Cuối năm “nóng” chuyện thực phẩm bẩn - Bài 1: Thực phẩm bẩn bủa vây mùa giáp tết

(ĐTTCO) - LTS: Thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua, sử dụng thực phẩm của người dân gia tăng. Các mặt hàng thực phẩm được tập kết, bày bán tại các khu chợ, cửa hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống “nóng” hơn bao giờ hết. Vì tư lợi, một số chủ cơ sở đã phớt lờ các quy định của pháp luật, cho nhập thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ rồi “tuồn” ra thị trường, khiến dư luận bức xúc.

Do nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào dịp tết, các loại thực phẩm, bánh mứt kẹo, rượu bia... nguy hại không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trà trộn ngày càng nhiều trên thị trường. Cùng với đó, nhiều loại thực phẩm bẩn của nước ngoài cũng rình rập để tràn vào nội địa, được bày bán la liệt từ chợ đầu mối, chợ truyền thống đến chợ tự phát...
Bẩn từ cửa khẩu…
Lạng Sơn những ngày giáp tết náo nhiệt khác thường, tại các cửa khẩu biên giới luôn tấp nập các đoàn xe tải vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu suốt ngày đêm. Cùng với đó, tại các chợ ở khu vực cửa khẩu Đồng Đăng, Tân Thanh cho tới các chợ Đông Kinh, Giếng Vuông ở trong TP Lạng Sơn bày bán tràn ngập nhiều thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả có xuất xứ từ bên kia biên giới.
Các loại nước hoa quả, trà đóng hộp, mứt, xì dầu, cho tới gia cầm sống, nội tạng động vật... được không ít chủ hàng đon đả mời chào mua, thậm chí có chủ hàng không ngần ngại nhận chuyển hàng đi các tỉnh thành trong cả nước nếu mua với số lượng lớn. Thế nhưng, khi trực tiếp tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm được coi là hàng nhập khẩu này, chúng tôi không khỏi rùng mình khi hầu hết đều không có nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng. Nguy hại hơn, một số loại thịt gia cầm làm sẵn, thịt heo và nội tạng động vật được tẩm hóa chất đóng trong các thùng xốp đã bốc mùi.
Cuối năm “nóng” chuyện thực phẩm bẩn - Bài 1: Thực phẩm bẩn bủa vây mùa giáp tết ảnh 1 Thực phẩm tươi sống được bày bán la liệt dưới lòng đường khu chợ Hòa Bình. Ảnh: Hoàng Hùng 
Qua tìm hiểu của phóng viên, các loại thực phẩm bẩn, gà lậu, nội tạng động vật, thịt thối đều có nguồn gốc từ bên kia biên giới và được đưa vào nội địa bằng đường nhập lậu qua các đường mòn, lối tắt trên đường biên giới. Thủ đoạn hoạt động của đối tượng vận chuyển thực phẩm bẩn cũng rất tinh vi, thuê cư dân biên giới vận chuyển qua đường mòn, nếu trót lọt sẽ tập kết tại các xã giáp biên, sau đó dùng xe máy hoặc ô tô vận chuyển vào khu vực thành phố, xé lẻ, trà trộn vào xe khách, thậm chí là xe du lịch nhằm che mặt lực lượng chức năng để đưa về các tỉnh thành trong nội địa tiêu thụ.
Nguy hiểm hơn, nhiều mặt hàng thực phẩm bẩn, bánh kẹo, rượu bia không rõ nguồn gốc, nhập lậu nhưng khi được đưa sâu vào nội địa lại được “phù phép” thành những mặt hàng có nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng đàng hoàng để đánh lừa người tiêu dùng.
... đến các chợ đầu mối
Còn ở trong nội địa, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao vào thời điểm giáp tết, không ít đối tượng kinh doanh, sản xuất thực phẩm, bánh kẹo, rượu đã bất chấp các quy định của pháp luật để đưa ra thị trường những mặt hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại TPHCM, tình trạng bày bán tràn lan các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống vẫn còn diễn ra một cách phổ biến, đặc biệt là thời điểm gần tết, khi nhu cầu mua sắm thực phẩm của người tiêu dùng tăng cao. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại một số chợ truyền thống, chợ tự phát trên địa bàn quận Gò Vấp, quận 12, quận Tân Bình, quận Thủ Đức... nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống phục vụ cho Tết Nguyên đán đang được bày bán khá nhiều.
