Giang Nam - máu thịt thơ và đời

(ĐTTCO) - Thế hệ người Việt Nam sinh ở cuối thập niên 60 trở về trước của thế kỷ 20, hầu như ai cũng biết và thuộc lòng bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam. 

Song không phải ai cũng tường tận cuộc đời ông giữa thơ ca và đời thực gắn liền với nhau như máu thịt. Đời ông phân làm 2 nửa, 1 nửa dành cho thơ ca, 1 nửa dành cho “em du kích”- người vợ quá cố ông yêu hơn bản thân mình

Gần 1.000 ngày khóc thương “em du kích”

Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, quê gốc ở xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông sinh năm 1929 trong gia đình nho học. Ông tham gia hoạt động cách mạng Việt Minh từ tháng 8-1945 và làm thơ từ thời trai trẻ. Nhưng thơ ông chính thức được nhiều người biết đến từ năm 1955-1960, trong đó có bài thơ nổi tiếng “Quê hương” đưa vào trích giảng văn học phổ thông. Cho đến bây giờ, Giang Nam sở hữu hơn 200 bài thơ nhiều thể loại khác nhau với 11 tập, song chưa bài thơ nào vượt qua bài thơ "Quê hương". Năm 1961, bài thơ này đã đoạt giải nhì về thơ báo văn nghệ.

Nhà thơ Giang Nam đọc bài “Quê hương phiên bản 2".

Nhà thơ Giang Nam đọc bài “Quê hương phiên bản 2".

Tôi may mắn được gặp nhà thơ Giang Nam trong lần 2 câu lạc bộ thơ Vũng Tàu và Trăng thơ Nha Trang giao lưu thơ ca tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa những ngày tháng 3 vừa qua. Trong nhiều chuyện kể về cuộc đời làm thơ, chuyện vợ ông 2 lần bị địch bắt khiến nhiều người rơi nước mắt. Ông bảo: “Đời tôi với thơ là một. Thơ là nhựa sống, là nhịp thở cho tôi tồn tại. Tôi biết làm thơ thời còn trai trẻ, song "Quê hương" là bài thơ có thực trong đời tôi. Em du kích ngày đó là hình ảnh vợ tôi chứ không phải hư cấu”.

 Bên bàn ghế đá giữa thi đàn Câu lạc bộ Trăng thơ, nhà thơ Giang Nam kể lại: Năm 1959, cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt. Để đàn áp và dập tắt phong trào đấu tranh chống chế độ Mỹ-Ngụy ở khắp miền Nam Việt Nam của Nhân dân ta, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiến hành “Luật 10-59, tố cộng, diệt công”. Lúc đó tôi tròn tuổi 30 làm ở Ty thông tin huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa). Vợ chồng cưới nhau được 4 năm, song xa nhau biền biệt. Do hoạt động cách mạng bảo đảm bí mật, nên cả 2 vợ chồng không lộ diện. Có lúc, thấy vợ mình đó mà phải làm ngơ để che mắt địch. “Cô du kích trong thơ bị giặc giết quăng xác, có phải vợ của ông không thưa nhà thơ?” - tôi hỏi. Giang Nam ngồi trồi trầm ngâm, ông nhìn tôi cười hiền bảo: “Người chết trong khám lúc đó là người khác chứ không phải vợ tôi. Lúc đó nó phao tin để chiêu hồi tôi. Sau 2 năm đau buồn tự nhiên bà ấy dẫn con về”.

Đoạn, Giang Nam kể: “Để tránh sự phát hiện của địch, theo chỉ đạo của cơ sở cách mạng, ông và vợ - bà Phạm Thị Triều - khẩn cấp ra vùng ngoại tuyến tận Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hoạt động cách mạng. Tại đây, ông bà được bố trí một gian nhà chật hẹp trong phố. Cũng thời gian này, bà Triều mang thai và sinh con gái đầu lòng. Tình hình thay đổi, cách mạng yêu cầu Giang Nam quay về Ninh Hòa (Khánh Hòa) tiếp tục hoạt động cách mạng. Giờ chia tay, bà Triều bế con gái đỏ hỏn tiễn biệt chồng, Giang Nam nhìn vợ con rơi nước mắt. Họ biệt ly trong nhớ thương và hẹn ngày đoàn viên. Đây cũng là lần thứ hai vợ chồng biền biệt xa nhau sau 4-5 năm ngày cưới.

Bình minh sớm trên vịnh Nha Trang- nơi Giang Nam cảm hứng sáng tác.

Bình minh sớm trên vịnh Nha Trang- nơi Giang Nam cảm hứng sáng tác.

