Chú lính chì Thiện Nhân

Bây giờ vẫn có người hỏi vì sao con chị lại nuôi Thiện Nhân? Và vẫn nhiều lời khen con gái chị có tấm lòng thiện cao đẹp. Rồi nhiều từ to tát: việc làm kỳ diệu, chuyện cổ tích giữa đời thường, tấm lòng Bồ Tát… cùng đôi ba lời phía sau thiếu thiện chí, khiếm nhã. Âu cũng là lẽ thường ở đời: khen và chê; khâm phục và đố kỵ; ca ngợi và ganh ghét…

Bây giờ vẫn có người hỏi vì sao con chị lại nuôi Thiện Nhân? Và vẫn nhiều lời khen con gái chị có tấm lòng thiện cao đẹp. Rồi nhiều từ to tát: việc làm kỳ diệu, chuyện cổ tích giữa đời thường, tấm lòng Bồ Tát… cùng đôi ba lời phía sau thiếu thiện chí, khiếm nhã. Âu cũng là lẽ thường ở đời: khen và chê; khâm phục và đố kỵ; ca ngợi và ganh ghét…

1. Hôm ấy, một buổi sáng thứ 6, con gái Mai Anh về nói với bố mẹ: “Con xin phép bố mẹ, trưa nay con đi đón cháu Thiện Nhân trong Quảng Nam về giúp cháu chữa bệnh”. Tôi và chồng sững sờ. Nói con thế nào đây. Đấy mà là xin phép ư? Việc đã định, vé máy bay đã mua.

Đấy là thông báo. Việc quá lớn, nhưng con gái cũng đã trưởng thành. Còn có thể nói với con điều gì khi là người mẹ, tôi luôn gần gũi và quá hiểu tính nết con gái mình. Mai Anh rất hiền, cũng rất bướng bỉnh. Con đã muốn vậy thì con cứ đi đi. Bố mẹ luôn ở bên con.

Bây giờ Thiện Nhân đã học lớp 2 và đã là một thành viên của gia đình được chăm lo ăn uống, học hành và cả mắng mỏ, bị phạt giống như các anh. Thiện Nhân đã có thể tự mình làm được nhiều việc hơn. Buổi sáng dậy vào đánh răng rửa mặt không cần giục giã. Với câu hỏi mặc quần áo gì, bà đã chỉ cho các cháu việc lựa cho hợp màu sắc nhưng các anh không để ý. Hai anh cứ vớ được gì mặc nấy. Thiện Nhân không vậy. Có sáng mặc vào cởi ra áo này áo nọ vẫn chưa thấy vừa lòng. Thế là bị mẹ Mai Anh mắng: “Buổi sáng đã vội mà cứ lựa chọn”. May quá bây giờ trường học có đồng phục, cu cậu hết chọn.

Thiện Nhân học nhiều thứ lắm, ít hơn anh Minh “lớn” đã lớp 8 nhưng nhiều hơn anh Minh “bé” lớp 3. Ngoài học chữ, rằm tháng 8 mẹ Mai Anh cho Nhân cùng anh đi học làm bánh Trung thu, Tết Âm lịch cho đi học gói bánh chưng. Thiện Nhân vẽ hay lắm. Bà lên mạng tìm lớp học vẽ cho cháu. Cháu đi buổi đầu đã được thày giáo khen. Chẳng ở đâu thu tiền học phí của Thiện Nhân. Có nơi học, mẹ đóng tiền xong, khi phát hiện ra Nhân là “chú lính chì dũng cảm” đã gửi trả lại. Bà dặn Thiện Nhân: “Cháu lớn lên có bao người yêu thương, chăm sóc cùng với gia đình mình. Cháu phải cố gắng, Nhân nhé”.

2. Trường Thiện Nhân học bây giờ là trường quốc tế VIP ở Hà Nội. Nếu không có gì thay đổi, Thiện Nhân sẽ học ở đây cho tới hết bậc phổ thông. Nhà trường cấp học bổng, gia đình chỉ lo đóng tiền ăn. Trường tốt, lớp ít học sinh rất thuận lợi cho cậu bé khuyết tật. Thiện Nhân yêu trường, yêu thầy cô và các bạn mình. Có hôm Nhân về muộn. Mọi ngày gần 5 giờ đã nghe tiếng lọc cọc đi trong ngõ.