Nhưng, điểm chung của các loại hàng hóa thực phẩm này đều không có bao bì, tem nhãn. Đáng ngại, tại các chợ tạm này, thực phẩm tươi sống bày bán lẫn lộn với thức ăn chín, không được che đậy, vệ sinh môi trường không bảo đảm; hàng hóa chưa được kiểm soát tốt về nguồn gốc, thậm chí nhiều loại gia súc đã làm sẵn, hải sản ngâm đá trộn với khói bụi đường được bày bán la liệt trên nền đất...
Cuối năm “nóng” chuyện thực phẩm bẩn - Bài 1: Thực phẩm bẩn bủa vây mùa giáp tết ảnh 2 Kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ Bến Thành   Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Tại chợ Căn Cứ 26 (quận Gò Vấp), nhiều hộ kinh doanh bày bán gia cầm, gia súc giết mổ tại chỗ ngay miệng cống thoát nước để tiện đổ nước thải. Kế miệng cống là lông gà kèm phân gà, lòng, phổi được chất thành đống, mặc ruồi nhặng bu đầy. Những rổ gà sạch vừa giết mổ xong cũng được người bán đặt ngay trên nắp cống để chờ giao cho khách. Miệng cống này không chỉ bốc mùi tanh của phân gà mà còn quyện mùi ruột cá tích tụ lâu của 3 hàng cá kế đó.
Càng đi sâu vào trong chợ tạm, chợ cóc, tình trạng mất ATTP càng gia tăng, nhiều thực phẩm tươi sống được bày bán ngay cạnh bãi rác, bãi phế liệu, thực phẩm chín bày bán tại thực phẩm sống... Tuy vậy, người mua có vẻ không mấy quan tâm khi đây vẫn là địa điểm mua bán quen thuộc của họ. Khi được hỏi lý do tại sao biết các thực phẩm tại các chợ cóc, chợ tạm không đảm bảo vệ sinh ATTP nhưng vẫn mua, nhiều bà nội trợ lý giải vì các chợ này thường nằm sát khu dân cư, tiện cho việc mua sắm.
Không chỉ dừng lại ở thực phẩm, các mặt hàng bánh kẹo không đảm bảo vệ sinh ATTP cũng đang nóng lên trong dịp cận tết. Tại chợ Bình Tây (TPHCM) những ngày cuối năm, lượng hàng hóa, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán tăng cao. Nhiều loại bánh, kẹo, mứt được bày bán theo ký, không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng. Để chèo kéo khách hàng, khi được hỏi về chất lượng sản phẩm, các chủ cửa hàng ở đây đều khẳng định hàng của mình là hàng công ty, hạn sử dụng lâu dài đóng gói trong các bao bì lớn để được nhập với giá rẻ hơn so với thông thường.
Còn tại phố Hàng Buồm (Hà Nội) - một trong những trung tâm kinh doanh bánh kẹo, rượu bia lớn nhất của Hà Nội - có khá nhiều loại bánh, kẹo, mứt tết được bày bán đều trong tình trạng không xuất xứ, không hạn sử dụng, không nhãn mác, không bao gói... nhưng nhiều chủ hàng vẫn quảng cáo với khách hàng là hàng xịn, ngoại nhập, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong khi đó, tại chợ Đồng Xuân và chợ đầu mối Long Biên, các loại bánh kẹo, mứt tết và hoa quả cũng tràn ngập với nhiều loại không rõ nguồn gốc.
 Theo Bộ Y tế, trong năm 2018, cả nước ghi nhận 97 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.340 người bị ngộ độc, 2.944 người phải nhập viện và 16 trường hợp tử vong. Thống kê ban đầu của quản lý thị trường, cảnh sát môi trường cho thấy, trong năm qua, toàn quốc đã xử lý trên 14.000 vụ việc vi phạm về ATTP, với hàng ngàn cá nhân và tổ chức vi phạm. Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ 15 bị can về tội “Vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm” và một số tội danh khác có liên quan.

Các tin khác