Duyên hải khác xưa

(ĐTTCO) - Địa danh Rừng Sác - Cần Giờ (TPHCM) từng được ví như “vùng đất chết”, đầy rẫy bom đạn chiến tranh. 
Thế nhưng, với sự nỗ lực vươn lên của chính quyền các cấp và người dân địa phương, trải qua hơn 40 mùa xuân, Cần Giờ đã phủ đầy màu xanh cây trái, biển trời, cuộc sống của cư dân khấm khá. Và Cần Giờ đang bước vào mùa Xuân thứ 43 với niềm phấn khởi tràn đầy.
Khôi phục hệ sinh thái
Theo lời kể của những người lớn tuổi từng tham gia chiến đấu tại chiến khu rừng Sác, trước năm 1975 Cần Giờ là một vùng đất sình lầy, ngập mặn quanh năm, sông rạch chằng chịt từ sông Soài Rạp vắt ngang qua Quốc lộ 51. Từ Nhà Bè theo sông Lòng Tàu chảy ra đến cửa biển Vũng Tàu, toàn vùng là rừng đước, chà là, bần, mắm. Ngoài số ngư dân trong các ấp chiến lược mưu sinh với nghề chài lưới theo dòng thủy triều lên xuống, hầu như rất ít người ở.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đây là trận địa sát nách Sài Gòn - Gia Định, thủ đô của chính quyền miền Nam. Với con sông Lòng Tàu là yết hầu vận chuyển tiếp tế hậu cần của địch, để ngăn chặn sự tấn công của quân ta, chúng đã thả xuống rừng Sác hơn 4 triệu lít chất hóa học, 2 triệu tấn bom đạn xuống cánh rừng chở che cho cách mạng, khiến nơi đây trở nên hoang tàn, cây cối chết khô ngã rạp lên nhau. 
Năm 1978, Cần Giờ phát động chiến dịch trồng lại rừng ngập mặn, thành lập Lâm trường Duyên Hải với lực lượng chính là thanh niên xung phong có nhiệm vụ khôi phục hệ sinh thái tự nhiên ở đây. Trong câu chuyện vui vẻ đầu năm mới, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cần Giờ Phùng Gia Hưng, tâm tình: “Duyên Hải xưa từng là rừng ngập mặn mênh mông, thực vật phong phú, động vật đa dạng như cá sấu, rái cá, chim, cò, heo rừng. Nhưng chiến tranh đã biến rừng Duyên Hải thành hoang mạc, cộng với nạn phá rừng bừa bãi, sau năm 1975, hệ sinh thái rừng ngập mặn nguyên thủy ở Cần Giờ gần như không còn. Vì thế, 100% rừng Cần Giờ hôm nay là thành quả vô cùng lớn lao, được tạo ra từ hàng triệu ngày công của hàng chục ngàn lượt lao động”.
Duyên hải khác xưa ảnh 1 Đường Rừng Sác vào trung tâm huyện Cần Giờ được trải nhựa khang trang. Ảnh: P.LONG 
Hiện nay Cần Giờ đã khôi phục lại hệ sinh thái rừng ngập mặn với hơn 22.000ha, nâng tổng số diện tích rừng ngập mặn của huyện lên 32.800ha. Rừng Sác - Cần Giờ hiện nay ngoài chức năng phòng hộ, còn là nơi nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Nơi đây hiện có một số loài quý hiếm nằm trong sách đỏ, bao gồm 8 loài bò sát, 2 loài chim, 3 loài thú.
Đảo Khỉ thuộc Lâm viên Cần Giờ hiện là điểm đến rất hấp dẫn đối với du khách, với loài khỉ đuôi dài gồm 3 bầy đàn (gần 500 con) sinh sống trong điều kiện tự nhiên. Hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cần Giờ đã được Chính phủ xem xét phát triển thành khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn, và Tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Duyên hải khác xưa ảnh 2 Trường THPT An Nghĩa, Cần Giờ, được xây dựng quy mô. Ảnh: P.LONG 
Cần Giờ hôm nay
Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, Cần Giờ hôm nay được ví như “Vũng Tàu thứ 2” của người dân TPHCM, khi có cảnh quan biển, hải sản tươi ngon, gió mát lồng lộng. Khi mệt mỏi vì phố thị chật chội, bụi bặm, kẹt xe, cư dân TPHCM muốn tìm chốn bình yên để trú ngụ vào cuối tuần, Cần Giờ là một sự lựa chọn thú vị. Chỉ hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe máy, hoặc ô tô từ trung tâm TP, thị trấn Cần Thạnh đã hiện lên trước mắt. Xe bon bon từ phà Bình Khánh về thị trấn Cần Thạnh, chúng tôi quan sát thấy hai bên đường vô vàn vuông tôm, những thửa ruộng muối trắng tinh dưới nắng sớm. Đường vào thị trấn Cần Thạnh rợp bóng mát và hoa vàng từ những cây điệp hai bên đường.
