Cuộc sống “rốn lụt” khó khăn hơn

(ĐTTCO) - Sau gần 1 tháng chịu cảnh mưa lũ, ngập lụt, hiện nay nước đang rút dần, nhưng người dân bị ngập lụt vùng Chương Mỹ, Quốc Oai (TP Hà Nội) vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn phát sinh như sinh hoạt bị đảo lộn, thiếu nước sạch, môi trường bị ô nhiễm. 

Nhiều gia đình sau đợt lũ lụt trở nên trắng tay, do tài sản, hoa màu, cây trồng, vật nuôi, thủy sản… bị nước cuốn trôi.

Thiếu nước sạch,ô nhiễm môi trường
Theo ghi nhận của ĐTTC ở vùng “rốn lụt” xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), những ngày này nước đang rút dần, giao thông đã thuận tiện trở lại, không còn bị cô lập, thuận lợi cho việc khắc phục, cứu trợ người dân vùng lũ. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 hộ bị ngập vẫn chưa thể quay trở lại nhà sống bình thường. Nước sạch đã được cung cấp, nhưng số lượng có hạn nên vẫn còn nhiều hộ thiếu nước sạch.
Cuộc sống “rốn lụt” khó khăn hơn ảnh 1 Hơn 2.000 con vịt là số tài sản còn lại của anh Nguyễn Duy Phong (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) sau đợt lũ vừa qua. 
Chúng tôi đến xóm Đầm Dứa, thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, một trong những xóm bị ảnh hưởng nặng nhất bởi rác trong đợt lụt vừa qua. Tại đây rác theo dòng nước tràn vào mọi ngóc ngách, đường sá, nhà cửa sau một thời gian dài tù đọng đã bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm và làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh cao.
Chị Nguyễn Thị Phượng (45 tuổi), người dân xóm Đầm Dứa cho biết, sau khi nước bắt đầu rút, rác nằm ở khắp nơi, thậm chí theo dòng nước vướng trên cây cao, các hộ trong xóm thu gom, dọn được hàng chục bao tải rác. Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, hiện trên địa bàn 3 xã trọng điểm của huyện vẫn còn 123 hộ dân bị úng ngập. Trong đó xã Nam Phương Tiến còn 86 hộ, xã Tân Tiến còn 37 hộ. Xã Nam Phương Tiến và Tân Tiến vẫn còn một số tuyến đường ngõ xóm chưa rút cạn nước; 90 hộ dân và 4 trạm bơm vẫn bị ngừng cấp điện do ngập nước.
Cuộc sống “rốn lụt” khó khăn hơn ảnh 2 Nhà bà Nguyễn Thị Oanh (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) nước vẫn ngập vào sân.
Theo ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, tại những xã này do chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung, người dân vẫn sử dụng giếng khơi nên nguồn nước chưa bảo đảm. Chính vì vậy, sau khi nước rút, khó khăn lớn nhất của nhân dân là thiếu nước sạch sinh hoạt nếu Công ty Nước sạch Hà Đông không tiếp tục cung cấp. 
Nhiều gia đình mất trắng
Dù nước đã rút nhưng ngoài đồng ruộng nước vẫn ngập mênh mông, vì vậy người dân vẫn chưa chưa thể cải tạo ruộng đất để khôi phục sản xuất. Đặc biệt trong đợt lũ này, bị ảnh hưởng nhiều nhất là những hộ dân nuôi, trồng thủy sản. Ông Nguyễn Nhã Tuyển (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) ngậm ngùi cho biết, trong đợt lụt vừa qua gia đình ông thiệt hại nặng nề 1 mẫu ngó khoai, 2 mẫu thủy sản và 1 trang trại chăn nuôi lợn, gà bị mất gần hết, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Cuộc sống “rốn lụt” khó khăn hơn ảnh 3 Cán bộ y tế phun thuốc Cloramin B các nhà dân khử trùng, phòng bệnh. 
Số tiền làm đầm thủy sản và trang trại đều là tiền đi vay, sau lũ gia đình ông không biết lấy đâu trả nợ. Còn ông Nguyễn Duy Phượng (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) chia sẻ, 2 năm liền gia đình ông thả cá mất trắng. Ông Phượng cho biết hiện nước chưa rút hết, mà đợi khi nước rút hết cũng chưa thể canh tác lại ngay được, vì còn cần thời gian cải tạo lại đồng ruộng.
2 năm nay huyện Chương Mỹ và Quốc Oai chịu ảnh hưởng bởi nước lũ dâng cao và nhanh so với mọi năm. Dù đã được chính quyền địa phương cảnh báo, hỗ trợ sơ tán người và tài sản, nhưng vẫn không thể tránh khỏi thiệt hại. Anh Nguyễn Duy Phong (thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) cho biết, năm 2017, do vỡ đê khiến anh mất trắng hàng tấn cá.
“Năm nay nước về sớm và cao hơn mọi năm. Tôi chỉ kịp lùa 2.000 con vịt lên bãi cao, hơn 1.000 con còn lại tôi bất lực nhìn cuốn trôi theo dòng lũ. Tài sản hơn 200 triệu đồng gồm 1.000 con vịt, 300 con gà và 20 mẫu thủy sản trắng tay sau đợt lũ lụt vừa qua. Những tưởng nước lũ lên như mọi năm vào khoảng tháng 10 để tôi kịp thu hoạch, trả nợ. Giờ không còn gì” - anh Phong chia sẻ và cho biết chắc sẽ phải chuyển nghề vì không còn vốn để canh tác.
Theo thống kê thiệt hại sơ bộ của chính quyền xã Nam Phương Tiến, hiện nay còn 112 hộ bị ngập, hơn 300ha hoa màu mất trắng, khoảng 38.000 gia cầm chết, hơn 100 đàn gia súc chết, diện tích thủy sản bị ngập 85ha. Hiện nay chính quyền xã đang tích cực hỗ trợ người dân sau lũ lụt, cung cấp nhu yếu phẩm như nước sạch, mì tôm, gạo, rau củ cho người dân và phun thuốc khử trùng, phòng các dịch bệnh bùng phát sau lũ. 
Theo UBND huyện Chương Mỹ, do khu vực 4 xã sống bên đê hữu sông Bùi là Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân, phần lớn diện tích nằm trong vùng trũng thấp, bị ảnh hưởng nặng nề của lũ từ Hòa Bình dồn về. Do vậy, huyện Chương Mỹ kiến nghị TP Hà Nội hỗ trợ 447 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 11 tuyến đê xung yếu bị tràn và lở. Đồng thời nâng cấp 13 tuyến đường để đảm bảo khi bị ngập úng người dân không bị cô lập. Về lâu dài, huyện cùng với TP Hà Nội sẽ tính toán cải tạo, nâng cấp cả đê tả và hữu sông Bùi bằng cừ bê tông dự ứng lực. Trước tiên, từ nay đến năm 2019 sẽ thí điểm đầu tư một đoạn đê xung yếu nhất của đê tả Bùi có chiều dài khoảng 1.500m, từ cầu Bến Cốc đến hết tràn Thanh Bình.

Các tin khác