Đào Duy Tùng - Người chủ xướng đổi mới tư duy

(ĐTTCO) - Đào Duy Tùng (1924-1998) được xem là nhà lý luận hàng đầu của Đảng thời kỳ đổi mới. Năm 1994 ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị và Ban Bí thư. 
Với hơn 30 năm làm công tác tư tưởng lý luận của Đảng, suốt từ tháng 5-1955 đến năm 1998, ông cũng là một nhà báo lớn, cây bút lý luận hàng đầu của báo chí cách mạng Việt Nam.
Đa dạng hóa, tăng cường thông tin hữu ích
Cùng với việc đòi hỏi báo chí phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm xã hội của mình, ông Đào Duy Tùng nhiều lần khẳng định, Đảng ta rất coi trọng báo chí và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình; đồng thời, ông cũng đòi hỏi, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp thấy rõ trách nhiệm của mình đối với báo chí, tăng cường trao đổi thông tin, mở rộng bàn bạc nhằm kịp thời bổ sung và hoàn thiện các chính sách về thông tin cũng như các chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với các nhà báo, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí và các nhà báo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
Là người lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận của Đảng trong thời kỳ đưa đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, bên cạnh những vấn đề căn bản, lớn lao về đường lối đổi mới, đường lối phát triển đất nước trong thời điểm bước ngoặt lịch sử dân tộc, có một vấn đề ông đặc biệt quan tâm: đổi mới tư duy. Theo ông, vào thời điểm ấy đổi mới tư duy là một vấn đề mang tính sống còn. Bây giờ nhìn lại ta thấy vào thời điểm ấy có thể khẳng định, nếu không đổi mới tư duy không thể có tư duy mới để thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Để đổi mới tư duy, ông đặc biệt quan tâm tới vấn đề thông tin. Ông chỉ rõ đổi mới công tác thông tin là điều kiện quan trọng để đổi mới tư duy. Bởi có thông tin đúng mới có suy nghĩ đúng, không được nhận thông tin không có gì để suy nghĩ cả. Nhận thông tin sai lệch tư duy không đúng được. Công khai, dân chủ trong thông tin là điều kiện phát triển tư duy khoa học, chống lại tình trạng cửa quyền trong tư duy, kịp thời phát hiện tình trạng trì trệ hoặc hư hỏng trong tư duy.
Đào Duy Tùng - Người chủ xướng đổi mới tư duy ảnh 1 Ông Đào Duy Tùng trong một chuyến công tác ở Yên Bái năm 1993.  
Đánh gia cao vai trò của công tác thông tin trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, sau Đại hội VI của Đảng, ông Đào Duy Tùng đã chỉ đạo quyết liệt công tác cải tiến hoạt động thông tin của Đảng. Vào thời điểm bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, theo ông, để đáp ứng được yêu cầu của cách mạng đang đặt ra, công tác thông tin cần được tiến hành cải tiến theo các hướng: đa dạng hóa thông tin và tăng lượng tin hữu ích; mở rộng tính công khai trong hoạt động thông tin; thông tin phải chân thực, góp phần xây dựng tư duy mới, khắc phục tư duy lạc hậu; đưa được tiếng nói của nhân dân tới những cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp; nâng cao tính phê bình, tự phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu nhân tố tích cực và cả nhân tố tiêu cực; thông tin đến được đúng đối tượng, đến tận những người lao động.

Người viết chính luận sâu sắc
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, người cùng làm việc với ông Đào Duy Tùng nhiều năm, cho rằng: “Nói đến Đào Duy Tùng, người ta thường nghĩ đến một người làm công tác tư tưởng hơn là một nhà báo. Sự thật, anh đi vào công tác báo chí rất sâu. Tác phẩm báo chí của anh chủ yếu là những bài chính luận… chứa nội dung sâu sắc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, rõ ràng.
Anh ghét lối viết khoa trương, hào nhoáng mà không có nội dung thiết thực. Theo anh, cán bộ biên tập Tạp chí Lý luận và chính trị của Đảng không thể chỉ nắm vững nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà còn phải biết vận dụng các lý luận đó; không những phải nắm vững đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng mà còn phải hiểu rõ cơ sở lý luận, cơ sở khoa học của đường lối, chính sách, quan điểm…
Khi viết và biên tập bài mới có sự sáng tạo, tránh được lối viết sách vở làm cho người đọc nhàm chán. Kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tế; ủng hộ cái mới; ủng hộ lớp cán bộ trẻ năng động, sáng tạo; đó là những chủ trương đậm dấu ấn người lãnh đạo Tạp chí thời kỳ anh làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản”. 
GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng những cống hiến này của nhà báo Đào Duy Tùng thể hiện ở 3 mặt: (1) Nắm vững lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đổi mới với tinh thần độc lập tự chủ, biện chứng, sáng tạo; (2) Luận chứng khoa học về tính tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, làm rõ quy luật cả cách mạng nước ta là độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; (3) Góp phần làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. 
Tháng 5-2014, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Đào Duy Tùng: Nhà tư tưởng - lý luận của Đảng ta” nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông. Tại đây, các nhà khoa học, nghiên cứu đều khẳng định, không chỉ là một nhà lãnh đạo tư tưởng, lý luận hàng đầu của Đảng thời kỳ đổi mới, Đào Duy Tùng là một nhà báo lớn của Đảng.
Quá trình hoạt động báo chí của ông rất phong phú và đa dạng; ở lĩnh vực nào ông cũng đạt được những thành tựu quan trọng, để lại dấu ấn đặc biệt. Với tư cách là nhà báo cách mạng, ông thể hiện ở 2 khía cạnh. Đó là người trực tiếp lãnh đạo cơ quan báo chí và người viết báo. Đặc biệt, với một tư duy mới và sắc sảo, ông đã chỉ đạo việc cải tiến công tác thông tin, báo chí, truyền thông đáp ứng kịp thời yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Qua đó, góp phần tạo ra những bước phát triển vượt bậc của công tác báo chí, truyền thông trong thời kỳ đổi mới, cũng như cho đến ngày nay.

Các tin khác