Hệ lụy mạng xã hội từ câu view

(ĐTTCO) - Không hiểu xuất phát từ nguyên cớ nào, thời gian gần đây trên các mạng xã hội xuất hiện rầm rộ các thông tin về bắt cóc trẻ em. 

Những clip được rao giảng đầy thống thiết và được chia sẻ một cách ồn ào nhưng không hề có một dẫn chứng thuyết phục nào. 

Tin đồn nhạy cảm
Nhiều clip chỉ thấy hình ảnh những người đàn ông hung hãn xông vào tấn công một người phụ nữ vì cho rằng đây là đối tượng bắt cóc trẻ em. Thậm chí, nhiều clip thể hiện những nhân vật trong đó nói toàn tiếng Thái Lan hoặc tiếng Campuchia, nhưng vẫn quả quyết câu chuyện xảy ra ở Việt Nam. Vấn đề này nếu không có cái nhìn thấu đáo sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng. Trẻ em luôn là báu vật của mỗi gia đình. Trẻ em được nâng niu hết mực và được bảo vệ tuyệt đối. Do vậy thông tin về chuyện bắt cóc trẻ em rất được nhiều người quan tâm và bức xúc. Động cơ dàn dựng các clip trên mạng đã đánh vào tâm lý ấy của đám đông, hòng thu hút lượt truy cập, hoặc nói trắng ra nhằm câu view hoặc câu like. Đến thời điểm hiện tại, không ai dám xác định bao nhiêu phần trăm sự thật trong những clip bắt cóc trẻ em mà các bậc phụ huynh xôn xao bàn tán mỗi ngày với 1.001 cảm xúc rối bời và hoang mang.  Thế nhưng, những tin đồn bắt cóc trẻ em đã phát huy hiệu quả tiêu cực rất khó kiểm soát. Đêm 20-7 đến rạng sáng 21-7-2017, tại khu vực thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà - Hải Dương đã xảy ra một vụ tụ tập đập phá và đốt xe ô tô vì nghi ngờ những người trên xe dùng biện pháp thôi miên để bắt cóc trẻ em. Theo trung tá Lê Minh Hoàn, Phó trưởng Công an huyện Thanh Hà, kết quả điều tra cho phép khẳng định không có việc thôi miên để bắt cóc trẻ em tại khu vực thôn Đồng Hởi như thông tin đồn thổi. Cơ quan an ninh đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ hành vi hủy hoại tài sản của nhóm đối tượng quá khích. Câu chuyện có thể tường thuật vắn tắt như sau: Khoảng 18 giờ  ngày 20-7, anh Trịnh Mạnh Hải (37 tuổi, Giám đốc kinh doanh của Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi DanbReds, có trụ sở tại xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đã cùng với lái xe đi ô tô Toyota Fortuner về nhà vợ mình ở xã Tân Việt, huyện Thanh Hà chơi. Trên đường đi, anh Trịnh Mạnh Hải ghé vào cửa hàng của vợ chồng anh Phạm Đắc Bắc (33 tuổi, trú tại thôn Đồng Hởi) để hỏi mua đồ gỗ. Lúc này, anh Bắc bảo anh Hải chạy qua kho đồ gỗ nội thất của nhà nằm ở gần cửa hàng gặp chị Lê Thị Quyên (vợ anh Bắc) để được hướng dẫn xem nhiều đồ hơn. Qua một hồi trao đổi với anh Trịnh Mạnh Hải, chị Lê Thị Quyên quay trở ra để tìm giấy bút ghi lại giá cả các mặt hàng thì thấy chóng mặt, mệt mỏi nên cho rằng mình đã bị thôi miên giống như thông tin đã đọc trên mạng xã hội trước đó. Có lẽ quá hoảng hốt, chị Lê Thị Quyên tri hô hàng xóm ứng cứu. Người dân xung quanh, không chỉ đòi đánh anh Trịnh Mạnh Hải dù anh đã tìm cách chứng minh sự vô can của mình, mà còn kích động đập phá, sau đó châm lửa đốt ô tô của anh Trịnh Mạnh Hải. Phải đến 1 giờ 30 sáng ngày 21-7, công an mới đưa được nhóm anh Trịnh Mạnh Hải rời khỏi vòng vây khoảng 1.000 người. 
Hệ lụy mạng xã hội từ câu view ảnh 1
Phải phân biệt trắng đen trong mớ thông tin hỗn độn
