Chợ xây 6 tỷ đồng bỏ không

(ĐTTCO)-Chợ Chi Lăng, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã hoàn thành xây dựng hơn 2 năm nay vẫn trong tình trạng không người mua, kẻ bán.
Chợ Chi Lăng do ông Trường đầu tư gần 6 tỷ nhưng không một gian hàng.
Chợ Chi Lăng do ông Trường đầu tư gần 6 tỷ nhưng không một gian hàng.

Bà con tiểu thương ở đây dù đã đăng ký vào chợ nhưng vẫn bám lấy vỉa hè dọc Quốc lộ 14 để họp chợ, gây mất mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông. 

Cách đây chừng 3 năm, thực hiện chủ trương xây dựng chợ của UBND thành phố Pleiku, nhưng vì không có quỹ đất, nên UBND phường Chi Lăng kêu gọi xã hội hóa việc xây dựng chợ.

Sau khi khảo sát địa bàn và đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thành lập doanh nghiệp tư nhân… UBND phường Chi Lăng đã thuyết phục được gia đình ông Hoàng Văn Trường, một người dân địa phương tự nguyện mở chợ.

Cho dù, mảnh đất của gia đình ông nằm sâu trong con hẻm thưa thớt dân cư, ít người qua lại, cách quốc lộ 14 chừng 200m. Từ một lô đất nông nghiệp rộng 1,3 ha lầy lội, ông Trường bỏ ra gần 6 tỷ đồng làm mặt bằng, xây dựng hệ thống hầm rút, phòng cháy chữa cháy, 22 ki-ốt, hơn 100 sạp hàng và hệ thống nhà lồng khá khang trang.

Phấn khởi vì sắp có chợ tập trung, không phải dầm mưa, dãi nắng ngoài chợ cóc vỉa hè, hàng trăm tư thương đăng ký suất từ ngày chợ được khởi công. Thế nhưng từ 9/2015, tức là lúc chợ hoàn thành đến nay, không có ai trong số đó vào chợ bán hàng.

Ông Hoàng Văn Trường, chủ chợ cho rằng, nguyên nhân là do xung quanh có quá nhiều chợ cóc, chợ tạm: “Thứ nhất chợ mới, thứ hai là quy hoạch ở trên đường xá thì địa phương chưa triệt để. Rất nhiều tiểu thương muốn đầu tư buôn bán ở chợ này, nhưng trên đường còn nhiều chợ quá, các ngã ba chỗ nào cũng có buổi sáng, buổi chiều. Như thế làm sao chúng tôi dám đầu tư ở chợ này”.

Trái ngược với khung cảnh đìu hiu của chợ Chi Lăng, cách đó chừng 1km, trên vỉa hè dọc quốc lộ 14, cứ 3h chiều, hàng chục sạp hàng nhộn nhịp kẻ mua, người bán với đầy đủ các loại nhu yếu phẩm. Những người mua hàng vô tư dựng xe, tràn ra chiếm 1/3 làn đường gây ra một khung cảnh bát nháo, ảnh hưởng tới việc giao thông trên quốc lộ.

Là một trong những tư thương đầu tiên đăng ký vào chợ Chi Lăng, tuy nhiên chị Nguyễn Thị Thơm chấp nhận dầm mưa, dãi nắng trên vỉa hè để bán được hàng. Bởi theo chị, vị trí của chợ mới không thuận lợi cho việc buôn bán.

Theo chị Thơm, chợ mở ra cho nhân dân 3 xã, nhưng lại nằm sâu trong địa phận phường Chi Lăng, người dân 2 xã còn lại phải đi xa, trên quốc lộ có những đoạn phải đi hơn cây số mới có chỗ quay đầu xe. Hơn nữa, chợ nằm trong hẻm ít dân, đường nhỏ,  nên người dân trong xã cũng ít qua lại. Với tư thương như chị Thơm, miễn bán được hàng là được, giao thông ra sao, chị không quan tâm.

“Tôi cũng đã vào bán, nhưng, vào cả nửa tháng không có khách, bán cả buổi chiều có mấy chục nghìn. Nói chung, chợ đó xây trái đường, xa đường chính và sâu nên người ta không vào mua. Ở đây chả ảnh hưởng gì hết, bởi đường lớn, vỉa hè rộng nên không sao” - chị Nguyễn Thị Thơm cho biết thêm.

Vì ở vị trí không thuận tiện như thế, nên đã 2 năm nay, dù ông Hoàng Văn Trường, chủ đầu tư chợ Chi Lăng đã đưa ra ưu đãi 1 năm bán hàng không thu phí, nhưng tư thương vẫn không mặn mà.

Chợ Chi Lăng bị bỏ hoang không phải là lạ. Bởi trước đây, tại Gia Lai còn có nhiều chợ khác như chợ Hoa Lư, chợ Chư Á,… bị di dời từ vị trí thuận lợi vào trong ngõ, hẻm và gặp phải sự thờ ở, thậm chí phản đối của tư thương. Đến khi đi vào hoạt động, những chợ này cũng không được đông đúc như trước. Vốn dĩ, chợ được hình thành ở nơi mà cả người bán, lẫn người mua cảm thấy thuận tiện, dần đông đúc mà thành. Nhưng các chợ được sinh ra từ kiểu quy hoạch chủ quan, duy ý chí sẽ tạo ra sự lãng phí nguồn lực, cản trở sự phát triển ở địa phương.

Các tin khác