Vậy mà gần 6 giờ, chậm cả tiếng rồi, bà ra ngõ ngóng trông. Chắc là tắc đường đây. Đường xa bà lo cháu mệt. Mẹ vội phóng về. Loanh quanh một lúc hóa ra cu cậu ngồi nán lại làm cho xong bài tập về  nhà. Trường không ra bài nhưng mẹ xin cô thêm bài cho Nhân cố gắng. Cu cậu tranh thủ làm bài ngay để về nhà được chơi nhiều, xem phim nhiều. Có hôm vừa đi vào nhà vừa khoe: “Bà ơi, cháu ngồi trên xe làm xong bài rồi”. Ham học kiểu láu thế đấy.

Thiện Nhân chơi trong công viên.

Thiện Nhân chơi trong công viên.

Thiện Nhân là đứa trẻ thông minh, nhạy cảm và hiếu động. Thiện Nhân đi từ trên gác xuống thật nhiều kiểu: ngồi lê từng bậc, kéo chiếc cặp từng bậc, lúc nhảy từng bậc, lúc nhảy 2-3 bậc thình thịch. Đến gần còn khoảng 5 bậc, Thiện Nhân luồn qua lan can nhảy luôn xuống. Bà quát thì cười “cho nhanh mà bà”.

Bây giờ còn tuột từ lưng chừng tay vịn xuống nữa. Đã đành lúc trẻ cũng thích vậy, nhưng nhìn Nhân sợ lắm. Mấy anh em ngồi chơi với nhau, nói chuyện lung tung. Một anh nói: “Sau này anh lớn anh sẽ đi xe máy SH”. Anh nữa nói: “Sau này anh mua ô tô anh đi cho nhanh”. Thiện Nhân nói sau cùng, tưng tửng: “Sau này em đi máy bay khỏi có đèn xanh đèn đỏ”.

Mỗi khi Nhân gây chuyện với các anh, bà hay nói: “Nhân còn bé. Nhân có một chân mà”. Bây giờ khác rồi. Mỗi sáng chủ nhật, nơi công viên có một đội xe mà Nhân đạp một chân cũng không kém, có một nhóm cầu lông nhí mà cầu thủ một chân đánh, đỡ khá trúng. Các anh chơi gì Thiện Nhân cũng tham gia nhiệt tình và chẳng chịu thua.

3. Bao nhiêu lần khám, rồi mổ để làm cái “chim” đã mất của Thiện Nhân, bà chẳng nhớ nữa. Thiện Nhân rất ngoan, hiểu việc cần thiết phải như vậy nên chịu đau rất gan. Chỉ lúc chưa đầy một tuổi, mới về  nhà, vì lạ và sợ nên đi khám bệnh cháu mới khóc toáng. Lớn dần, đi khám nhiều, xét nghiệm rồi cả tiêm, cả mổ nhiều, Nhân hiểu và bặm môi chịu đựng, tái mặt vì đau, chảy nước mắt mà không gào khóc. Khi tiêm, Nhân chỉ cần được bà, nhất là được mẹ, nắm tay. Khi mổ xong hết thuốc tê, đau lắm Nhân cũng chỉ kêu khẽ: “Bà ơi cháu đau lắm, bà nắm tay cháu đi”.

Thiện Nhân vào phòng mổ mà mẹ và bà chảy nước mắt thương. Nhân chỉ lặng lẽ rơi từng giọt nước mắt. Cháu bé quá mà nỗi đau lớn quá, ca mổ phức tạp quá. Có bạn lúc đó thấy bác sĩ cũng khóc, Nhân bèn nói, mặt tỉnh queo: “Lát nữa có thuốc mê rồi chẳng biết gì mà đau đâu”. Năm 2014, còn ít nhất một lần mổ nữa là có thể hoàn thiện các dị tật của chú lính chì. Lại đau lắm đây.

Sắp thêm một năm, Thiện Nhân thêm một tuổi, bà già thêm. Nói với cháu phải gắng học hơn các bạn vì mình có một chân, bà hỏi mỗi lần bị bà mắng cháu có giận bà không? Thiện Nhân trả lời: “Bà chỉ mong cháu ngoan vì cháu lớn bà không còn nữa. Cháu sẽ đốt cho bà nhiều tiền, cả máy tính, cả chuột cho bà chơi điện tử đỡ buồn”. Trời ơi cái thằng lém lỉnh. Mỗi khi buồn nhìn cháu, bà biết mình phải vượt lên. Những điều tốt lành đang đến với Thiện Nhân. Bà mong cháu lớn lên nhân ái như chính tên cháu là Thiện Nhân vậy!

Các tin khác