Chuẩn chất người thầy

(ĐTTCO) - Tham gia trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vẫn khẳng định giáo dục nước ta đang trên con đường quá độ cần phải thay đổi. 
Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi: “Mất bao lâu để giáo dục đi hết con đường quá độ này? Sau khá nhiều thay đổi thì giáo dục của chúng ta đã đi đến đâu, đến giai đoạn nào của con đường quá độ? Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng dự kiến đạt được bao nhiêu phần trăm của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục?".
Chuẩn chất người thầy ảnh 1Mô tả ảnh
Ông Phùng Xuân Nhạ hồi đáp bằng những giải thích lòng vòng rồi kết luận: “Không thể cứ thấy bí, thấy vướng là làm ngay vì giáo dục là việc động chạm nhiều vấn đề nhạy cảm, muốn thực hiện phải có lộ trình, bước đi. Chúng ta đang ở giai đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ và có hiệu quả". 
Thực tế, giáo dục Việt Nam đang mắc căn bệnh trầm kha ưa chuộng thành tích và phô trương danh hiệu. Đó là căn bệnh phải loại bỏ đầu tiên trong việc đào tạo con người tiến bộ. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết phải chấn chỉnh chất lượng giáo sư.
Đợt xét phong giáo sư và phó giáo sư vừa qua đã vấp phải nhiều ý kiến phê bình gay gắt, với không ít trường hợp bị phát hiện không đủ tiêu chuẩn. Rõ ràng có sự tồn tại Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, nhưng liên tục hết giáo sư nọ đến giáo sư kia bị tố cáo đạo văn. Giáo sư mà đạo văn, nền tảng giáo dục biết trông cậy vào đâu? Gần đây nhất, ngày 27-5, Văn phòng Chính phủ phải phát văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị làm rõ nghi án đạo văn của GS. Nguyễn Đức Tồn.
GS. Nguyễn Đức Tồn bị tố cáo đã đạo văn của chính học trò để đưa vào 2 công trình đứng tên mình. Cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt” đã lấy gần như toàn bộ luận án “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” của TS. Nguyễn Thúy Khanh. Còn cuốn sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường: Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc Trung học Cơ sở” đã lấy nguyên vẹn bài “Dạy từ láy cho học sinh Trung học Cơ sở” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà.
Hành vi đạo văn của GS. Nguyễn Đức Tồn có ai trong ngành biết không? GS. Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, khẳng định chuyện đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn là có thật nhưng vẫn được thông qua trong đợt bỏ phiếu xét phong giáo sư năm 2009 vì “tinh thần nhân đạo và nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam, vì sự đoàn kết và phát triển chung của ngành”. Và diễn biến buồn cười hơn là khi mọi sự vỡ lở, GS. Nguyễn Đức Tồn quay ngược lại tố cáo GS. Trần Ngọc Thêm cũng đạo văn trong cuốn sách “Tìm hiểu cơ sở văn hóa Việt Nam”. 
Câu chuyện đạo văn của GS. Nguyễn Đức Tồn vẫn chưa được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước và Bộ GD-ĐT phân định trắng đen, nhưng sự thật trở trêu trước mắt giúp xã hội hiểu vì sao có đến 200.000 sinh viên tốt nghiệp vẫn đang thất nghiệp. Thầy chưa ra thầy, thì làm sao trò ra trò.

Các tin khác