Cây tiền tỷ sâm Ngọc Linh

(ĐTTCO) - Được xem là “quốc bảo của ngành dược liệu Việt Nam”, sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) không chỉ là cứu cánh giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc miền núi, mà còn được tỉnh Quảng Nam xác định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp địa phương.
 Song thời gian qua, việc bảo tồn, phát triển loại cây này dù được đầu tư mạnh mẽ, nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.
Nhân rộng mô hình
Từ ngày được Chính phủ thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, đồng thời công nhận Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia đã giúp thương hiệu và giá trị cây sâm tăng lên rất cao. Tại huyện Nam Trà My (thủ phủ sâm Ngọc Linh), cây sâm đã phát triển ở 7 xã với hơn 1.500 hộ tham gia trồng. Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cây sâm Ngọc Linh bản địa đã trở thành “cây tiền tỷ” của người dân. Trong phiên chợ sâm tháng 10 vừa qua, một ký sâm củ tươi có giá dao động 60-120 triệu đồng, một ký lá sâm tươi giá hơn 9 triệu đồng, mỗi cây sâm giống giá hơn 300.000 đồng. Cây sâm đã thực sự đổi đời cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, không ít hộ đồng bào đã trở thành tỷ phú cũng nhờ sâm. 
“Huyện Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam xác định cây sâm Ngọc Linh sẽ trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Do đó, lãnh đạo huyện đã ban hành nhiều cơ chế mở, thông thoáng không chỉ giúp bảo tồn, gìn giữ nguồn gen quý giá này mà còn hướng đến thu hút doanh nghiệp về Nam Trà My liên kết đầu tư. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để trồng sâm, kể cả cam kết trong việc liên doanh, liên kết xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm gia tăng từ sâm Ngọc Linh nhằm làm tăng chuỗi giá trị, đủ sức cạnh tranh ra thị trường” - ông Bửu chia sẻ.
Cây tiền tỷ sâm Ngọc Linh ảnh 1 Một ký sâm củ tươi có giá dao động 60-120 triệu đồng. 
Đến nay, đã có 4 tổ chức thuê dịch vụ môi trường rừng thuộc lâm phận của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (gồm CTCP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam, Công ty TNHH Sâm Sâm, CTCP Dược phẩm Hoa Thiên Phú, CTCP Nguyên liệu giấy Miền Trung) để trồng sâm Ngọc Linh trên diện tích 44,47ha) với hơn 1,1 triệu cây giống, tổng vốn đầu tư gần 133 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 2 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh là Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam (thuộc Sở NN-PTNT) và Trung tâm Sâm Ngọc Linh của huyện Nam Trà My, diện tích gần 11ha với 247.000 cây giống. 
Đặc biệt, một số huyện miền núi của tỉnh có khí hậu tương đồng như Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My… cũng đã và đang nghiên cứu di thực sâm Ngọc Linh về trồng ở địa phương mình. Dù trước đó, một số nơi như huyện Phước Sơn hay Tây Giang đã thực hiện di thực sâm Ngọc Linh, nhưng hiệu quả không như mong muốn. Trong đó, mô hình tại thôn Zrượt, xã Ch’Ơm thất bại do năng suất và chất lượng yếu kém.
Cây tiền tỷ sâm Ngọc Linh ảnh 2 Không ít hộ đồng bào đã trở thành tỷ phú “đại gia” cũng nhờ sâm. 
Nhưng không phải ở đâu cũng trồng được
Các nghiên cứu cho thấy, sâm Ngọc Linh là loại cây rất đặc thù, chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên đỉnh Ngọc Linh. Do vậy, để di thực, nhân rộng loài cây này đến nơi khác cần có những nghiên cứu thực tiễn khoa học, nhất là đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố liên quan đến tự nhiên, hoặc tác động đến quá trình sinh trưởng của cây nếu không muốn thất bại.
Năm 2004, cây sâm Ngọc Linh đã được huyện Tây Giang di thực về trồng tại vườn sâm Ngọc Linh tại xã biên giới Ch’Ơm (Tây Giang), tổng diện tích khoảng 2ha dưới tán rừng nguyên sinh (số lượng 10.000 cây). Năm 2012, huyện Tây Giang chuyển giao vườn sâm di thực lại cho CTCP Thương mại dược Sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, qua theo dõi, cây sâm di thực tại vườn không đạt năng suất như cây sâm vùng Trà Cang (Nam Trà My). 
Theo ông Nguyễn Đình Triệu, Phó Tổng giám đốc CTCP Thương mại dược Sâm Ngọc Linh, ban đầu cây sâm di thực phát triển rất nhanh, nhưng sau vài năm có dấu hiệu chững lại, trổ hoa không đều, có hiện tượng vàng lá, ngủ đông kéo dài. Ông Triệu cho biết: “Đối chiếu với cây sâm bản địa tại vùng núi Ngọc Linh, Nam Trà My, nhận thấy cùng một độ tuổi nhưng cây sâm vườn Ch’Ơm phát triển chậm hơn”.
Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận do sâm Ngọc Linh là loài cây quý, nên ai cũng muốn di thực để gây trồng. Tuy nhiên điều kiện sống loài cây này rất khắt khe, chỉ phù hợp với vùng nhất định, vì thế rất khó di thực để mở rộng không gian sống.
Ông Lê Muộn chia sẻ: “Viện Dược liệu đã di thực về trồng thử nghiệm ở một số địa điểm có điều kiện gần tương đồng với đỉnh Ngọc Linh (Tam Đảo, Sa Pa), nhưng kết quả không khả quan, cây sâm sống và sinh trưởng, phát triển rất kém”. Cũng theo ông Lê Muộn, để xem xét khả năng mở rộng ra các vùng khác nhằm tạo khối lượng sâm hàng hóa cho chế biến công nghiệp, trước tiên vùng di thực sâm Ngọc Linh phải đáp ứng về mặt khí hậu thổ nhưỡng, vùng núi đó phải có độ cao hơn 1.500m, đất mặt có tầng mùn dày, đủ ẩm, độ che phủ lớn. 
Có thể khẳng định, để xây dựng sâm Ngọc Linh trở thành một sản phẩm mang tính công nghiệp, số lượng lớn, ngoài bảo vệ nguồn gen gốc, việc đầu tư, mở rộng, di thực loài cây này rất cần thiết, đặc biệt là di thực đến các vùng có khí hậu tương đồng. Tuy nhiên, để thành công cần phải được nghiên cứu kỹ càng vì thực tế cho thấy ngoài các xã vùng núi thuộc huyện Nam Trà My di thực thành công, đến nay một số nơi đã di thực kết quả vẫn chưa như mong muốn, chưa kể đến yếu tố nguồn gen giống khó có thể cung cung cấp đủ, như mô hình tại thôn Zrượt, xã Ch’Ơm (Tây Giang) là một minh chứng.
Để bảo tồn nguồn giống sâm Ngọc Linh gốc, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở NN-PTNT quản lý Trại sâm giống Trà Linh và huyện Nam Trà My xây dựng vườn sâm gốc Tắc Ngo. Đây là 2 đơn vị chịu trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý của sâm Ngọc Linh, đồng thời cung cấp nguồn cây giống chất lượng cao cho người dân cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu trồng sâm. Song đến nay nỗi lo nhất vẫn là không đủ nguồn cây giống để cung cấp.

Các tin khác