Cúng sao giải hạn có tác dụng gì?

(ĐTTCO) - Dù đã tồn tại từ lâu, nhưng vài năm gần đây trào lưu cúng sao giải hạn vào tháng Giêng bỗng dưng bùng phát dữ dội. Hầu hết các chùa chiền trên cả nước đều làm dịch vụ cúng sao giải hạn cho khách thập phương. 
Cúng sao giải hạn có tác dụng gì?
Ban đầu chi phí nhang đèn còn mang tính tùy hỉ, nhưng dần dần niêm yết giá công khai. Rõ ràng, đây là hành vi mua thần bán thánh và có dấu hiệu trục lợi từ mê tín dị đoan. Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch) đã phát công văn yêu cầu chấn chỉnh ngay hoạt động phản cảm này.
Đức tin của mỗi người là một quyền riêng tư, không ai nỡ xâm phạm. Tuy nhiên, khi đức tin ấy được chuyển hóa thành những việc làm gây ảnh hưởng cho môi trường xung quanh cần có sự đắn đo nghiêm túc. Đành rằng có thể gật gù với nhau “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, song chẳng ai chứng minh được cúng sao giải hạn có tác dụng cụ thể như thế nào. Khi hàng triệu người đổ xô nhau cúng sao giải hạn một cách ầm ĩ, thật khó phân biệt thiện nam tín nữ trên cõi đời. Vào chùa lạy Phật để cầu bình yên cũng là một tín ngưỡng dân gian, nhưng cúng sao giải hạn lại là một điều khó hiểu. 
Một nguồn tin cho biết, năm nay chùa Lý Triều Quốc Sư ở Hà Nội đã tổ chức 5 buổi lễ cầu an cho gần 2.000 gia đình với giá 400.000 đồng/trường hợp. Đó là cúng sao giải hạn theo kiểu tập thể, còn muốn thể hiện lòng thành riêng từng hộ phải trả 5 triệu đồng cho một lần đăng đàn hành lễ.
Dù không công khai, nhưng số tiền những ngôi chùa nổi tiếng có thể thu được trong Tháng Giêng từ dịch vụ cúng sao giải hạn có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây là một hoạt động Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chủ trương, nhưng cũng chưa có biện pháp ngăn chặn. Thượng tọa Thích Trí Chơn, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TPHCM, bày tỏ quan niệm: “Mọi thứ trong đời đều do mình quyết định, nỗ lực thay đổi, thực hiện mà thành. Chứ không có ngôi sao nào đủ năng lực chi phối để phải cúng sao. Cần giữ niềm tin nhân quả mới biết cách để kiến tạo cuộc sống của mình tốt lên, chứ không dựa dẫm bất kỳ ai, kể cả Đức Phật”.
Khi cúng sao giải hạn trở thành một nỗi bận tâm xen lẫn bức xúc của xã hội, cơ quan quản lý không thể tiếp tục thờ ơ. Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã lên tiếng: "Nếu nghĩ rằng mọi ước mong đều dễ dàng đạt được bằng việc cúng sao giải hạn, trông chờ may rủi là không đúng giáo lý nhà Phật.
Nhiều năm nay, các nhà nghiên cứu văn hóa, chức sắc của Giáo hội đã lên tiếng khẳng định, nhưng hiện tượng này không thuyên giảm mà ngày càng bùng phát. Năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản đề nghị tăng ni, phật tử không đốt vàng mã được dư luận đồng tình ủng hộ. Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản tương tự về hiện tượng dâng sao giải hạn sẽ giúp người dân có nhận thức và hành vi đúng đắn hơn trong đời sống tín ngưỡng”.

Các tin khác