Vì sao xảy ra bi kịch với anh Trịnh Mạnh Hải như vậy? Đó là hệ lụy của tâm lý bầy đàn trước thông tin nhạy cảm. Chị Lê Thị Quyên có bị thôi miên không? Hoàn toàn không. Cơ quan chức năng đã đưa chị Lê Thị Quyên đi khám sức khỏe, kết quả xét nghiệm cho thấy các chỉ số sức khỏe hoàn toàn bình thường. Nghĩa là chị Lê Thị Quyên bị choáng do thể trạng cá nhân không tốt vào thời điểm ấy. Tuy nhiên, điều đáng sợ ở đây là sự liên hệ với ám ảnh bắt cóc trẻ em. Từ thái độ thiếu bình tĩnh của chị Lê Thị Quyên đã kéo theo hành vi mất kiểm soát của những người láng giềng. Và không loại trừ trường hợp, nhiều kẻ quá khích đã lợi dụng hoàn cảnh để ra tay hành hung và phá phách nhằm thỏa mãn nhu cầu bạo lực. Một trong những nguyên nhân để nhiều người biến tin đồn trên mạng thành sự thật phải cảnh giác cao độ, có lẽ bắt nguồn từ cái chết của cháu Trần Trung Nghĩa (6 tuổi, thường gọi là Nô, ở phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Sau 5 ngày mất tích, thi thể của cháu Trần Trung Nghĩa được tìm thấy ở bãi cát vắng, cách nhà khoảng 2km. Sự dã man của đối tượng thú tính không thể nào tha thứ, nhưng vẫn chưa thể xác định có phải là hành vi bắt cóc trẻ em hay không. Ai cũng thừa nhận, bắt cóc trẻ em là một tội ác. Bộ luật Hình sự năm 2015 đưa ra cơ sở để xác định tội bắt cóc trẻ em như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi”. Về hình phạt, kẻ bắt cóc trẻ em sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm, nếu có tính chất chuyên nghiệp, tái diễn nhiều lần hoặc gây nguy hiểm cho nạn nhân. Người phạm tội bắt cóc trẻ em còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Pháp luật đã quy định rõ ràng như vậy, nhưng tâm lý yêu thương con cái vẫn khiến nhiều bậc phụ huynh cho rằng cần trừng trị thích đáng hơn với những kẻ bắt cóc trẻ em. Đúng, sự lành lặn và sự hồn nhiên của trẻ em là vô giá, nhưng không ai có quyền đứng trên pháp luật và cũng không ai có quyền thay mặt pháp luật để có những hành động tùy tiện với đối tượng bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Đặc biệt, trong xã hội văn minh, cần phải đề phòng những kẻ nhân danh bảo vệ trẻ em để phơi bày lối sống man rợ, bất chấp pháp lý và đạo lý. Về mặt nhân quần, cá nhân không thể vô nguyên tắc dùng thứ tội ác nọ để đối phó với thứ tội ác kia.  Hầu hết, những vụ bắt cóc trẻ em mà dư luận từng râm ran chỉ là tin đồn hoặc ngộ nhận. Nguy hiểm hơn, gầy đây xuất hiện tin đồn bắt cóc trẻ em để bán qua Trung Quốc lấy nội tạng. Tin đồn chỉ dừng lại ở miệng người khôn ngoan, nhưng tin đồn tam sao thất bản sẽ gây ra cho cộng đồng những bất an và những rối ren. Bằng thái độ công dân, nếu nghi ngờ về đối tượng bắt cóc trẻ em hãy báo ngay cho cơ quan chức năng giải quyết, chứ không thể tự mình làm người phán xử tối cao hoặc người thêu dệt bí hiểm.  Đối tượng trẻ em dễ bị bắt cóc nhất, chủ yếu từ 3 tuổi đến 7 tuổi. Vì ở độ tuổi ấy, các cháu chưa thể phân biệt người tốt người xấu và chưa có khả năng phản kháng. Còn phần lớn những vụ nghi ngờ bị bắt cóc từ 10 tuổi đến 15 tuổi, do trẻ em tự bỏ nhà đi bụi, hoặc đi lạc. Khu vực trẻ em dễ bị bắt cóc nhất là khu vực trường học hoặc địa điểm vui chơi, những nơi tụ tập đông người. Không thể đặt hoàn toàn sự quan tâm của mình vào những tin đồn, nhưng để trẻ em không bị bắt cóc, các bậc phụ huynh cũng cần hướng dẫn các cháu những cách ứng phó cơ bản. Thứ nhất, dạy bé phải lịch sự từ chối nhận quà (đôi khi là bánh kẹo có tẩm thuốc mê) của người lạ và cương quyết từ chối những lời rủ rê của người lạ. Thứ hai, dạy trẻ em phải kêu lớn hoặc khóc to nếu người lạ có hành động lôi kéo các cháu đi chỗ khác. Thứ ba, dạy trẻ em phải để mắt đến cha mẹ, tại siêu thị hoặc rạp hát, các cháu không được la cà quá xa vị trí của cha mẹ. 

Các tin khác