Cưỡi ngựa đóng phim

Nền điện ảnh nước ta đến nay vẫn chưa có bộ phim nào trực tiếp lấy con ngựa làm nhân vật như hình ảnh Bạch Long  mã trong phim “Tây du ký”. Đáng kể nhất, vào thập niên 80 của thế kỷ trước, nhóm nghệ sĩ Lý Huỳnh có làm một bộ phim lấy bối cảnh trường đua và nghề nài ngựa. Thế nhưng, con ngựa vẫn sống động trên màn ảnh Việt như một loại... đạo cụ đặc biệt.

Nền điện ảnh nước ta đến nay vẫn chưa có bộ phim nào trực tiếp lấy con ngựa làm nhân vật như hình ảnh Bạch Long  mã trong phim “Tây du ký”. Đáng kể nhất, vào thập niên 80 của thế kỷ trước, nhóm nghệ sĩ Lý Huỳnh có làm một bộ phim lấy bối cảnh trường đua và nghề nài ngựa. Thế nhưng, con ngựa vẫn sống động trên màn ảnh Việt như một loại... đạo cụ đặc biệt.

Không thể kể hết bao nhiêu phim nhựa và bao nhiêu phim truyền hình có sự tham gia của các chú tuấn mã. Hầu hết các phim đề tài lịch sử hoặc dã sử đều có “bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền”, như “Trùng quang tâm sử”, “Kỳ tích núi Bà Đen”, “Lục Vân Tiên”, “Vó ngựa trời Nam”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”... Đáng lưu ý, tất cả diễn viên đóng phim chung với ngựa đều cảm thấy ái ngại vì vừa hứng thú vừa... mạo hiểm. Dù tài năng như Thành Lộc khi cùng Kim Khánh ngồi xe ngựa trong phim “Dòng sông thơ ấu” cũng thấy... hơi ớn lạnh.

Cưỡi ngựa đóng phim có nhiều chuyện dở khóc dở cười. Khi quay phim “Sương gió biên thùy”, từ ngôi sao như Việt Trinh đến võ sư như Lê Văn Nghĩa đều ê ẩm mình mẩy vì bị bạn diễn 4 chân hất xuống đất ngã lăn quay. Đạo diễn chỉ điều khiển được nghệ sĩ chứ không thể ra lệnh cho ngựa. Vì vậy, đoàn làm phim nào vớ phải kịch bản có con ngựa, kinh phí luôn phát sinh rất khó kiểm soát. Không chỉ trả tiền thuê ngựa, còn phải trả tiền cho chủ ngựa theo chăm sóc. Chưa kể, có không ít đoàn làm phim phải cắn răng đền tiền những con ngựa bị thương trong quá trình quay phim.

Từ ngày trường đua Phú Thọ đóng cửa cách đây 3 năm, các đoàn làm phim đã rất khó khăn khi muốn tìm ngựa đóng phim. Vì các hộ dân chuyên nuôi ngựa lần lượt bỏ nghề nên muốn tìm ngựa xứng danh Xích Thố hay Truy Phong cực kỳ nan giải. Diễn viên Lý Hùng thổ lộ về 2 lần đóng phim với ngựa rất đáng nhớ: “Khi đóng phim “Phạm Công Cúc Hoa” tôi ốm ngựa mập, còn khi đóng phim “Tây Sơn hào kiệt” tôi mập ngựa ốm. Khoảng cách 20 năm đúng là thay đổi nhiều thứ”.

Các giống ngựa quý đang dần mai một. Muốn có ngựa to khỏe để đóng phim phải đi thuê của… nước ngoài. Bộ phim “Huyền sử thiên đô” thuê mấy chục con ngựa của Trung Quốc có vóc dáng vạm vỡ, cao trên 1,8m. Nhìn đàn ngựa đẹp không chê vào đâu được, nhưng diễn viên rất chật vật khi leo lên cưỡi.

Năm Giáp Ngọ, người Việt không còn trường đua ngựa, nhưng thú chơi ngựa vẫn tồn tại trong đời sống. Hy vọng, một ngày nào đó, chuyện cưỡi ngựa đóng phim không còn làm trở ngại ý tưởng nghệ thuật của các nhà làm phim.

Các tin khác