Cơ hội mở rộng kiến thức, kỹ năng làm nghề

(ĐTTCO) - Quan sát đời sống văn học tại các tỉnh thành gần đây, cụ thể qua các cuộc thi văn học, nhận thấy có một sự dịch chuyển đó là đối tượng dự thi không còn bó hẹp trong tỉnh mà mở rộng ra cả nước. 
Sự dịch chuyển này giúp nhiều cuộc thi tìm được những tác phẩm có chất lượng, góp phần tạo nên sự sôi động trong đời sống văn học trên cả nước nói chung. 
Từ địa phương ra trung ương 
Cuộc thi “Truyện ngắn và Bút ký 2018-2019” do Tạp chí Cửa Việt (Hội VHNT Quảng Trị) tổ chức từ ngày 10-8-2018 sẽ kết thúc nhận bài đến hết ngày 10-7-2019. Dù chỉ mang tầm vóc địa phương nhưng cuộc thi dành cho tất cả tác giả đang sinh sống và làm việc ở mọi miền đất nước.
Theo bà Thùy Liên, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt, ngay từ khi phát động, cuộc thi đã nhận được sự tham gia của đông đảo tác giả trên cả nước. “Chúng tôi chú trọng đến chất lượng tác phẩm, chất lượng của cuộc thi. Vậy nên, nếu cứ bó hẹp phạm vi trong “ao làng” thì rất khó để tìm thấy những tác phẩm hay, mang giá trị nghệ thuật cao”, bà Thùy Liên cho biết.
Trước đó, cuộc thi “Sáng tác Văn học - Nghệ thuật về thành phố Hải Phòng năm 2018” với nhiều lĩnh vực khác nhau, do UBND thành phố Hải Phòng tổ chức cũng vừa khép lại thời gian nhận bài vào ngày 10-4-2019. Dù chưa biết kết quả cuộc thi như thế nào, nhưng việc mở rộng đối tượng dự thi đến các cá nhân, tổ chức, văn nghệ sĩ và nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ trên cả nước. Đặc biệt, đây là một trong những cuộc thi do địa phương tổ chức nhưng có giải thưởng vào loại “khủng” hiện nay.  
Cơ hội mở rộng kiến thức, kỹ năng làm nghề ảnh 1 Các tác giả trẻ gặp nhau tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần 9. 
Đầu năm 2019, Tạp chí Xứ Thanh (Hội VHNT Thanh Hóa) cũng tổ chức trao giải cuộc thi “Sáng tác Văn học trẻ năm 2018”. Giải nhất thể loại truyện ngắn được trao cho Phan Đức Lộc, tác giả thế hệ 9X, quê ở Nghệ An và hiện đang công tác tại tỉnh Lai Châu. Một số tác giả đoạt giải cao khác cũng đến từ nhiều nơi khác nhau như Nguyễn Văn Học, Hiền Nguyễn…
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên Tạp chí Xứ Thanh có sự mở rộng cửa mà trước đó, ngay từ lần đầu tổ chức, cuộc thi “Sáng tác Văn học trẻ 2010-2011” cũng đã mở rộng cho nhiều đối tượng trên cả nước. Kết thúc cuộc thi, ngoài các tác giả ở tỉnh Thanh Hóa, còn có nhiều tác giả trẻ ở các tỉnh thành khác đoạt giải. 
Bên cạnh cuộc thi sáng tác dành cho các tác giả trẻ, Tạp chí Xứ Thanh còn tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác cho các đối tượng với nhiều lứa tuổi khác nhau và cũng được mở rộng biên độ về địa lý. Tại cuộc thi “Truyện ngắn 2015-2016” đã vinh danh tác giả Hoàng Bình Trọng (Quảng Bình) với giải nhất. Trong 2 tác giả được giải nhì, chỉ có Hà Thị Cẩm Anh ở Thanh Hóa, tác giả còn lại là Lê Quang Trạng ở An Giang.
Bà Lưu Nga, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Xứ Thanh, nhận định: “Khi tổ chức một cuộc thi sáng tác nhằm chú trọng đến thế hệ tương lai, bao giờ chúng tôi cũng nghĩ đến những người trẻ viết văn nên mở rộng trên toàn quốc, chứ không phải một đối tượng cụ thể của một địa phương. Chúng tôi chú trọng vào chất lượng văn học của thế hệ trẻ nhiều hơn là quy mô tổ chức”.
Cơ hội để va chạm
Là một trong 6 giám khảo cuộc thi “Sáng tác Văn học trẻ năm 2018”, nhà văn Phong Điệp đánh giá, việc ban tổ chức không giới hạn cuộc thi cấp tỉnh mà mở rộng thành cấp quốc gia, mời gọi, quy tụ được tác giả trẻ, thậm chí những người viết trẻ đã từng đoạt giải và có tên tuổi trong văn học trẻ tham dự cuộc thi là một tham vọng cực kỳ tốt. Động thái này giúp tác giả trẻ ở xứ Thanh nhìn đó là một “cuộc đua” mà họ tự mình phải bứt ra khỏi thang bậc lâu nay họ nghĩ rằng mình đã đạt được. “Kết quả cuộc thi cho thấy, đây là cuộc đua đầy kích thích người trẻ, công bằng chứ không phải việc mở ra cuộc thi cấp tỉnh là chỉ trao cho người ở tỉnh đó”, nhà văn Phong Điệp bày tỏ.
Việc mở rộng đối tượng ra bên ngoài, bên cạnh việc nâng cao chất lượng cuộc thi, theo bà Lưu Nga đây còn là cơ hội rất tốt để các tác giả trong tỉnh nhìn nhận lại khả năng sáng tác của mình đến đâu, chỗ đứng tác phẩm của mình ở chỗ nào, từ đó giúp các bạn rút ra được bài học, kinh nghiệm trên con đường cầm bút sau này.
“Việc một cuộc thi quy tụ nhiều tác giả trên khắp cả nước cũng là cơ hội để các tác giả trong tỉnh có thể gặp gỡ, giao lưu và mở rộng kiến thức hoặc những kỹ năng làm nghề từ các tác giả khác. Đây là cơ hội quý. Qua 2 lần tổ chức, tôi nhận thấy các tác giả trẻ của Thanh Hóa đều rất phấn khởi khi được cọ xát với các tác giả ở ngoài tỉnh”, bà Lưu Nga nói thêm.
Bà Thùy Liên cũng cho rằng, việc cuộc thi văn học ở địa phương mở rộng đối tượng đặt ra cơ hội, đồng thời cũng là thách thức cho các tác giả trong tỉnh: Yêu cầu họ phải nâng cao bút lực trong việc tìm kiếm, phát hiện đề tài. Đây là cơ hội để các tác giả được đọc và giao tiếp với tác phẩm của những tác giả ngoài tỉnh.
“Nếu cuộc thi truyện ngắn chỉ thu hẹp trong phạm vi của tỉnh thì sẽ khó để tìm được tác phẩm hay, những phát hiện mới. Chúng tôi muốn mở rộng biên độ là vì vậy. Đồng thời, với sự tham gia của nhiều tác giả trên cả nước, chúng tôi muốn nội dung tạp chí phong phú hơn và chất lượng cuộc thi cũng được nâng lên, thu được những tác phẩm có chất lượng về giá trị, nghệ thuật”, bà Thùy Liên nhìn nhận.

Các tin khác