Để xảy ra tiêu cực lễ hội 2019 - Quy trách nhiệm người đứng đầu

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội, ngăn chặn hiện tượng trục lợi, hành vi bạo lực, phản cảm trong các lễ hội xuân; chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu theo đúng luật định… Đó là những nội dung được nhấn mạnh trong hội nghị triển khai công tác tổ chức, quản lý lễ hội, do Bộ VHTT-DL tổ chức chiều 18-1, tại Hà Nội.
Chấn chỉnh những lễ hội phản cảm
Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT-DL Ninh Thị Thu Hương, năm 2018, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, mùa lễ hội 2018 vẫn còn xảy ra một số hiện tượng tiêu cực gây phản ứng xấu trong dư luận xã hội. Cụ thể như vẫn còn hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội.
Tại một số di tích đền, phủ vẫn xảy ra hiện tượng đốt đồ mã gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính... Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích, công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời...
Để xảy ra tiêu cực lễ hội 2019 - Quy trách nhiệm người đứng đầu ảnh 1 Vỡ trận tại lễ hội cướp Phết ở Hiền Quan, Phú Thọ. 
Có thể nói câu chuyện lễ hội mặc dù trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến, nhưng những bất cập “cố hữu” dường như vẫn ngoài tầm kiểm soát. 
Với “điểm nóng” Phú Thọ, theo ông Nguyễn Việt Trung, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Thọ, cho biết, mùa lễ hội 2019, mọi thứ sẽ thay đổi, thay vì đập trâu phản cảm thì chỉ tiến hành nghi lễ theo dạng mô phỏng. Lễ hội chọi trâu Phù Ninh tạm dừng để tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới, trong đó làm rõ yếu tố truyền thống của lễ hội này để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu được phép mới tổ chức lại ở những năm tiếp theo.
Hội Phết Hiền Quan sẽ chỉ có 2 đội với khoảng 100 người tham gia đánh Phết, ban tổ chức bố trí trang phục xanh-đỏ tượng trưng cho Giáp Thượng và Giáp Hạ để khắc phục hiện tượng người không được tham gia đánh Phết tràn vào sân. 
Ông Quảng Đức Hạnh, Trưởng phòng Nếp sống, Sở VHTT-DL Vĩnh Phúc, cũng cho biết, lễ hội Đả cầu cướp Phết đã hoàn thiện kịch bản, từ năm 2019 chỉ tổ chức diễn Phết mà không tổ chức cướp Phết nhằm tránh hiện tượng tranh cướp chen lấn xô đẩy quá đà. Lễ hội Đúc Bụt với “đặc sản” là cướp chiếu. Để đảm bảo việc cướp theo hướng… văn minh, ban tổ chức đã đặt may chiếu đơn giản, không có diềm xung quanh, không có nút thắt để dễ tản chiếu, dễ phát lộc cho người tham gia. 
Quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp
Trước những phương án của các địa phương, bà Ninh Thị Thu Hương cho rằng: “Theo Nghị định 110 mới ban hành, Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương. Các địa phương khi tổ chức lễ hội cần nâng cao trách nhiệm.
Bởi thực tế việc phân cấp quản lý và tổ chức lễ hội sẽ góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẽ chủ động kiểm kê, phân loại lễ hội, tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp của từng địa phương, vùng, miền qua việc tổ chức lễ hội”.
Dưới góc nhìn của người nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH), cho rằng phải hiểu rõ thì mới có thể quản lý. Đi hội là nhu cầu văn hóa của cộng đồng, những ngày hội khác với ngày thường nên thăng hoa hơn để từ đó cân bằng đời sống tâm linh. Những ngày lễ hội thường ngắn, nên chăng khuyến khích khoảnh khắc thăng hoa, chỉ có điều đừng vượt lên bất thường quá mà thôi.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho rằng, mặt trái tiêu cực có nguyên nhân là do một số lễ hội chỉ chú trọng đầu tư đến hình thức, quy mô mà chưa đảm bảo về nội dung giá trị văn hóa truyền thống. Một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố bạo lực, phản cảm không phù hợp với xu thế của thời đại; một số lễ hội còn xảy ra hiện tượng chen lấn xô đẩy, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ... Song để giải quyết căn cơ tồn tại này cần phải tránh trường hợp đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của đơn vị tổ chức lễ hội; chỉ rõ trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội, trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của các bộ, ngành và UBND các cấp...

Các tin khác