Gương sáng một nhà báo xông xáo, tận tâm

(ĐTTCO) - Phạm Quốc Toàn tốt nghiệp khoa báo chí hệ chính quy đầu tiên ở nước ta. Ngót nửa thế kỷ làm nghề, anh là một nhà báo tài năng, yêu nghề, luôn tận tụy với công việc, có nhiều cống hiến cho báo chí nước nhà. 

Làm báo Quân đội nhân dân từ đầu những năm 1970, khi cuộc kháng chiến cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Đất nước thống nhất, anh chuyển vào Nam làm Tổng biên tập Báo Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, sau đó là Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Anh đảm nhiệm chức trách này hơn hai mươi năm, từ 1887 đến 2009, tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiều khóa và  cùng phóng viên, biên tập viên phát triển tờ báo, khởi đầu là một báo tỉnh lẻ, dần dần trở thành ấn phẩm có số lượng phát hành khá, được đông đảo độc giả quan tâm, bên cạnh báo chính, có thêm đặc san, chuyên san. Tòa soạn Báo Bà Rịa - Vũng Tàu dần trở thành điểm hẹn của nhiều đồng nghiệp cả nước và những cây bút muốn thăm thú một vùng đất đặc thù của Tổ quốc, được tận mắt nhìn các dàn khoan dầu mỏ, hay viếng Di tích quốc gia Côn Đảo, đốt nén hương tưởng niệm những người nằm xuống mãi mãi nơi này, trong số đó có nhà báo, nhà cách mạng tiền bối Nguyễn An Ninh.
Gương sáng một nhà báo xông xáo, tận tâm ảnh 1 Từ trái qua phải: Nguyên Phó Chủ tịch Hội NBVN Phạm Quốc Toàn; Cố vấn cao cấp Liên đoàn báo chí ASEAN Bandhit Rajavatanadhanin; Nguyên Chủ tịch Hội NBVN Phan Quang;  Phó Chủ tịch Thường trực Hội NBVN Hồ Quang Lợi. 
Từ năm 1990, Phạm Quốc Toàn tham gia Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam, được anh em tín nhiệm bầu 5 nhiệm kỳ liền. 2 nhiệm kỳ cuối, anh là Phó Chủ tịch Hội phụ trách phía Nam, đồng thời là Tổng biên tập tạp chí Người làm báo. Phạm Quốc Toàn đã có công cùng anh em cố gắng cải tiến nội dung, hình thức tờ tạp chí lý luận nghiệp vụ của giới báo chí cho phù hợp hơn với xu thế hiện đại. Người làm báo là một trong những tạp chí lý luận, nghiệp vụ chuyên ngành sớm tự chủ về tài chính, tự lực vươn lên, không phải dựa vào nguồn kinh phí do cơ quan chủ quản cấp. Nhà báo Phạm Quốc Toàn viết khỏe, viết nhanh, đủ thể loại bút ký, tiểu luận, tiểu phẩm, tạp văn, chân dung đồng nghiệp, bút ký lữ hành, truyện ký. Được biết, anh sắp hoàn thành cuốn tiểu thuyết về thời cuộc và tập truyện ngắn khá dày dặn. Dường như do không phải làm chuyên trách, có nhiều thời gian hơn, anh chuyển sang làm sách. Tuy vậy, anh vẫn viết báo thường ngày, tên anh vẫn xuất hiện đều trên các trang báo. Trong vòng mấy năm anh trình làng 10 tác phẩm, phần nhiều là  những cuốn “viết riêng cho sách” hệt một nhà văn chuyên nghiệp, không phải tập hợp các tác phẩm báo chí đã in. Do nhu cầu công việc và cá tính con người, Phạm Quốc Toàn giao du rộng, đến bất kỳ đâu anh cũng kết thân bè bạn. Anh là bạn cố tri tâm giao của nhà báo Bandhit Rajavatanadhanin, người Thái Lan, nguyên Tổng biên tập báo Bangkok Post, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan, và đến nay tuy tuổi đã cao, vẫn là Chủ tịch danh dự Liên đoàn báo chí các nước ASEAN (CAJ).
Thông qua tình đồng nghiệp xuyên biên giới, Phạm Quốc Toàn không chỉ góp phần gắn bó quan hệ báo chí Việt - Thái, mà còn tạo điều kiện để một số hội nhà báo tỉnh, thành phố nước ta trực tiếp giao lưu với các bạn đồng cấp ở đất nước Chùa Vàng, thường xuyên qua lại thăm viếng, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau.

Những mối giao tiếp ấy tô đậm nhân cách một con người quảng giao, kín đáo và khiêm nhường, biết hành xử hợp với từng đối tượng, từ đó đâu đâu cũng thắm đậm nghĩa tình. Tôi có khá nhiều kỷ niệm với Phạm Quốc Toàn. Năm 1997, anh đang làm Tổng biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. Do cần có người làm chuyên trách Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận, lãnh đạo Hội Nhà báo có ý định cử Phạm Quốc Toàn, với tư cách Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội, đảm trách.
Anh là cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch Hội cấp tốc bay vào Nam, gặp đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, hồi đó là đồng chí Lê Văn Dỹ “nói khó” với anh, xin cho Phạm Quốc Toàn ra làm việc tại cơ quan trung ương Hội. Sau khi hội ý thường trực Tỉnh ủy, anh Lê Văn Dỹ chấp nhận, một phần cũng do “nể lời” bạn - như lời anh nói.
Tôi bay về Hà Nội chuẩn bị ký quyết định bổ nhiệm cán bộ, thì do nhu cầu công việc, Phạm Quốc Toàn có nguyện vọng và được tổ chức đồng ý cho ở lại tỉnh, tiếp tục làm Tổng biên tập Báo Vũng Tàu.

Nhiệm kỳ 2016-2020, do tuổi cao, Phạm Quốc Toàn không ứng cử tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam. Dù vậy, anh vẫn xông xáo, năng động như hồi nào. Với chiếc laptop và cái máy chụp ảnh chuyên nghiệp nặng chịch bên vai, Phạm Quốc Toàn vi vu ra Bắc vào Nam, lên tận vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, ngược Tây nguyên, xuôi Tây Nam bộ… tác nghiệp, hứng chí lại vượt biên sang đất bạn Lào, Campuchia, Thái Lan…
Anh em vẫn đọc bài Phạm Quốc Toàn ký nhiều bút danh trên báo Trung ương và báo địa phương. Thỉnh thoảng trên Facebook lại xuất hiện hình “cụ phó nhòm” Phạm Quốc Toàn đang nheo mắt giương máy khoe mấy tấm ảnh vừa chụp vui vẻ với bạn bè, thăm thầy giáo ở khoa Báo chí ngày xưa, có khi là ảnh chụp hoa, trái vườn nhà, cảnh quan đất nước.

Nhân báo giới kỷ niệm 92 năm  Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2017) và cũng là dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (1962-2017), nơi từ đó Phạm Quốc Toàn ra đi và trưởng thành, xin chúc nhà báo thâm niên nhưng trẻ mãi vẫn mải mê với nghề với nghiệp, cứ năng nổ như năm nào, tiếp tục cống hiến cho nghề, cho đời.

Các tin khác