Chàng tour guide tý hon và ước mơ lớn

(ĐTTCO) - Mùa hè năm nay, khi tôi trở lại đảo Bé Lý Sơn, Quảng Ngãi, Cao Ngọc Cảnh chỉ cho tôi những bụi cam đường dại đang lác đác hoa trắng, thơm dìu dịu. 

Cảnh nói, đến tháng 10-11 trái chín sẽ có màu vàng nhạt và thơm mát. Thấy tôi xuýt xoa vì tiếc không thể nếm thử trái cam đường dại, cậu cười bảo: “Gọi là cam đường, nhưng trái chỉ nhỉnh hơn trái chanh thôi, vị chua thanh, ít thịt, ít nước, vỏ dày. Nó se sắt như người miền biển, chị ơi”. 

Hướng dẫn viên tý hon
Cảnh giải thích cho tôi, ngày trước do cuộc sống và giao thông khó khăn, rau xanh và trái cây được xem là "cao cấp" nên người dân ở đây, cả người lớn lẫn trẻ con, đều nâng niu cam đường dại như món quà mà thiên nhiên ban tặng. Giờ, hoa quả trên đảo không còn là của quý hiếm, nhưng cam đường dại vẫn làm cho những du khách như tôi trầm trồ thích thú. 
Nhiều lần gặp cậu, tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên. Cảnh đúng là một hướng dẫn viên du lịch tuyệt vời. Cậu hiểu biết tường tận từng góc biển, từng tảng đá, từng loài cây cỏ ở Lý Sơn. Ông Nguyễn Trận, chạy xe ôm thường xuyên giúp Cảnh đưa đón khách nói với tôi vẻ thán phục: “Thằng đó nhỏ thó vậy mà cái gì cũng rành, tính toán đâu ra đó. Nó lại có ngoại ngữ nữa, tây ta gì cũng chuyện rổn rảng được hết”. Đi cùng Cảnh đến các hàng quán trên khắp đảo, mọi người đều niềm nở chào hỏi và lấy giá thật “mềm”. 
Lạ một điều, Cảnh cứ như đọc trước được những yêu cầu… oái oăm của khách. Với một nụ cười cởi mở, anh luôn có sẵn những “bảo bối” phục vụ yêu cầu “check in” ấn tượng của các quý bà, quý cô: những chiếc lều, những dây đèn lấp lánh và đặc biệt luôn biết chụp cho khách những bức ảnh đẹp với bối cảnh biển đảo thơ mộng của Lý Sơn. Với các quý ông, Cảnh biết chỗ có thể câu cá, nhặt ốc, lặn rong. Anh cũng là nhà tổ chức các tiệc nướng trên bãi biển rất chu đáo. Mọi người hỏi anh đã tích lũy những kinh nghiệm và kỹ năng ấy từ đâu? Cảnh cười hiền: “Đi nhiều thì quen thôi”. 
Quả thực, giới “phượt thủ” không lạ gì Cảnh. Đã 34 tuổi, nhưng Cảnh có vóc dáng bé nhỏ như một học sinh lớp 1 (cậu chỉ cao có 1m25), thường bị nhiều người nhầm trớ trêu. Nhưng, như có sẵn niềm đam mê du lịch trong máu, Cảnh đã chinh phục hầu hết các điểm cực của Tổ Quốc. Giao tiếp khá tốt bằng tiếng Anh, Cảnh cũng đã một mình đi chu du qua nhiều nước châu Á. Đón chúng tôi – những vị khách đến Lý Sơn vào cuối mùa du lịch này xong, anh lại vác ba lô đi Hòn Cau ở Côn Đảo tham gia vào một dự án bảo tồn rùa biển quý hiếm. “Một năm, em làm du lịch 8 tháng. 4 tháng còn lại là mùa mưa bão ở Lý Sơn, em xách ba lô lên và đi làm… du khách” - Cảnh cười hồn nhiên. 
Hơn 7 năm rong ruổi khắp đất nước, không ngán ngại các cung đường khó khăn, đôi chân ngắn của Cảnh đã chinh phục “nóc nhà Đông Dương” Fansipan bằng đường bộ, đặt chân đến các cực Bắc Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây A Pa Chải (Điện Biên), cực Đông Vạn Ninh (Khánh Hòa), cực Nam Đất Mũi (Cà Mau). Đi đến đâu Cảnh cũng chịu khó ghi chép tỉ mỉ trên các trang mạng xã hội, giúp những người đi sau có “cẩm nang bỏ túi”. Giải thích với tôi về chuyện tầm vóc nhỏ bé, không tự đi được xe máy, nhưng anh vẫn đến được rất nhiều nơi, Cảnh nói vui rằng anh chính là “hành lý xách tay chất lượng cao” của rất nhiều đội phượt.
Chàng tour guide tý hon và ước mơ lớn ảnh 1 Cao Ngọc Cảnh cùng với tác giả chụp hình lưu niệm nhân chuyến thăm đảo Lý Sơn. 
Đi hết biển là về nhà dựng nghiệp