 Một chiều tháng 4-1960, bà Triều dẫn cô con gái nhỏ đi bán khoai lang trên đường phố thì bị địch bắt rồi đưa đi Sài Gòn Gia Định giam trong nhà tù Phú Lợi. “Khi vợ con bị bắt, tui buồn lắm. Nhưng khi nghe tin vợ và con gái bị giết, tôi như chết nửa người. Hình ảnh con gái đỏ hỏn lúc chia tay lúc nào cũng ám ảnh trong đầu. Vì quá đau buồn, tôi đã viết bài thơ “Quê hương” trong căn cứ bí mật chỉ trong 1 đêm. Lúc đó viết dưới đèn dầu chứ không có điện như bây giờ” - Giang Nam hồi tưởng lại. Một sáng mùa Thu năm 1962, trong niềm thương tiếc chưa nguôi về vợ con chết trẻ, Giang Nam một lần nữa chết lặng người khi thấy vợ bỗng dưng dẫn con gái từ đâu xuất hiện trước mặt. Sau gần một ngàn ngày khắc khoải, đau thương chưa vơi, nhìn thấy vợ con trở về, ông bừng tỉnh hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. “Con thì tôi không nhận ra vì lúc chia tay nó đỏ hỏn à, nhưng vợ thì tôi không quên được. Bà ấy chạy ào đến gục đầu vào vai tôi khóc. Tôi cầm bàn tay bà ấy đưa lên ngực tôi. Lúc đó tôi mừng quá quên bế con, đến lúc con bé khóc tôi mới quỳ xuống bế nó” - Giang Nam kể lại.

Nước mắt giữa thi đàn

Vậy còn hình ảnh “em du kích” trong bài thơ “Quê hương”, Giang Nam chia sẻ: “Lúc đó tôi quá đau khổ, dưới ngọn đèn dầu, đêm đó tôi vừa viết, vừa khóc. Các bạn đọc câu “giặc giết em rồi quăng mất xác/ bởi vì em là du kích em ơi” quá bi đát, nhưng cũng rất tự hào. Hình ảnh cô du kích là vợ tôi, nhưng thân xác thì không phải. Thật lòng, nếu không có sự kiện địch bắt vợ con tui đem giam trong nhà tù Phú Lợi rồi phao tin vợ con tui bị giặc giết, chắc hẳn tui không có cảm xúc như vậy. Cả đời làm cách mạng, vợ chồng ở bên nhau thời gian chẳng được bao lâu. Năm 1968, bà ấy bị bắt lần hai cùng con gái do bị lộ vì sơ suất nhỏ. Năm 1973, sau hiệp định Paris bà ấy được trao trả. Lúc đó con gái cũng đã lớn, vợ chồng tuổi cao nên không sinh con nữa. Bà nhà tôi mất năm 2013 tại TP Nha Trang này”.

Trong buổi giao lưu thơ nhạc giữa 2 câu lạc bộ thơ Vũng Tàu và Trăng thơ Nha Trang, có gần 200 nhà thơ, thi nhân, người yêu thơ đến từ Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt tới dự. Hàng trăm bài thơ ngợi ca tình yêu quê hương đất nước được các nhà thơ ngâm, đọc trên thi đàn. Hôm đó, tôi được Câu lạc bộ thơ Vũng Tàu cử ngâm bài thơ “Quê hương” và coi đó là món quà đặc biệt tặng Giang Nam. Ngồi dưới hàng ghế đại biểu đặc biệt, thêm một lần nữa, Giang Nam rơi nước mắt. Những lời thơ: “Hôm nay nhận được tin em / Không tin được dù đó là sự thực / Giặc giết em rồi quăng mất xác / Bởi vì em là du kích em ơi” thấm vào gan ruột. Giang Nam ôm chặt vai tôi, mắt rưng rưng bảo: “Cảm ơn em. Em phải yêu thơ tôi lắm mới ngâm hay như vậy”.

 Ông khóc. Giọt nước mắt của nhà thơ gạo cội 58 năm trước khóc vì quá đau buồn nhận tin vợ con bị giặc giết. Còn hôm nay, ông khóc vì xúc động xen lẫn sung sướng, tự hào. Ông khóc, bởi nhiều người vẫn nhớ đến thơ ông, vẫn nhớ đến “Quê hương” - bài thơ trở thành kinh điển hay nhất trong cuộc đời thơ ca của ông ở thế kỷ 20: “Đời tôi gắn liền với thơ. Nó là nhựa sống, là nửa tâm hồn tôi” - Giang Nam, nói.

Các tin khác