đe dọa đến những vườn sầu riêng bạt ngàn mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/ha cho nông dân./.

Các tin khác