Đồng loạt ra quân xử lý nạn ăn xin

(ĐTTCO)-Ngày 10-3, Sở LĐTB-XH TPHCM cùng các sở, ngành và 24 quận, huyện đã họp bàn giải pháp giải quyết tình trạng người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng. Buổi làm việc nhằm thực hiện chỉ đạo mới đây của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và đòi hỏi của người dân TP về việc quản lý người ăn xin.

(ĐTTCO)-Ngày 10-3, Sở LĐTB-XH TPHCM cùng các sở, ngành và 24 quận, huyện đã họp bàn giải pháp giải quyết tình trạng người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng. Buổi làm việc nhằm thực hiện chỉ đạo mới đây của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và đòi hỏi của người dân TP về việc quản lý người ăn xin.

Đến 30-4: Giải quyết triệt để khu vực trung tâm

Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH TPHCM) nhắc đi nhắc lại: “Giải quyết tình trạng ăn xin là nhiệm vụ thường xuyên của quận, huyện trong quản lý địa bàn chứ không phải nhắc mới làm, làm phong trào”.

Theo ông Lê Chu Giang, 80% người ăn xin là ở các tỉnh, thành khác; TP sẽ làm việc với các tỉnh, thành đó bàn giải pháp căn cơ. Còn 20% người ăn xin có hộ khẩu TPHCM thì các quận, huyện càng phải chú ý. Nếu một gia đình có người ăn xin, địa phương phải đến, xem người dân cần gì thì hỗ trợ, tạo công ăn việc làm phù hợp.

“Chương trình an sinh xã hội của TPHCM đầy đủ, không thiếu gì hết, tại sao lại phát sinh người ăn xin? Để TP văn minh có người ăn xin là không thể chấp nhận được! Nếu tiếp tục còn người ăn xin, địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông Lê Chu Giang lưu ý.

 

Mục tiêu mới được Sở LĐTB-XH đưa ra là đến 30-4, giải quyết triệt để tình trạng ăn xin ở khu vực trung tâm TP; các quận, huyện khác sẽ giải quyết cơ bản tình trạng này. Sở duy trì ba đường dây nóng: (08) 38.292.491 (giờ hành chính), 0903.959.929 và (08) 35.533.258 (24/24 giờ) để tiếp nhận tin báo của người dân về người ăn xin.

Đánh giá tình hình ăn xin, ông Lê Chu Giang cho biết, người ăn xin giả dạng bệnh tật lê lết ngoài đường, bán vé số, bán tăm bông; lợi dụng trẻ em để xin ăn; giả thầy tu đi khất thực… ngày càng tăng. Từ tháng 12-2014 (thời điểm TPHCM ra quân xử lý người nghiện ma túy, người ăn xin) đến nay, Trung tâm Hỗ trợ xã hội (Sở LĐTB-XH TPHCM) tiếp nhận 2.285 trường hợp. Phần lớn đối tượng được giải quyết hồi gia (1.866 người).

Giải quyết từ gốc để tránh “bệnh cũ tái phát”

Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, một khó khăn trong xử lý đối tượng là theo quy định, thời gian thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tối đa không quá 3 tháng. Do đó, khi đối tượng được giải quyết hồi gia, dễ dẫn đến tình trạng “bệnh cũ tái phát”.

Về hướng xử lý các trường hợp ăn xin giả dạng bán vé số, bán tăm bông, bệnh tật…, ông Lê Chu Giang gợi ý cho các quận, huyện: người khuyết tật bán vé số cần xe lăn, xe lắc thì hỗ trợ; nếu họ không cần xe mà cứ lê lết ngoài đường thì lập biên bản để có cơ sở xử lý. Với người đau yếu, địa phương đưa đi trị bệnh, hết bệnh thì cho tiền về quê chứ không để người bệnh tật ăn xin và qua đó cũng “lòi” ra các trường hợp giả bệnh để ăn xin.

Sở LĐTB-XH cũng cho biết, Thành hội Phật giáo TPHCM không cấp giấy giới thiệu cho các nhà sư đi khất thực. Những người đi khất thực trên địa bàn TPHCM phần lớn là sư giả. Vì thế, các quận, huyện cần mạnh dạn xử lý. Với các đường dây chăn dắt, phường, xã, thị trấn cần đặc biệt chú ý đến phòng trọ đông trẻ em, người già bán vé số; tăng cường kiểm tra việc đăng ký tạm trú để kịp thời phát hiện những dấu hiệu chăn dắt người ăn xin.

Đi đôi với vận động người dân không cho tiền người ăn xin, Sở LĐTB-XH TPHCM cũng đề xuất giải pháp từ cách làm của Đà Nẵng: hỗ trợ người dân 200.000 đồng khi người dân phát hiện và giúp phường, xã, thị trấn tập trung người ăn xin. Sở LĐTB-XH cũng đề nghị các cán bộ quận, huyện, phường, xã trên đường đi làm hay về nhà thì tranh thủ phát hiện người ăn xin.

Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Nguyễn Thị Liên đề nghị các quận, huyện và các trung tâm cần phối hợp nhịp nhàng, bất kể giờ giấc, để tạo sự chuyển biến trong giải quyết tình trạng người ăn xin, đáp ứng mong muốn của người dân TP. Bà Liên tin tưởng, nếu các đơn vị đồng lòng, việc này sẽ làm được!

Các khu vực nhiều người ăn xin

Ngã tư Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo, cầu Bông, cầu Ông Lãnh, đường Cô Bắc, Nguyễn Huệ, Mai Thị Lựu (quận 1); ngã tư Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3); giao lộ Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Biểu; ngã tư Châu Văn Liêm - Nguyễn Trãi (quận 5);  khu vực Hùng Vương - Lê Hồng Phong; Ngô Gia Tự - Ngô Quyền - Hồng Bàng (quận 10); ngã tư Gò Mây, Lê Trọng Tấn - quốc lộ 1A, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (quận Bình Tân); vòng xoay Lăng Cha Cả, ngã tư Cộng Hòa - Út Tịch, ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình)…

Các tin khác