Đường Hoa Nguyễn Huệ - Khoe sắc Xuân Kỷ Hợi

(ĐTTCO) - Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Hợi 2019 trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ diễn ra từ ngày 2-2-2019 (28 Tháng Chạp) đến ngày 8-2-2019 (mùng 4 Tết); đây là đường hoa thứ 16 liên tiếp được UBND TPHCM chỉ đạo Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn thực hiện từ năm 2004 nhằm đón chào Tết Nguyên Đán cổ truyền dân tộc.

Nét mới đường hoa 
TPHCM đang chuyển mình mạnh mẽ xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, thông qua việc áp dụng các thành tựu mới về công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong thời đại 4.0, và tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Thành phố đang hướng tới cải thiện môi trường đem lại những thay đổi tích cực trong cuộc sống người dân và cho du khách.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh – Vững bước vươn xa” trên tổng chiều dài 720m sẽ khoác lên mình chiếc áo mùa xuân rực rỡ mới với những đại cảnh, tiểu cảnh được sắp đặt đầy tính nghệ thuật đan xen với công nghệ, hòa quyện giữa những lăng kính huyền ảo, độ sóng sánh của nước và sắc màu của ánh sáng được thể hiện trong ba phân đoạn chính của Đường hoa: Thành phố nghĩa tình giàu bản sắc, Thành phố thông minh (thành phố của tương lai) và Đô thị sáng tạo.
Đường Hoa Nguyễn Huệ - Khoe sắc Xuân Kỷ Hợi ảnh 1 Cổng đường hoa ở vị trí trung tâm là đại gia đình Hợi với 9 thành viên cùng nhau đi chơi, sắm Tết ở chợ Bến Thành. 
Khu vực Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang trí dựa trên ý tưởng thể hiện mùa xuân trên thành phố mang tên Bác với sắc mai vàng và hoa đào khoe sắc nhân ngày Tết truyền thống. Những chậu mai được bố trí hai bên tạo thành đường dẫn từ Đường hoa hướng về phía tượng đài Bác, hai bên là những nụ đào hồng bắt đầu bung nhụy khoe hương, phía sau tượng đài Bác được điểm tô sáng hơn với hai hàng mai vàng nở rộ kết hợp với hoa tầng thấp tạo khung cảnh xanh làm nền cho mai vàng rực rỡ hài hòa ấm áp ngày xuân. Cả khu vực được trang trí chăm chút, tạo nên không gian ngày Tết ấm tình dân tộc, giản dị trong sự tôn nghiêm.
Mở đầu Đường hoa 2019 là phân đoạn “Thành phố nghĩa tình giàu bản sắc” thể hiện cổng chào Đường hoa thành ba cụm riêng biệt với tổng cộng 15 linh vật trong đủ sắc thái cảm xúc thể hiện sự đủ đầy, phồn vinh, vui vẻ, yêu đời và hóm hỉnh. Cổng đường hoa ở vị trí trung tâm là đại gia đình Hợi với 9 thành viên cùng nhau đi chơi Tết, mua sắm Tết ở chợ Bến Thành, một trong những chợ truyền thống nổi tiếng nhất ở TPHCM. Chợ Bến Thành cũng tọa lạc tại Quận 1 cùng với sản phẩm văn hóa tinh thần - nơi du xuân không thể thiếu của mọi người vào dịp Tết cổ truyền.
Cổng chính cao hơn 6,8m. Trong đó, heo cha cao 2,9m và heo mẹ cao 2,6m trong trang phục áo dài nón lá, áo dài khăn rằn đặc trưng Nam bộ với hai gam màu ngày Tết là màu đỏ của sự may mắn và màu vàng của sự thịnh vượng, mang lại cảm giác hưng phấn, vui vẻ, tràn đầy năng lượng cho một năm vạn sự tốt đẹp cho bất cứ ai nhìn thấy linh vật năm nay.
Điều đặc biệt nhất của đường hoa Kỷ Hợi 2019 chính là sự xuất hiện của 6 chú heo đất nghĩa tình tại 6 vị trí đặc biệt dọc đường hoa. Bắt đầu từ hai đảo nhỏ cổng Đường hoa, mọi người sẽ thấy sự xuất hiện của chú heo đỏ trên lưng mang họa tiết mai vàng và biểu tượng đồng tiền với tên gọi thân thương-Nuôi heo đất “Tết làm điều hay, chung tay đóng góp cho học sinh nghèo TPHCM”.
Hình ảnh những chú heo đất mũm mĩm dễ thương mang thông điệp mong muốn được đón nhận sự đóng góp, những tấm lòng vàng của đồng bào, của du khách đến tham quan đường hoa, mang về những suất học bổng, những phần thưởng, quyển tập, cây viết, bộ đồng phục dành cho các trẻ em nghèo. Ngay sau khi đường hoa kết thúc, Saigontourist cùng Thành đoàn TPHCM chuyển toàn bộ số tiền nhận được cho các em học sinh nghèo hiếu học.
Đường Hoa Nguyễn Huệ - Khoe sắc Xuân Kỷ Hợi ảnh 2 Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề “TPHCM – Khát vọng vươn xa”, tổng chiều dài 720 m trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. 

