Chuyện về bài vọng cổ "Nấu bánh đêm xuân''

Năm 1944, có một chàng trai vừa tuổi đôi mươi, sau hai năm trời miệt mài học hành trên đất Sài thành, ngày cuối năm đã quyết định về quê ăn tết. Quê chàng theo lộ mười ba, vượt qua Thủ Dầu Một chừng năm cây số, tới đoạn Suối Giữa thì tẻ sang trái đi vào con đường đất đỏ.

Năm 1944, có một chàng trai vừa tuổi đôi mươi, sau hai năm trời miệt mài học hành trên đất Sài thành, ngày cuối năm đã quyết định về quê ăn tết. Quê chàng theo lộ mười ba, vượt qua Thủ Dầu Một chừng năm cây số, tới đoạn Suối Giữa thì tẻ sang trái đi vào con đường đất đỏ.

Con đường thuở ấy, ngang chỉ chừng bốn thước, chạy dọc theo chuỗi đầm sen, nối từ Tương Bình Hiệp, băng ngang qua gò Ông Đốc tới dốc Lò Lu, rồi lúc xuống lúc lên ngoằn ngoèo tới Bến Thế.

Dưới chân dốc Lò Lu có một miếng đất bằng là nơi giao nhau giữa hai ngọn đồi. Trên đất đó có hai ngôi nhà vườn phân cách bằng một con mương nhỏ thông ra rạch bần rồi dẫn dần ra sông cái. Về tới nhà, chàng bắt tay ngay vào việc dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cúng rước ông bà. Đám đàn bà con gái trong nhà xúm xít gói bánh tét, bánh ít. Chàng được giao việc đánh bóng bộ lư đồng An Hội.

Ngày ấy, gần tết người ta thường trồng vài ba bụi thơm, lấy trái để góp dựng mâm ngũ quả chưng bàn thờ và lấy lá để đánh bóng lư đồng. Lá thơm đập dập, lẫy gai rồi chấm với tro bếp để chùi lư. Lá thơm càng già thì càng chua, dễ chùi sạch ten rỉ của đồng, bộ lư càng dễ bóng loáng, sáng choang.

Chiều dần xuống, mặt trời xượn rượn sợi nắng cuối năm trên gò Ông Đốc là lúc cả xóm Lò Lu bắt đầu chộn rộn không khí xây bếp thổi lửa nấu bánh cúng ông bà. Đang ngồi cặm cụi đánh lư đồng bên hông nhà, chợt nghe có tiếng hỏi thưa, chàng trai ngẩng đầu lên ngó qua nhà bên kia có cô con gái trổ mã đang xây bếp thổi lửa nấu bánh ngoài sân vườn. Chàng sửng sốt thấy cô gái láng giềng mới hai năm trước còn là một cô bé ốm tong teo vậy mà nay đã chững chạc thành một thiếu nữ tràn trề xuân sắc.

Cô gái vừa thu lại đám lá chuối phơi nắng ban chiều, vừa cất giọng nền nã hỏi thăm chàng chuyện học hành hai năm nơi phố thị. Cả hai nhẹ nhàng chuyện trò, nhát gừng và chậm rãi xoay quanh việc nhà lớn nhỏ hai bên trong suốt thời gian chàng vắng mặt. Chẳng mấy chốc, câu chuyện về cái chung, cái cớ để kết nối bạn trẻ hai bên đã hết.

Cố soạn giả Quy Sắc, tác giả bài vọng cổ "Nấu bánh đêm xuân" và cụ bà.

Cố soạn giả Quy Sắc, tác giả bài vọng cổ
"Nấu bánh đêm xuân" và cụ bà.

Chiều chạng vạng rồi. Ánh chiêu dương sót lại trên đỉnh gò cũng lặn mất. Thinh không bỗng dừng lại trong một sắc xám, mỗi lúc mỗi thẫm màu hơn. Trời càng lúc càng tối lần. Ngọn lửa nấu bánh nhà bên kia bừng lên chỉ càng tôn lên độ sâu thẳm của đêm trừ tịch đang từ từ tràn đến. Con mương nhỏ phân cách hai nhà biến mất khi nào không hay.

