Hoa hậu để làm gì?

(ĐTTCO) - Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết nhiều cử tri băn khoăn về các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tràn lan trong thời gian qua. 
“Câu hỏi cử tri đặt ra là mục đích của các cuộc thi sắc đẹp hiện nay là gì, và Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã thấy rằng các cuộc thi này đạt được mục đích đặt ra hay chưa?”. Đây là một vấn đề cần thiết, được đặt ra đúng lúc. Bởi lẽ, chất lượng những sân chơi nhan sắc tại nước ta đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tiêu cực và càng ngày càng xa rời tiêu chí chân - thiện - mỹ. 
Theo quy định, mỗi năm chỉ cho phép tổ chức 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Thế nhưng, các loại cuộc thi Hoa khôi cấp tỉnh, cấp huyện, cấp… hội chợ vẫn nảy nở liên tục. Thậm chí, nhiều cuộc thi nhan sắc trá hình được gọi tên là “Duyên dáng doanh nhân”, “Nữ hoàng thương trường” hoặc “Quyền lực phái nữ” cũng trao danh hiệu Hoa hậu cho thí sinh. Và kết quả, hoa hậu nhiều như nấm sau mưa, chẳng ai phân biệt được hoa hậu nào với hoa hậu nào. Đôi lúc công chúng phải ngỡ ngàng vì sao hoa hậu mà nhan sắc khiêm tốn quá.
Vì sao hoa hậu toàn quốc vẫn trắng đen lẫn lộn với hoa hậu ao làng? Vì mỗi cuộc thi không có mục đích rõ ràng. Trên thế giới, mỗi cuộc thi đều hướng đến giá trị khác nhau. Thí dụ, “Hoa hậu Trái đất” mong muốn tìm ra người đẹp làm đại sứ cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
Hoa hậu để làm gì? ảnh 1  
Còn ở nước ta, cuộc thi nhan sắc nào cũng gõ trống khua chiêng rất ghê gớm, nhưng khi trao vương miện rồi ai về nhà nấy, đắp mền ngủ ngon. Nói một cách khắt khe hơn, hầu hết các cuộc thi nhan sắc ở nước ta đều chỉ đặt nặng tính khoa trương như một thương vụ kinh tế. Cuộc thi nào thu hút nhiều nhà tài trợ, được xem như thành công. Còn người được tôn vinh hoa hậu cứ tự do bay nhảy, thích làm từ thiện thì tự đi quyên góp, thích đóng phim sẽ bước vào show biz. Thực trạng ấy dẫn đến hệ lụy hoa hậu chỉ nõn nã ở các tiệc lớn hát ca, tiệc nhỏ son phấn, mà mờ mịt ở các hoạt động vì cộng đồng. 
Hoa hậu không đóng góp gì cho sự tiến bộ, là một sự thật đau lòng. Một giám đốc công ty người mẫu, từng đưa nhiều thí sinh ứng thí hoa hậu, chân thành chia sẻ: “Đi thi hoa hậu để “đổi đời” là sự thật trần trụi nhất, hình như là điều mong muốn của hầu hết các thí sinh? Bây giờ, mấy ai đi thi hoa hậu với mục tiêu khẳng định sắc đẹp của mình, hay cao cả hơn là sau này dùng danh hiệu để phục vụ xã hội”.
Vậy, cứ cấp phép tổ chức thi hoa hậu để làm gì? Để vui vẻ chốc lát, để giải khuây tạm bợ cũng không đáng trách. Tuy nhiên, sự hư ảo của vương miện hoa hậu sẽ hình thành lối sống lệch lạc cho những cô gái mới nhón chân chập chững vào đời. Dùng thanh xuân để đánh đổi danh hiệu, rồi dùng danh hiệu để đánh đổi tiền bạc, là một vòng tròn lẩn quẩn chứa đầy rủi ro và bất trắc.

Các tin khác