Cần bỏ “giấy phép con” với giáo viên

(ĐTTCO) - Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận và theo kế hoạch sẽ thông qua tại kỳ họp này sau 3 kỳ cho ý kiến. Trong đó, vấn đề về nhà giáo luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu (ĐB) cũng như toàn xã hội.

Dự thảo luật lần này có những điều khoản quy định rất rõ về nhà giáo. Điều 67 đề ra 4 tiêu chuẩn nhà giáo gồm: phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và vị trí việc làm.

Mặt khác, Điều 72 cũng quy định trình độ, chuẩn được đào tạo của nhà giáo. Theo đó, có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT. Đối với môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn luận án tiến sĩ… 

Giáo viên hiện nay vẫn chưa có chế độ đãi ngộ tương xứng. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Giáo viên hiện nay vẫn chưa có chế độ đãi ngộ tương xứng. Ảnh chỉ mang tính minh họa

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị ban soạn thảo nên bỏ quy định tại khoản 4 Điều 67 về việc phải đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và vị trí việc làm. Bởi lẽ, nội dung này đã trùng lặp, giao thoa nội hàm tại khoản 2 là yêu cầu “đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ”. Nếu để khoản 4 sẽ ẩn chứa nhiều nhiêu khê, lợi dụng, đẻ ra các loại “giấy phép con” làm khó, làm khổ giáo viên đã và đang xảy ra.

Hiện nhiều quy định đối với giáo viên được coi là những “giấy phép con” như: chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn khung châu Âu hoặc chứng chỉ tiếng dân tộc ở vùng dân tộc; giáo viên ngoại ngữ phải có chứng chỉ ngoại ngữ thứ hai; chứng chỉ bồi dưỡng chuẩn giáo viên các hạng; chứng chỉ tin học...

Những quy định này có vẻ hợp lý, nhưng thực chất là rất hình thức, không có tác dụng thực chất, gây ra nhiều hệ lụy buộc giáo viên phải gian dối hoặc mua chứng chỉ, hoặc học giả; nhiều giáo viên phải lặn lội hàng trăm cây số về tỉnh, huyện mới có nơi học ngoại ngữ nhưng không biết dùng để làm gì. Nhiều ĐB Quốc hội cho rằng, hàng vạn giáo viên sẽ vui mừng khi sớm bỏ quy định buộc giáo viên phải có các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ nghề nghiệp, chứng chỉ tin học…

Một trong những nội dung nổi cộm của dự thảo luật lần này là quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non, có bằng tốt nghiệp đại học đối với giáo viên tiểu học, THCS, và có hiệu lực thi hành từ năm 2020. Như vậy, khi luật sửa đổi có hiệu lực, hàng vạn giáo viên không đạt chuẩn sẽ rất lo lắng.

Đồng ý là nâng cao trình độ giáo viên để bảo đảm chất lượng giáo dục, nhưng với thực trạng hiện nay cần tính toán lại tính khả thi và các tác động tiêu cực của quy định này, thậm chí dễ bị lạm dụng. Chính phủ cần tính toán kéo dài thời gian, thậm chí là 10 năm, để chuẩn hóa số lượng lớn giáo viên chưa đạt chuẩn hiện nay và có quy định việc tuyển giáo viên mới từ các năm học sau phải đạt chuẩn. 

Giáo viên đã và đang chịu rất nhiều áp lực như chế độ đãi ngộ không tương xứng, áp lực thành tích, phải hứng chịu nhiều vụ bạo lực thể xác và tinh thần... Trong khi đó, họ còn phải “gánh” hàng loạt các loại tiêu chuẩn, tiêu chí, mà để đạt được, phải rất vất vả. Do đó, loại bỏ những quy định không cần thiết, nhất là những quy định mang tính thủ tục, hình thức, những “giấy phép con” đối với giáo viên là một cách để giảm áp lực, để thầy cô toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy.

Các tin khác