Cú sốc ngành giáo dục

(ĐTTCO) - Mấy ngày qua, sự việc ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, trực tiếp can thiệp nâng điểm thi cho 114 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia đã gây rúng động trong dư luận. 
Giả sử sự việc lần này không bị phát giác, trước hết 114 em học sinh có kết quả ấy sẽ chiếm mất 114 chỗ của các em thực sự có thực lực để vào ngồi trong những trường đại học có điểm chuẩn cao. Và cứ thế những người trẻ không có năng lực sẽ theo sự sắp đặt của gia đình học, tốt nghiệp và đi làm ở những chỗ “ngon”. Sự học, sự thi sẽ không còn là nơi đánh giá năng lực của học sinh, mà trở thành nơi để đánh giá năng lực của phụ huynh. Chua xót biết bao nhiêu khi học sinh ngay từ ghế nhà trường đã được học thói gian dối, bất chấp thủ đoạn từ chính phụ huynh và từ người làm trong ngành giáo dục. Rồi sau này các em sẽ trở thành những con người như thế nào không ai dám đưa ra lời dự đoán. 
Chắc chắn sau điều tra ông Vũ Trọng Lương và những người liên quan (nếu có), các phụ huynh đưa ra lời nhờ vả đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thế nhưng, người chịu thiệt lớn nhất chính là 114 em học sinh kia. Rồi các em sẽ đối diện với bạn bè, thầy cô đối diện với tương lai như thế nào. Đó là chưa muốn nói những học sinh Hà Giang khác cũng sẽ bị liên luỵ hình ảnh khi vào bất cứ cổng trường đại học nào.
Cú sốc ngành giáo dục ảnh 1
Hệ luỵ thực sự không thể hình dung hết. Rồi những kỳ thi sau, Hà Giang sẽ là tầm ngắm không thể bỏ qua, lẽ dĩ nhiên cũng ảnh hưởng tâm lý chung của học sinh, phụ huynh. 
Có thể thấy suốt thời gian qua ngành giáo dục Việt Nam phải đương đầu với quá nhiều vấn nạn. Những sự việc gây bức xúc, đau lòng cứ liên tiếp diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, như vụ việc bạo hành mầm non, cô giáo cho trẻ uống nước giẻ lau bảng….
Ngành giáo dục dường như chịu thua khi không thể đưa ra một giải pháp hữu hiệu nào, thậm chí trước nhiều sự việc câu trả lời chỉ là sự lặng im. Và nay với sự việc này, một lần nữa như tiếng chuông cảnh báo nghiêm trọng cho những ai làm trong ngành giáo dục. Những người nhận trách nhiệm không thể chỉ là Sở giáo dục Hà Giang, mà phải bao gồm cả những người đứng đầu ngành giáo dục cả nước. Chẳng biết tự khi nào giáo dục Việt Nam đã bị căn bệnh thành tích để rồi phong bì thay điểm số. Học sinh coi thường giáo viên, giáo viên cũng không tự tôn trọng chính nghề của mình. 
Có lẽ đây cũng là lý do mà không ít phụ huynh chấp nhận mức học phí cao cho con học trường quốc tế, hoặc du học để không bị nhiễm bệnh thành tích. Và hẳn nhiều phụ huynh khác mong mỏi là một môi trường giáo dục thực sự, ở đó những đứa trẻ được nuôi dưỡng tâm hồn nhiều hơn, trở thành những người sống có trách nhiệm, biết đương đầu và vượt qua thử thách bằng chính nghị lực của mình. Hãy bắt đầu cải cách như vậy, chứ không phải thay đổi bộ sách này đến bộ sách khác, tiêu tốn tiền của mà chẳng mang lại hiệu quả gì. 
Nếu ai đó cho rằng mong mỏi này quá khó, phải có thời gian xin hãy học hỏi ngay các nước khác những cái hay, cái tốt chứ chưa cần mất thời gian sáng tạo hay suy nghĩ cái của riêng mình. Nếu ngành giáo dục có thể làm được, chắc chắn phụ huynh như chúng tôi sẽ ủng hộ hết mình. 

Các tin khác