Vào mùa hoa điệp, con đường này đẹp lãng mạn không thua gì những con đường ở quận 1, quận 3. Chạy hết con đường Duyên Hải, ở cuối đường sẽ là Lăng ông Thủy Tướng, nơi vào tháng 8 âm lịch hàng năm diễn ra Lễ hội rước Ông Thủy Tướng. Bên ngoài lăng là chợ Cần Giờ. Cũng như bao ngôi chợ khác ở miền xuôi, cảnh buôn bán ở đây tấp nập kẻ bán người mua, nhất là những ngày cuối tuần. Đặc sản đồ khô ở chợ được bán với giá khá rẻ. 
Đi sâu vào trong những con hẻm nhỏ, mới thấy cuộc sống thường ngày của thị trấn Cần Thạnh thi vị làm sao. Ban trưa, trời nắng ráo, người lớn thì nghỉ trưa, trẻ con thì ngắm biển, cuộc sống trôi qua thật êm đềm. Có một số ngư phủ trở về sau chuyến tàu cá buổi sáng. Người khệ nệ xách đống cá mới bắt được, người thong thả tắm rửa nghỉ ngơi sau một đêm dài ở biển.
Bà Lương Thị Nga, người đã sống tại thị trấn Cần Thạnh từ sau ngày giải phóng, bày tỏ: “Từ năm 1978, gia đình tôi đã sinh sống tại Cần Giờ, lúc bấy giờ vùng đất này hoang sơ lắm, không một bóng người. Bao nhiêu năm trôi qua, người dân vùng biển cần cù lao động, đời sống đã thay đổi nhiều. Con đường Rừng Sác đã thông suốt khiến cuộc sống chúng tôi như sang trang mới”.
Thật vậy, Rừng Sác - Cần Giờ ngày càng chuyển mình mạnh mẽ khi có con đường bộ xuyên qua vùng đất sình lầy của rừng Sác năm nào, nối nội thành với vùng đất Đông Nam TP. Người dân huyện Cần Giờ nói vui với nhau rằng đó là “Con đường đánh thức Cần Giờ”. Lúc này đây, con đường rừng Sác đã hoàn thành giai đoạn I trải dài từ phà Bình Khánh (điểm giáp ranh giữa huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ) tới ngã ba đường 30-4 của thị trấn Cần Thạnh, với 3 làn xe trải nhựa khang trang, xe cộ đi lại tấp nập. Ở nơi “rốn bão” của TP, Cần Giờ đã phát huy được thế mạnh của vùng duyên hải bằng việc xây dựng các mô hình sản xuất nông - lâm - ngư kết hợp.
Với sự hỗ trợ của chính quyền, công tác tư vấn của các tổ chức đoàn, hội, người dân các xã Bình Khánh, Lý Nhơn… đã dần rời xa cuộc sống khó khăn năm nào, với khoảng 97% số hộ đã có điện lưới quốc gia, 100% tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường, hoàn thành phổ cập THCS.
Một mùa Xuân mới đang về trên quê hương Cần Giờ - vùng đất cách mạng. Những năm qua, việc đầu tư của TPHCM và Trung ương đối với Cần Giờ đã đạt được thành quả nhất định, được các chuyên gia ví von là “mũi tên đỏ - vành cung xanh”. “Đỏ” đó là Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, còn “xanh” là chính quyền địa phương xây dựng kinh tế biển hợp lý, là nguồn cảm hứng cho người dân phát triển kinh tế đúng hướng, mang lại chất lượng cuộc sống cho mọi gia đình.

Các tin khác