Và khoảng cách giao đãi giữa hai bên cũng khuất lấp dần đi. Chàng chỉ nhìn thấy cô và có lẽ cô cũng chỉ thấy có một mình chàng. Có tiếng thở dài không biết là của con trai hay con gái. Một khoảnh lặng kéo dài bất ngờ. Một thoáng xuân xao lòng ẩn hiện. Rồi không biết ai là người bắt đầu, một câu chuyện mới, một chuỗi tâm tình rất đỗi riêng tư dần dà nở rộ, từ giọng thổ lộ chợt thì thầm, tiếng ngực thỏ thẻ ngắc ngứ, tiếng cười trở nên khúc khích, tiếng thở dài dường như xa xăm hơn.

Bộ lư đã chùi xong, không biết có sáng láng hay không, nhưng chàng trai vẫn miết mãi bẹ thơm lên họa tiết trúc mai trên chiếc lư, tâm tình bối rối không dứt. Rồi bỗng dưng đâu đó trên đỉnh dốc Lò Lu, có tiếng cười của ai giòn tan như bánh phồng nổ, vọng dài xuống chân đồi. Rồi tiếng hò con gái rạt rào như cơn gió lượn mặt sông thảng thốt đến bên chàng trai.

Hò ơ... Con nước rong con nước chảy tràn đồng

Tơ duyên sẵn có

Hò ơ... Tơ duyên sẵn có mà sao sợi chỉ hồng chưa se.

Chàng trai rùng mình không phải vì cơn gió bấc lạnh đêm trừ tịch mà vì lời câu hò đang xào xạc đến tận tâm can. Chàng nhìn sang bên kia. Cô gái láng giềng mười tám tuổi đang ngồi bó gối bên nồi bánh ít với những cọng khói nhỏ vờn quanh. Chàng thấy hai mắt cô lóng lánh ánh lửa đang bập bùng vô thức một bối rối xuân thì lan tỏa. Chàng nghe như đâu đó có tiếng nức ran của củi.

Hay có lẽ là một tiếng thở dài nào khác của ai đó. Trong lòng chàng bỗng dâng lên một nỗi khao khát khôn nguôi về một mái ấm gia đình, rằng chàng chỉ muốn ở lại chốn quê này mãi mãi, rằng chàng chỉ muốn ngồi lại trong đêm giao thừa có cô hàng xóm bó gối bên nồi bánh chập chờn ngọn lửa vây quanh này mãi mãi.

Hai mươi năm sau, trải qua vài cuộc chiến và bao phen linh đinh trên đường đời, một chiều cuối năm nơi xứ lạ, chàng trai nọ, nay đã là người đàn ông bốn mươi tuổi, tình cờ đọc bài thơ "Gái xuân" của nhà thơ Nguyễn Bính. Em như cô gái hãy còn xuân, câu thơ bật nảy trong ông một điều khuất lấp xa xưa.

Và ông nhớ lại tuổi xuân của mình. Ông nhớ lại một tối trừ tịch, ông đi lang thang trên đường làng, từ dốc Lò Lu lúc xuống lúc lên ngoằn ngoèo tới Bến Thế, và ông thấy không biết bao nhiêu chiếc bếp nấu bánh rước giao thừa bập bùng trong vườn lặng.

Con đường lành lạnh sương đêm, bãng lãng khói bếp, nồng nàn mùi rơm khô và củi ướt cháy. Ông tưởng chừng đâu đó, chập chờn trong cơn gió bấc, thoang thoảng giọng hò mê mải về một mối tơ duyên trăn trở khôn nguôi. Ông chợt như thấy lại đôi mắt vô cùng bối rối của một thiếu nữ đang ngồi bó gối bên bếp lửa, lẳng lặng chờ hoài lời tỏ tình của ông. Lời tỏ tình cho đến bây giờ ông chưa bao giờ nói.

Trước không nói thì bây giờ cũng không nói. Ông chỉ lặng lẽ cầm bút ghi lại nỗi niềm xoan trẻ của mình đã xa dấu từ lâu. Bài vọng cổ "Nấu bánh đêm xuân" là một ghi chép về ký ức đau đáu của người đàn ông không thể thực hiện được mơ ước đầu đời.

Người đàn ông đó là ba tôi, soạn giả Quy Sắc. Ông nay đã về với cõi phù du. Nhưng tôi vẫn tin, cứ mỗi khi giao thừa đến, chắc chắn ông lại rất mong được trở về để lang thang trên con đường làng lành lạnh sương đêm, bãng lãng khói bếp, mùi rơm khô và củi ướt cháy. Con đường nồng nàn hương sắc mười tám, thoang thoảng lời tỏ tình hạnh phúc mà ông chắc chắn sẽ nói ra, nếu như còn có một kiếp khác với dương gian.

Các tin khác