Kẹt xe gia tăng khắp các điểm nóng

(ĐTTCO) - Từ đầu tháng 6 tới nay, những tuyến đường nối vào cảng Cát Lái (quận 2, TPHCM), luôn trong tình trạng quá tải và kẹt xe kéo dài nhiều giờ liền khiến người dân đi lại hết sức khó khăn.
Kẹt xe gia tăng khắp các điểm nóng
 Bên cạnh đó, tại điểm nóng xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất và các khu vực nội đô TP cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Ám ảnh kẹt xe     
 Tình trạng UTGT đáng báo động không chỉ 37 điểm Sở GT-VT đưa ra, còn một số điểm khác chưa được đưa vào danh mục như: Khu vực cầu Chà Và, Nhị Thiên Đường, ngã 6 Gò Vấp, vòng xoay Quách Thị Trang, khu vực cầu Chánh Hưng, Quốc lộ 1, đoạn cầu Bình Điền… Thực tế hiện không thể ngăn dòng phương tiện lưu thông mà phải chấp nhận mật độ giao thông TP ngày càng tăng cao. 
Ông Huỳnh Trung Phong
Đường Đồng Văn Cống lâu nay vẫn là tuyến độc đạo để vận chuyển hàng hóa từ nơi khác đến cảng Cát Lái. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 tới nay, tuyến đường này thường xuyên kẹt cứng hàng ngày, đặc biệt từ vòng xoay Mỹ Thủy đến khu vực cảng. Hệ quả, các tuyến đường liên đới khác như Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Mai Chí Thọ (hướng ra ngã ba Cát Lái), nút giao An Phú (đoạn đầu cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), cũng rơi vào cảnh xe nối đuôi nhau, rồng rắn xếp hàng dài cây số.
Đặc biệt, khi gặp trời mưa vào chiều tối, tại nút giao An Phú và đoạn đầu đường Mai Chí Thọ, cả 2 làn xe máy cũng bị ô tô án ngự, người lưu thông đành chạy lên vỉa hè để thoát ra điểm kẹt. Theo Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) TPHCM, TP hiện có 5 khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông (UTGT) gồm: Trung tâm TP, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cửa ngõ TP và khu vực khác. Trong đó, tại cảng Cát Lái có 3 điểm kẹt xe và cả 3 đều ít chuyển biến, tình hình giao thông phức tạp. Bên cạnh đó, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), trung tâm TP và một số khu vực khác cũng có tới 7 điểm (trong 10 điểm của 5 khu vực trên) tình trạng giao thông diễn biến hết sức phức tạp.            Nói về nguyên nhân kẹt xe, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GT-VT TPHCM, cho biết do mưa liên tục gây ngập một số tuyến đường, khiến các phương tiện đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nút giao thông Mỹ Thủy (đường Võ Chí Công giao Đồng Văn Cống) đang thi công cầu vượt, hầm chui, cũng cản trở lưu thông. Mặt khác, lượng hàng hóa và xe cộ tăng hàng năm vào khu vực cảng Cát Lái cũng gây ra kẹt xe thường xuyên. Ngoài ra, tại đường Nguyễn Thị Định, đoạn giao với trạm cân Quốc Thịnh, xe container thường xuyên ra vào để cân hàng, tạo nên chuỗi xe xếp hàng dài phía sau chờ đợi. Tương tự, tại các tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, tình cảnh ùn ứ giao thông cũng diễn ra hàng ngày. Đặc biệt, tại công trình cầu vượt nút giao đường Trường Sơn nối Phạm Văn Đồng và cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, đều hướng vào sân bay, hình thành các nút thắt cổ chai, trong khi lưu lượng đi lại dày đặc, người tham gia giao thông phải mướt mồ hôi khi qua đây. Theo Đội CSGT Tân Sơn Nhất, lượng ô tô tăng cao luôn đổ dồn về các nút thi công này khiến tình hình giao thông luôn quá tải.           
Kẹt xe gia tăng khắp các điểm nóng ảnh 1 Kẹt xe trên khắp các điểm nóng tại TPHCM khiến người dân thực sự ám ảnh khi đi lại. Ảnh: LAN ANH 
Sức người chỉ giải quyết ngắn hạn
Trao đổi với ĐTTC, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, cho rằng Sở GT-VT cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình tại nút giao Mỹ Thủy và sớm hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, trước tình trạng nhiều doanh nghiệp thành lập các trạm cân và bãi đỗ xe gần cảng Cát Lái, góp phần làm ùn tắc các tuyến đường, đề nghị chính quyền TP xem xét lại hoạt động của các doanh nghiệp này, cũng như sớm mở rộng đường Đồng Văn Cống và Nguyễn Thị Định để nâng cao hiệu quả lưu thông cho các phương tiện. Còn theo Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC 47 Công an TPHCM), các điểm UTGT chủ yếu xảy ra tại các giao lộ, gây nên sự hỗn loạn khi lưu thông, làm kẹt xe dây chuyền. Vì vậy, giải pháp trước mắt là dùng sức người để hạn chế tình trạng này. Theo Trung tá Phong, lực lượng CSGT cam kết không để hỗn loạn tại giao lộ nhưng không cam kết thông suốt tuyến, bởi đây là bài toán khó và đòi hỏi sự ra quân đồng bộ của toàn lực lượng.
“Thời gian tới, cơ quan chức năng cần đánh giá cụ thể hơn, có chiều sâu và phù hợp đối với các tiêu chí ùn tắc và bám sát thực tế các điểm có nguy cơ để đưa vào danh sách, từ đó có giải pháp chủ động trong việc kiểm soát và đẩy lùi tình trạng này” - trung tá Phong cho hay.

Trước tình trạng bức bách trên, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GT-VT TPHCM, chỉ đạo các đơn vị thành viên trực thuộc sở nâng cao năng lực cũng như phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng CSGT… để đảm bảo duy trì trật tự an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất số vụ ùn tắc. Song song đó, cần gắn trách nhiệm từng cá nhân nếu để xảy ra ùn tắc trên địa bàn quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm. 

Về lâu dài, sở sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm kéo giảm ùn tắc. Đồng thời, rà soát lại các khu vực trường học, bệnh viện, nơi tập trung đông người để có phương án cải tạo phù hợp; tăng cường công tác lập lại trật tự lòng lề đường và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công các dự án giao thông. Trước mắt, vào đầu tháng 7 tới sẽ hoàn thành một phần 2 cầu vượt dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất để giảm UTGT cho khu vực này. 

Các tin khác