Hơn 2.600 tỷ đồng hỗ trợ dự án cải thiện môi trường

(ĐTTCO)-Cuối tuần qua, tại TPHCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức họp bàn giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp cải thiện hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường. 
Hơn 2.600 tỷ đồng hỗ trợ dự án cải thiện môi trường

Tại cuộc họp, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết qua hơn 17 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ tài chính cho hàng trăm dự án đầu tư bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc, với số tiền hơn 2.600 tỷ đồng.

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập, trực thuộc Bộ TN-MT, với mong muốn tiếp tục mang đến sự hỗ trợ tốt nhất về tài chính cho các đơn vị có dự án đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Do vậy, chính sách vay rất ưu đãi. Với đối tượng là các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư bảo vệ môi trường, nếu được xét duyệt sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi 2,6%-3,6%/năm, cố định trong suốt thời gian vay. Mức vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Hiện tại, mức cho vay không quá 36,6 tỷ đồng đối với một dự án và không quá 73,2 tỷ đồng đối với một chủ đầu tư. Thời gian vay tối đa 10 năm và được ân hạn thêm không quá 2 năm.

Thế nhưng, tại hội nghị, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho biết việc tiếp cận thủ tục vay còn nhiều khó khăn, phức tạp. Mặt khác, trong quá trình hoạt động cũng đã bộc lộ một số tồn tại, chồng chéo quy định về cơ chế huy động vốn, cơ chế cho vay, hỗ trợ lãi suất, tài trợ…

Đồng thời số lượng các dự án bảo vệ môi trường được hỗ trợ tài chính của quỹ cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Một số doanh nghiệp có tâm lý ngại vay vốn từ tổ chức nhà nước nên còn chưa tiếp cận với nguồn vốn vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường.  

Trước thực tế đó, Bộ TN-MT cam kết sẽ thực hiện đơn giản hóa thủ tục thẩm định và cho vay vốn, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư công trình cải thiện môi trường. Bộ TN-MT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tập trung ưu tiên hỗ trợ những dự án thuộc các loại hình như xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.

Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh hỗ trợ cho các dự án sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường hoặc sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ TN-MT gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận. 

Các tin khác