Chỉ cần chuyện trò vài câu, Cảnh nhanh chóng khiến người đối diện phải nể phục về nghị lực. Sinh ra trong một gia đình đông con, anh vượt qua rất nhiều khó khăn để lấy được tấm bằng công nghệ thông tin Trường Cao đẳng TPHCM. Tốt nghiệp, anh được nhận vào làm ở bộ phận khách hàng của một công ty máy tính tại TPHCM. Nhanh nhẹn, khéo giao tiếp, Cảnh không chỉ hoàn thành định mức mà còn tích lũy được một khoản vốn giắt lưng kha khá. 
Thế rồi, giống như đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy kể trong cuốn sách có tựa đề “Nếu đi hết biển”, “ngộ” ra rằng, đi hết biển sẽ lại về nhà - về nơi quê hương, chôn nhau cắt rốn của mình, Cảnh quyết định về quê lập nghiệp. Đúng vào dịp đón sinh nhật lần thứ 30 trên đỉnh Fansipan, khi được chạm tay vào chóp nhọn ghi dấu độ cao 3.143m sau khi vượt hơn hàng ngàn mét đường núi dốc lên thăm thẳm bằng chính đôi chân bé nhỏ của mình, Cảnh đã có một quyết định quan trọng: trở về Lý Sơn lập nghiệp.
Sau lần thử mở nhà hàng và… thất bại, Cảnh đã thuyết phục gia đình cải tạo lại ngôi nhà, mở dịch vụ home stay. Nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, ngôi nhà với những bức bích họa tươi vui của gia đình anh được giới trẻ, trong đó rất nhiều khu khách nước ngoài lựa chọn làm nơi nghỉ trong những ngày khám phá Lý Sơn. Anh còn đầu tư mua thêm hàng chục chiếc xe máy cho du khách thuê, tự rong ruổi khám phá đảo. “Ông chủ” Cảnh thu xếp đâu ra đấy từ xe cộ, vé tàu đến chỗ ăn, chỗ nghỉ cho khách mà còn đóng vai trò một hướng dẫn viên tháo vát. Vị trí ưa thích của anh là ngồi phía trước chiếc xe máy do du khách cầm lái, phù hợp tới tầm vóc của anh. Vừa chỉ đường, anh vừa rủ rỉ kể cho khách những câu chuyện thú vị về về lịch sử, truyền thống, tập tục của người dân Lý Sơn. 
“Mọi người có biết tại sao tỏi Lý Sơn lại nổi tiếng không?” - Cảnh hỏi và rồi giảng giải, người Lý Sơn sẽ rải xuống ruộng tỏi một lớp đất màu (đất thịt) mang từ đất liền ra. Đất này đã được trộn với phân bón và rong biển - loại rong mọc quanh đảo Lý Sơn - và đưa tỏi giống xuống. Tiếp đó, người ta sẽ rải một lớp cát trắng chừng một đốt ngón tay, vốn là san hô được nắng, gió và sóng biển “xay mịn”. Lớp cát này đóng vai trò hấp thụ nước và ánh sáng, giúp tỏi Lý Sơn có hương vị đặc biệt. Người dân ở đây còn cẩn trọng làm lại đất mới sau 2-3 vụ tỏi. “Nhưng vì thế mà tốn cát lắm, làm mất hết các bãi tắm. Em nghĩ tới đây cũng cần phải cải tiến cách làm” - Cảnh nói thêm. 
Cũng có lúc Cảnh lại say sưa nói về thời điểm đẹp nhất và góc chụp hợp lý nhất để có những bức ảnh để đời về đảo Lý Sơn, về những dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh hơn 2.000 năm trước, về tour lặn xem san hô, cỏ biển (tận dụng thế mạnh về độ đa dạng sinh học của vùng biển này)… Lý Sơn, diện tích hơn 10km2, còn có tên là Cù Lao Ré, theo cách lý giải dân gian là “cù lao có nhiều cây ré”. Nằm cách cảng Sa Kỳ gần 30km, nhưng vào những ngày trời trong biển lặng, du khách đứng từ đất liền có thể nhìn rõ 5 ngọn núi: Giếng Tiền, Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Hòn Vung.
Không chấp nhận lối mòn, Cảnh luôn có những ý tưởng ngộ nghĩnh, nhưng không phải là không khả thi. Đứng trên đỉnh Thới Lới, Cảnh bảo, ước gì các ngôi nhà dưới kia được lợp bằng tôn màu. Nếu tính khéo, có thể tạo thành những bức tranh đẹp, làm cho Lý Sơn lãng mạn hơn biết bao nhiêu trong ánh nắng chiều mùa hạ… Bằng vào mức độ bận rộn của anh, có lẽ công việc của Cảnh đang tiến triển khá tốt. Khi một người trẻ đầy nhiệt huyết kinh doanh bằng cả niềm say mê khám phá và kiến thức của mình thì thành công là phần thưởng xứng đáng. Tôi tin như thế.

Các tin khác