Cặp ngà voi của Hội đồng Ngàn

(ĐTTCO) - Nền báo chí nước ta trải qua nhiều bước ngoặt theo dòng chảy lịch sử dân tộc.
Cặp ngà voi của Hội đồng Ngàn

 Có nhà báo sinh nghề tử nghiệp, có nhà báo yêu nước nhiệt thành và cũng có nhà báo ôm chân chính quyền của giai cấp thống trị để mưu cầu lợi ích riêng. Chuyện xung quanh cặp ngà voi của nhà báo Đờ Leo Cheo giúp ta hiểu thêm bức tranh làng báo Sài Gòn đầu thế kỷ 20, khi đất nước còn chìm trong bóng đêm ngoại xâm.

Thỏa thuận xin giấy phép ra báo Những năm tháng cuối đời, nhà văn Sơn Nam ở trọ trong con hẻm gần chợ Gò Vấp, TPHCM. Mỗi lần đến thăm ông, chúng tôi hay cùng nhau ra ngồi hàn huyên ở quán cà phê lề đường bên chợ. Nhà văn Sơn Nam là người có trí nhớ đặc biệt, hay hoài niệm về quá khứ đất phương Nam. Ông thường chỉ tay về phía tòa nhà của Hội đồng Trương Văn Ngàn và kể chuyện về sự giàu có, quyền thế của ông này một thời ở Sài Gòn. Đặc biệt về cặp ngà voi quý giá từng là vật trang trí và thể hiện quyền uy của Hội đồng Ngàn trong tòa nhà, liên quan tới một nhà báo lai Tây trong đời sống báo chí, chính trị của Sài Gòn nửa đầu thế kỷ 20. Lúc này ở Sài Gòn xuất hiện một người Tây lai tên Henry Chavigny de la Chevrotière, cha là tài công người Pháp gốc Tân Đảo (Cộng hòa Vanuatu thuộc Châu Đại Dương) sang làm việc ở Sài Gòn, còn mẹ là người Việt gốc ngoài Bắc. De la Chevrotière sinh tại Sài Gòn, được cha đưa sang Paris và Bordeaux học hành cho tới lúc trưởng thành quay trở về quê mẹ. Mê săn bắn, Chevrotière từng lên vùng núi đồi Trảng Bom Đồng Nai bắn được con voi rừng có cặp ngà dài gần hai thước về bán cho Hội đồng Trương Văn Ngàn ở Gò Vấp. Do thiếu tiền nên Chevrotière buộc phải bán cặp ngà voi chứ trong lòng rất luyến tiếc. Vì vậy, lúc trao đổi mua bán ông ta có thỏa thuận với Hội đồng Ngàn rằng khi nào có tiền cho chuộc lại cặp ngà voi. Henry Chavigny de la Chevrotière khởi đầu sự nghiệp từ một nhân viên Sở Quan thuế Nam kỳ ở dưới Sa Đéc, sau đó lên lại Sài Gòn làm biên tập cho tờ báo l’Impartial có khuynh hướng thân chính quyền thuộc địa. Vào năm 1926, ông đứng ra xuất bản, làm chủ tờ La Depeche tiếp tục ủng hộ chính sách của thực dân Pháp ở Đông Dương. De la Chevrotière trở thành nhân vật có thế lực trong xã hội, được chính quyền thuộc địa nâng niu, nhưng bị giới báo chí Sài Gòn vô cùng căm ghét, mỉa mai gọi xách mé là… Đờ Leo Cheo, gần đồng âm với tên tiếng Pháp. Khi đã có quyền thế và giàu có, Đờ Leo Cheo nhớ tới cặp ngà voi săn, mong muốn được chuộc lại, nhưng vì sĩ diện nên ngại xuống nhà Hội đồng Ngàn. Trước tình thế “nan giải” của Đờ Leo Cheo,  Nguyễn Kim Đính bỗng xuất hiện. Ông là người quê Thủ Đức, làm nhân viên hỏa xa trước khi chuyển sang nghề báo, từng quản lý tờ Nông Cổ Mín Đàm, tổng quản nhiệm Công Luận Báo và trở thành Nghị viên Hội đồng TP Sài Gòn. Tuy nhiên, khi Nguyễn Kim Đính muốn xuất bản một tờ báo quốc ngữ riêng do mình làm chủ thì gặp rất nhiều khó khăn, nhiêu khê vì luật lệ khắt khe của Chính phủ Pháp đối với thuộc địa. Ông buộc phải tìm cách nhờ tới một người Pháp có thế lực để sớm xin được giấy phép. Đờ Leo Cheo đã đồng ý giúp Nguyễn Kim Đính nhưng cũng đề nghị ông làm trung gian chuộc lại cặp ngà voi từ nhà Hội đồng Trương Văn Ngàn, bởi vợ ông Đính có quan hệ thân thuộc với ông Trương Văn Ngàn. Việc thương thảo về cặp ngà voi tưởng chừng sẽ dễ dàng, nhưng thực tế không như vậy.
