Dai dẳng nạn phá rừng ở Quảng Nam

(ĐTTCO)-Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam liên tiếp phát hiện nhiều vụ phá rừng tự nhiên với hàng trăm cây cổ thụ bị đốn hạ. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết cơ quan quản lý rừng và chính quyền địa phương đều không hề hay biết.
Dai dẳng nạn phá rừng ở Quảng Nam
Rừng chỉ còn là bãi đất hoang hóa 

Vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua là vụ phá rừng tại khoảnh 12, tiểu khu 675 khu vực rừng phòng hộ Đắk Mi (xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Hàng chục cây gỗ xoan đào (nhóm 4) đường kính 1-2m bị đốn hạ không thương tiếc, nằm la liệt trên mặt đất, cùng nhiều phách gỗ được cắt theo quy cách thương mại chuẩn bị chuyển ra khỏi rừng. Qua kiểm tra, tổng khối lượng gỗ bị đốn hạ khoảng 20m3.

Trước đó, cuối tháng 3-2019, người dân cũng phát hiện hàng chục cây gỗ chuồn có đường kính gần 2m vừa bị đốn hạ tại tiểu khu 343 thuộc rừng phòng hộ Sông Tranh (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Theo lời một số người dân, tình trạng phá rừng phòng hộ Sông Tranh đã kéo dài từ nhiều năm nay. Các đối tượng dùng trâu kéo gỗ từ nơi khai thác xuống bìa rừng rồi tập kết ở sông Tranh, sau đó dùng ghe máy vận chuyển gỗ vượt sông Tranh ra quốc lộ 40B để ô tô chở đi tiêu thụ.

Hầu hết hoạt động diễn ra vào ban đêm. Số gỗ chưa kịp vận chuyển được dìm xuống đáy sông cất giấu.

Tương tự, nhiều cây rừng tự nhiên thuộc xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) cũng đã bị đốn hạ trong suốt thời gian dài với số lượng lên đến hàng chục mét khối. Một số cánh rừng tự nhiên vài năm trước vẫn còn rậm rạp, bây giờ chỉ còn là bãi đất hoang hóa do cây rừng bị đốn hạ. 

Đây chỉ là 3 vụ phá rừng điển hình nhất đã được phát hiện trong vòng 1 tháng qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, có thể kể đến các vụ phá rừng ở xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn), mới đây nhất là tại xã Cà Dy (huyện Nam Giang)…

Tuy vậy, hầu hết sự việc trên đều không được cán bộ kiểm lâm hay chính quyền địa phương hay biết, dù diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí có vụ phá rừng chỉ cách đường đi chưa đầy 2km. 

Điển hình như vụ phá rừng Sông Tranh, sau khi báo chí, dư luận  phản ánh, ông Lê Văn Trường, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My, kiêm Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, đưa ra lý do, vì địa bàn rộng, các tuyến giao thông đi lại khó khăn; các phương tiện giao thông đường thủy trên lòng hồ Sông Tranh hoạt động tự do, khó kiểm soát…

Sắp xếp lại bộ máy bảo vệ rừng

Từ năm 2015 đến nay, dường như năm nào cũng phát hiện một vài vụ phá rừng tự nhiên quy mô lớn. Dù chưa có báo cáo toàn diện về diện tích rừng bị mất đi mỗi năm, nhưng ước tính con số không hề nhỏ.

Thực tế, từ năm 2016, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã ban hành Nghị quyết số 06 với kỳ vọng sẽ xây dựng cách thức quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn và hiệu quả.

Cùng với đó, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm cũng liên tục được kiện toàn, sắp xếp; các hình thức giao khoán, bảo vệ rừng bước đầu mang lại hiệu quả nhưng cũng xuất hiện không ít bất cập.

Theo UBND huyện Bắc Trà My, trong vụ phá rừng Sông Tranh, nguyên nhân sâu xa là do sự bất cập về cách tiếp cận quản lý do chồng chéo trách nhiệm và quyền hạn.

Lực lượng kiểm lâm địa phương không thể xử lý các hành vi phá rừng nằm trong diện tích lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh (với tư cách một chủ rừng) quản lý, bởi diện tích lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh nằm trên cả địa bàn 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My.

Đơn vị này có chức năng vừa tự bảo vệ vừa xử lý các hành vi xâm hại rừng, dù nắm giữ diện tích lớn, nhưng lực lượng bảo vệ rừng trực tiếp mỏng, trong khi địa hình miền núi hiểm trở, chủ rừng không tổ chức tuần tra, truy quét thường xuyên. Hậu quả là nhiều vụ phá rừng quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài mới bị phát hiện.

Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, thừa nhận đây là hạn chế trong công tác bảo vệ rừng. Điều đó giải thích vì sao các vụ phá rừng quy mô lớn đa phần tập trung ở khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên.

Hầu hết chủ rừng quản lý diện tích theo lưu vực, lâm phần thuộc địa bàn liên huyện, dẫn đến phối hợp giữ rừng vùng giáp ranh chưa chặt chẽ, nhất là khi xảy ra vụ việc xâm hại rừng thì khó quy trách nhiệm. Ngoài ra, một số huyện thành lập quá nhiều hạt kiểm lâm dẫn đến trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ, chức năng, hiệu quả quản lý kém.

Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, việc phá rừng ở một số địa phương diễn ra rất nghiêm trọng. Trong đó có nguyên nhân từ cách quản lý rừng chồng chéo, không hiệu quả.

Mỗi huyện miền núi chỉ có một hạt kiểm lâm cấp huyện, cần giải thể các hạt kiểm lâm trong các ban quản lý rừng và sắp xếp lại mỗi huyện chỉ có một ban quản lý rừng để thống nhất đầu mối quản lý. Đặc biệt, sẽ bố trí ít nhất mỗi xã một kiểm lâm địa bàn, chịu sự quản lý điều hành của chủ tịch UBND xã... 

“Phải nhanh chóng triển khai việc sắp xếp và chuyển giao các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh về trực thuộc UBND huyện. Diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý được chuyển giao lại cho ban quản lý rừng nhằm tạo sự thống nhất,  tăng tính hiệu quả trong quản lý bảo vệ rừng”, ông Lê Trí Thanh nói.

Các tin khác