Dấu ấn truyền thống 
Phố đi bộ Nguyễn Huệ hay nhiều người vẫn quen gọi là Đại lộ Nguyễn Huệ vào thời Chúa Nguyễn năm 1790 được gọi là Kênh Lớn hay Kênh Chợ Vải. Năm 1859, người Pháp gọi Kênh Chợ Vải là Kênh Grand. Năm 1861, Kênh Grand đổi tên thành Kênh Charner; cho đến năm 1887, Kênh Charner được san lấp và hợp cùng con đường hai bên tạo thành Đại lộ Charner. Năm 1956, Đại lộ Charner được đổi tên là Đại lộ Nguyễn Huệ. Tên gọi Đại lộ Nguyễn Huệ được sử dụng cho đến ngày nay.
Đại lộ Nguyễn Huệ cũng trở thành một trong những con đường đẹp nhất của Sài Gòn – TPHCM. Trong nhiều năm cho đến cuối thập niên 50, Đại lộ Nguyễn Huệ là nơi tập trung hoa Tết nổi tiếng của thành phố, tấp nập người dân đến đây thưởng hoa, chọn hoa và mua hoa về trang trí. Sau đó nhằm tạo thuận lợi cho việc ngắm, mua hoa, gửi xe và vận chuyển hoa, chợ hoa được dời tới địa điểm mới. Đến năm 2004, đường hoa Nguyễn Huệ lần đầu tiên xuất hiện và suốt 16 năm qua, đã trở thành nơi du xuân của người dân và du khách mỗi độ xuân về.
Năm nay, ngay phân đoạn đầu tiên của Đường hoa 2019 “Thành phố nghĩa tình giàu bản sắc” mọi người có dịp nhìn thấy một phần kênh đào nổi tiếng ngày xưa được tái hiện ngay chính nơi nó đã từng hiện diện. Những chiếc thuyền chở đầy hoa trái nương theo những con sóng cách điệu bằng tre - nứa, xuôi dòng cập bến. Khi màn đêm buông xuống, những cuộn sóng được thắp sáng như ánh trăng rọi sáng dòng kênh ngày nào, bầu bạn cùng thuyền chở hương xuân. Mọi người cũng bắt gặp hình ảnh du xuân của những đôi bạn trẻ trên những chiếc xe đạp ở tiểu cảnh “Dáng Xuân” ngay phía sau thảm hoa của đại cảnh “Sài Gòn -một thuở”. Hình ảnh những cặp đôi chở nhau trên “con ngựa sắt” có lẽ không mấy quen thuộc với các bạn trẻ ngày nay nhưng bất kỳ ai từng nhìn thấy hình ảnh lãng mạn này đều cảm thấy một thời thân quen.
Ngay giao lộ Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Huệ, phân đoạn 2 với tên gọi “Thành phố thông minh” thể hiện đúng tên gọi với các đại tiểu cảnh mang theo sự chuyển động. Mở đầu tiểu cảnh “Chong chóng ước mơ” là đảo linh vật với ba chú heo lớn mang hình vẽ thể hiện ước mơ về hạnh phúc gia đình, ngôi trường thân yêu, tình bạn thân thiết và xã hội thanh bình. Chong chóng ước mơ ở giữa có thể chuyển động như cánh gió gửi những mong ước bình dị đi thật nhanh thật xa.
Từ giao lộ Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế, phân đoạn 3 “Đô thị sáng tạo” thể hiện sự đổi mới toàn diện của thành phố như “Nông nghiệp thông minh” áp dụng phương pháp canh tác mới thân thiện với môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, môi trường sống ngày càng được quan tâm, giáo dục đào tạo được đầu tư, mở ra cánh cửa “Tri thức trẻ thơ” cho thế hệ tương lai.
Tiểu cảnh “Tương lai xanh” tạo tầm nhìn tương phản với diện tích nhờ vào tường kính nước xếp xen kẽ giữa các bức tường thực vật. Tiểu cảnh “Kính vạn hoa” thể hiện những đổi thay do công nghệ 4.0 mang lại. Khi sự kết hợp giữa hợp chất đa dạng không chỉ đơn thuần cho ra một kết quả mà là nhiều kết quả khác nhau, biến thiên, đa dạng như những hình ảnh thu được từ kính vạn hoa khi ánh sáng xuyên qua thấu kính và những vật nhỏ có màu ẩn trong lòng kính. 
Đại cảnh “Nhịp cầu hoa” với cầu gỗ không tay vịn bắc qua thảm hoa lớn nhiều họa tiết mô tả sự chuyển động cùng những quả cầu mang biểu tượng big data thể hiện sự gắn kết, sự hiện hữu của công nghệ trong mọi mặt của cuộc sống. Công nghệ giúp kết nối, phân tích dữ liệu sâu hơn, rộng hơn nhờ đó con người có thể nghiên cứu, phân tích, dự đoán và đưa ra giải pháp giúp cải thiện nhiều khía cạnh trong điều hành, kinh doanh, y học... 

Các tin khác