Cặp ngà voi của Hội đồng Ngàn ảnh 1 Cho đến lúc chết Đờ Leo Cheo vẫn không thể xin mua lại cặp ngà voi quý giá của mình đã bán cho Hội đồng Ngàn (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). 
Cái chết đột ngột của Đờ Leo Cheo Dưới áp lực của Toàn quyền Đông Dương, Tổng thống Pháp bấy giờ đã ký sắc lệnh ngày 30-12-1898 hạn chế quyền tự do báo chí, buộc các báo tiếng Việt, tiếng Hoa phải xin giấy phép của Toàn quyền mới được xuất bản. Vì vậy, ngay cả ông Diệp Văn Kỳ, một cử nhân ở bên Pháp trở về giàu có và thân thế, có vợ là chủ nhà in Bảo Tồn, nạp đơn xin ra tờ báo Thần Chung năm 1927, mãi 2 năm sau mới có được giấy phép. Vì vậy, việc ông Nguyễn Kim Đính nhờ Đờ Leo Cheo chỉ trong 3 ngày đã có trong tay giấy phép tờ Đông Pháp Thời Báo do Toàn quyền Đông Dương ký, mới biết thế lực của nhà báo này mạnh đến cỡ nào. Thực ra, báo chí chỉ là phương tiện để Đờ Leo Cheo bước vào chính trường. Sau khi dùng tờ La Depeche sặc mùi thực dân để cổ vũ các chính sách của nhà cầm quyền Pháp ở thuộc địa, ông ta nhanh chóng trèo lên các cái ghế hàng đầu là Chủ tịch Hội đồng TP Sài Gòn và Hội đồng Quản hạt Nam kỳ. Đờ Leo Cheo còn là thành viên Đại hội đồng Kinh tế tài chính Đông Dương. Đây là một hình thức nghị viện cố vấn của Liên bang Đông Dương, hoạt động từ năm 1928 đến 1954, chủ yếu giúp chính quyền thực dân Pháp điều hành kinh tế.  Sau khi Đờ Leo Cheo giúp xin giấy phép tờ Đông Pháp Thời Báo, Nguyễn Kim Đính làm Tổng lý kiêm Chủ bút đã xuất bản số báo đầu tiên vào ngày 2-5-1923, gồm 4 trang và mỗi tuần ra 3 kỳ vào các ngày thứ hai, tư, sáu. Đến số 250, ông Nguyễn Kim Đính mời ông Nam Kiều Trần Huy Liệu về làm chủ bút, lần lượt tập hợp được nhiều cây bút uy tín, có tinh thần yêu nước như Bùi Thế Mỹ, Bùi Công Trừng, Bút Trà, Phú Đức, Nam Đình, Viên Hoành… Nhờ đó, tờ Đông Pháp Thời Báo lớn mạnh nhanh chóng, bám sát những vấn đề thời cuộc, kích thích tình yêu quê hương, nòi giống người Việt, gây e ngại đối với nhà cầm quyền.  Trong lúc tờ Đông Pháp Thời Báo của Nguyễn Kim Đính làm mưa làm gió, cặp ngà voi vẫn chưa chuộc được về cho Đờ Leo Cheo. Chẳng phải ông Nguyễn Kim Đính nuốt lời mà do ông Trương Văn Ngàn cũng vì thể diện, cho rằng lúc nghèo khó Đờ Leo Cheo “lết đầu” vô nhà mình còn khi giàu sang quyền thế không thèm tới nữa, muốn nói chuyện cặp ngà, ông Tây lai phải lên Gò Vấp trực tiếp thương thảo. Do hai bên cứ khư khư cố giữ sĩ diện, nên dù Nguyễn Kim Đính cố gắng dàn xếp việc cũng không thành, cho tới khi ông bất ngờ qua đời năm 1929 sau gần 6 năm làm tờ Đông Pháp Thời Báo, cặp ngà voi vẫn còn ở nhà cựu Hội đồng Ngàn. Nhờ dựa thế chính quyền thực dân, Đờ Leo Cheo ngày càng giàu có, đầu tư xây dựng khách sạn Grand, góp vốn cùng Chú Hỏa xây dựng khách sạn Majestic lớn nhất Sài Gòn, mua hàng ngàn hecta rừng, đồn điền ở Thành Tuy Hạ và bên Campuchia. Khi quân Pháp tái xâm lược, Đờ Leo Cheo sau thời gian trốn tránh đã quay trở lại Sài Gòn thành lập tờ báo Union France kêu gọi ủng hộ chính sách thực dân, chống lại phong trào báo chí thống nhất của báo quốc ngữ.  Thời cuộc đã đổi thay, hành động diều hâu của nhà báo thực dân Đờ Leo Cheo không còn đất sống trước dòng thác lịch sử của người Việt Nam đang đứng lên giành độc lập, tự do. Trưa 12-1-1951, lúc Đờ Leo Cheo đang đi trên chiếc xe Jeep mui trần giữa Sài Gòn, đến ngã ba Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Gia Thiều hiện nay, đã bị quăng hai trái lựu đạn vào xe và chết ngay lập tức. 

Các tin khác