GĐ văn hóa nhiều, văn hóa... càng xuống cấp?

“Danh hiệu sáo rỗng”, “bệnh báo cáo”, “bệnh hình thức”, “bệnh thành tích”… là những từ mà bạn đọc Tuổi Trẻ nói về danh hiệu gia đình văn hóa.

 “Danh hiệu sáo rỗng”, “bệnh báo cáo”, “bệnh hình thức”, “bệnh thành tích”… là những từ mà bạn đọc Tuổi Trẻ nói về danh hiệu gia đình văn hóa.

Năm 2015, cả nước có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, trong khi đó, tình trạng bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, xuống cấp về đạo đức gia đình, xã hội và các giá trị văn hóa gia đình truyền thống có nguy cơ mai một…

Trước sự “tréo ngoe” này, bạn đọc Phạm Duy Công gửi ý kiến: “Nhà nước đưa vào nề nếp cũng mong muốn người dân sống tốt hơn, xã hội đỡ xảy ra tệ nạn, nhưng còn nhiều vấn đề bất cập quá nên khó được hiệu quả”.

Bạn Dương Văn Tuấn đề nghị: “Theo tôi Nhà nước nên xem lại các tiêu chí đánh giá, chứ đừng để thành… phong trào hoan hô thành tích”.

Bạn đọc Sông Trẹm thì bình luận: “Danh hiệu "Gia đình văn hóa" bây giờ thực chất chỉ là biểu hiện của căn bệnh thành tích. Cho nên không lạ gì khi số liệu gia đình văn hóa ngày càng nhiều mà văn hóa vẫn xuống cấp!”.

Bạn Toàn (Gò Vấp) cũng tán thành: “Tất cả chỉ là hình thức và giờ đọc lên nghe "quê" lắm. Gia đình tôi không có danh hiệu "gia đình văn hóa" nhưng là trí thức, trình độ thấp nhất là thạc sĩ, cao nhất là tiến sĩ; luôn chấp hành tốt pháp luật, không tệ nạn hay điều tiếng gì với hàng xóm.

Cách nhà tôi một căn là gia đình đạt chuẩn văn hóa. Chủ hộ học chưa hết cấp hai. Hai vợ chồng có tật xấu là hay trộm cắp vặt trong xóm ai cũng biết và họ hay chửi thề miết.

Cảnh đánh nhau tàn nhẫn xuất hiện ngoài đường và clip quay đưa lên mạng không còn là chuyện lạ.
Cảnh đánh nhau tàn nhẫn xuất hiện ngoài đường
và clip quay đưa lên mạng không còn là chuyện lạ.

Bởi vậy nói thật, có xét duyệt danh hiệu gia đình văn hóa cho gia đình tôi thì tôi xin miễn, không dám nhận đâu. Có thực mới vực được đạo. Người ta chỉ cần nhìn vào năng lực, tư cách, đạo đức là đủ hiểu văn hóa hay không rồi”.

Bạn Ngọc Tú cũng nêu: “Ấp văn hóa làm gì khi mà thanh niên đánh bài, đá gà, chửi tục om sòm, rồi nhậu nhẹt bê tha”.

Bạn đọc tên Van Ngoc cho biết: “Chúng tôi phải đóng tiền để nhận giấy gia đình văn hóa, thật hài”. Một bạn đọc khác cũng cho hay “Gia đình tôi được gắn biển "gia đình văn hóa" và bị thu 50.000 đồng”.

Bạn đọc Đỗ Tuân chia sẻ: “Nhiều gia đình "dột từ nóc dột xuống" vẫn được phong là gia đình văn hóa. Nhưng tôi vẫn tin còn rất nhiều gia đình hạnh phúc, đoàn kết, thuận hòa, có trên có dưới mà họ vẫn không cần chứng nhận gia đình văn hóa mà xã hội tự phong một phía. Bởi gia đình họ có tình thương, tình yêu, sự chân thành rất đời thực. Như thế là đủ”.

Nhiều bạn đọc góp ý:

“Thay vì dán lên tường Giấy công nhận gia đình văn hóa, nên dán những câu đơn giản nhưng ý nghĩa: Khi thấy Quốc kỳ được kéo lên bất cứ nơi đâu bạn nhìn thấy, hãy đứng nghiêm chào Quốc kỳ. Khi thấy đám tang đi qua, hãy đứng lại và ngả nón vĩnh biệt người quá cố.

Văn hóa được xây dựng từ những hành động nhỏ như thế đấy, hệ thống giáo dục làm được không?”.

Phát biểu tại cuộc họp tổng kết năm 2015 của Ban chỉ đạo trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Hà Nội ngày 3-12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề cho dù các cấp, các ngành có đầy đủ các chiến lược, đề án, các ban chỉ đạo để xây dựng đời sống văn hóa nhưng sự xuống cấp về đạo đức đang biểu hiện ở nhiều nơi.

Các tin khác