Đã mang lấy nghiệp vào thân

(ĐTTCO) - Chiều 4-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam để lắng nghe, giải quyết những khó khăn vướng mắc của đội ngũ văn nghệ sĩ.
 Đây thực sự là một sự kiện đáng phấn khởi, bởi lẽ rất lâu rồi mới có cuộc gặp gỡ giữa người đứng đầu Chính phủ với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định văn học nghệ thuật Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh: “Nhân dân mong muốn có nhiều tác phẩm của văn nghệ sĩ Việt Nam xứng tầm hơn nữa, để chiếm lĩnh trận địa văn hóa tư tưởng thông qua văn học nghệ thuật, còn nhiều vấn đề trong kinh tế thị trường. Tôi muốn nói một ý rằng chúng ta không chạy theo thị trường nhưng nghiên cứu những xu hướng của thị trường, những nhu cầu của thị trường để đáp ứng yêu cầu của quần chúng là vấn đề rất lớn của từng văn nghệ sĩ và những tổ chức liên quan”.
Trong dòng chảy hội nhập sâu rộng, bao cấp toàn bộ cho các Hội văn nghệ không phải giải pháp hiệu quả và hợp lý. Văn nghệ sĩ phải chủ động sáng tạo để có tác phẩm đáp ứng đòi hỏi của đời sống hôm nay. Khi bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách dành cho đầu tư văn hóa cũng cần đắn đo. Không thể chi một cách dàn trải, mà phải có mục tiêu cụ thể. Hiện nay, tỉnh nào cũng có Hội văn nghệ địa phương, nhưng hiệu quả hoạt động khá cầm chừng. Muốn có tác phẩm đích thực, không thể áp dụng kiểu “chia đều miếng bánh” hoặc “hoa thơm mỗi người ngửi một tí”. 
Đã mang lấy nghiệp vào thân ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ và thông cảm với những khó khăn của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Điều lệ của Tổ chức Thương mại thế giới có quy định khá rõ về “miễn trừ văn hóa”. Nghĩa là mỗi quốc gia đều có thể bảo trợ cho những sản phẩm văn hóa đặc thù, nhằm tránh cho những nước đang phát triển bị “đồng hóa” hoặc bị “xâm lấn” về văn hóa. Tuy nhiên, sáng tạo nghệ thuật lại rất đặc thù, không phải căn cứ vào chuyện đáp ứng cái ăn, cái mặc của văn nghệ sĩ sẽ có được tác phẩm đỉnh cao. Đôi khi sự dung dưỡng quá mức sẽ tạo ra tâm lý lười nhác và ỷ lại. Văn nghệ sĩ trong cơ chế thị trường phải tồn tại như những người lao động thực sự, chăm chỉ và bền bỉ. Nhân dịp tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều quan chức của Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cũng không ngần ngại bày tỏ những khó khăn về vật chất. Đành rằng, vẫn có nhiều văn nghệ sĩ lão thành đang vất vả mưu sinh, nhưng hãy lưu ý, sự than thở không phải lúc nào cũng đồng hành với sự tự trọng của người sáng tạo biết gánh vác sứ mệnh phụng sự chân thiện mỹ. Thi hào Nguyễn Du đã nhắc “đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” đấy thôi. Mỗi đồng tiền bao cấp cho văn nghệ sĩ cũng từ thuế của Nhân dân. Ăn đã vậy, múa gậy thế nào? Từ sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp thể hiện thiện chí của Chính phủ với đội ngũ văn nghệ sĩ, bản thân mỗi văn nghệ sĩ phải ý thức rõ hơn trách nhiệm cống hiến cho xã hội. 

Các tin khác