CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG - TRĂM NĂM NGUỒN CỘI

Cái nhìn tôn kính của người trẻ

(ĐTTCO) - Trong khoảng hai giờ đồng hồ, chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội, nói như tác giả và đạo diễn Quang Thảo, không thể mang đến cho khán giả cái nhìn tổng thể và chi tiết, mà chỉ giới thiệu được một số lát cắt tiêu biểu trong chiều dài của lịch sử cải lương. 
Thế nhưng, những lát cắt ấy lại là cái nhìn với niềm tự hào và tôn kính của người trẻ hôm nay về bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.  
Bắc một nhịp cầu
 Tôi đứng theo dõi khán giả suốt hơn 100 phút và nhận thấy, không ai rời mắt khỏi sân khấu. Họ tập trung thưởng thức, thăng hoa cảm xúc cùng người nghệ sĩ biểu diễn. Chương trình có thể chưa hoàn toàn xuất sắc nhưng tôi tin, đã bắc nhịp cầu khán giả với cải lương và tìm được sự kết nối, cảm thông. 
Đạo diễn Quang Thảo
Khán phòng Nhà hát Bến Thành (TPHCM) tối 7-7, đêm công diễn đầu tiên của Chương trình nghệ thuật Cải lương - Trăm năm nguồn cội, dù không chật kín khán giả nhưng có thể nhận thấy sự háo hức, niềm hạnh phúc trên khuôn mặt của mỗi người. Trong số hàng trăm khán giả đến với chương trình, có những cụ ông, cụ bà tóc đã bạc phơ nhưng cũng không ít khán giả còn rất trẻ, thậm chí nhiều em nhỏ cũng được theo chân ông bà, cha mẹ đến xem chương trình.
Chúng tôi còn thấy những vị khách nước ngoài, dù có sự khác biệt về ngôn ngữ, nhưng họ cũng chăm chú, tấm tắc gật đầu theo từng tiết mục biểu diễn. Những tràng pháo tay giòn giã theo lời ca, điệu bộ của người nghệ sĩ trên sân khấu cứ vang lên. Và tất cả đều nán lại đến tận phút cuối cùng để được nhìn thấy thật gần những nghệ sĩ mình yêu mến, được giao lưu, được chụp hình lưu niệm… 
“Tôi đứng theo dõi khán giả suốt hơn 100 phút và nhận thấy, không ai rời mắt khỏi sân khấu. Họ tập trung thưởng thức, thăng hoa cảm xúc cùng người nghệ sĩ biểu diễn. Chương trình có thể chưa hoàn toàn xuất sắc, nhưng tôi tin đã bắc được nhịp cầu khán giả với cải lương và tìm được sự kết nối, cảm thông” - đạo diễn Quang Thảo nói với niềm hạnh phúc.
Bạn Hoàng Sơn Giang, học viên cao học Đại học Văn hóa (công tác tại Thành đoàn TPHCM), nhận xét: “Chương trình được dàn dựng công phu. Những trích đoạn vở diễn, tiết mục được chọn lựa đặc sắc. Những lời thoại trong vở diễn như đưa em tới miền tuổi thơ của mình. Người dẫn chương trình khá duyên, dí dỏm, khơi gợi, cung cấp được những kiến thức chuẩn mực, giúp khán giả hiểu thêm về cải lương”.  
Cái nhìn tôn kính của người trẻ ảnh 1  Lớp xử án Thượng Dương trích từ vở Câu thơ yên ngựa. Ảnh: Green Horizon
Khoảng hai tiếng đồng hồ, nói như bà Nguyễn Vũ Đan Vi, Phó Tổng giám đốc Green Horizon, đại diện đơn vị sản xuất và giữ bản quyền, chương trình không thể giới thiệu hết được tinh hoa của cải lương nhưng có thể đóng góp cho sân khấu nghệ thuật một tác phẩm để khán giả, đặc biệt khán giả trẻ, thêm hiểu, thêm yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Đồng quan điểm đó, đạo diễn Quang Thảo chia sẻ dù không thể kể một câu chuyện hoàn chỉnh nhưng chương trình làm được điều quan trọng, đó là cho khán giả thấy được những nét tiêu biểu của lịch sử cải lương. “Hơn 100 phút tuy không đầy đủ nhưng nếu ai chưa từng xem cải lương, có thể kể lại hành trình đã đi qua của cải lương theo cách như thế” - anh nhấn mạnh.
Đưa khán giả vào chương trình 
Nhìn về kinh nghiệm của những quốc gia đã phát triển, chúng tôi tin rằng trong một xã hội càng hiện đại với nhiều cơ hội tiếp cận các nền văn hóa khác nhau, nhu cầu tìm lại bản sắc văn hóa dân tộc là có thật. Trách nhiệm của chúng ta là khơi dậy, truyền cảm hứng để mọi người tìm về nguồn cội và có cơ hội trải nghiệm những giá trị văn hóa tốt đẹp đó. 
Bà Nguyễn Vũ Đan Vi, Phó Tổng Giám đốc GreenHorizon
Chương trình gồm 5 tiết mục. Mở đầu với phần trích lược 2 tác phẩm Tình ca (Phạm Duy) và Dạ cổ hoài lang (soạn giả Cao Văn Lầu), được toàn bộ dàn nghệ sĩ tham gia thể hiện: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Việt Anh, NSƯT Quế Trân, NSƯT Tú Sương, NSƯT Ngọc Đợi, các nghệ sĩ Trinh Trinh, Điền Trung, Quang Thảo… như cầu nối đưa khán giả vào chương trình.  
Nhắc đến tiền thân của cải lương, người ta nhớ đến ca ra bộ qua trích đoạn Bùi Kiệm - Nguyệt Nga (Trương Duy Toản). Dấu mốc của trăm năm cải lương không thể không nhắc đến bản chuẩn Dạ cổ hoài lang của cố soạn giả Cao Văn Lầu, nói như cố GS.TS Trần Văn Khê “từ một sáng tác cá nhân đã thành sáng tác tập thể, sanh ra từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu”.
Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là 2 trích đoạn Đời cô Lựu (Trần Hữu Trang) và lớp Xử án Thượng Dương (Thanh Tòng), với phần viết lời mới của NSND Bạch Tuyết và Quang Thảo trích từ vở Câu thơ yên ngựa (Hoàng Yến, Ngọc Văn, Thanh Tòng). Nói về những nét mới của các tác phẩm được trình diễn trong chương trình, theo bà Đan Vi, ekip muốn đưa vào đó cái nhìn nhân văn, cảm thông hơn của những người trẻ ở thế kỷ 21: “Xét cho cùng, nghệ thuật chính là làm cho con người cảm thông, yêu thương nhau hơn, sống tốt và ý nghĩa hơn”.   
Cái nhìn tôn kính của người trẻ ảnh 2 NSND Bạch Tuyết trong trích đoạn vở Đời cô Lựu. Ảnh: Hoàng Hùng
Trong đêm công diễn đầu tiên, sự xuất hiện đặc biệt của khách mời - nghệ sĩ Vũ Linh cùng bản ca Hàn Mặc Tử, đã làm nức lòng khán giả. Người nghệ sĩ tài danh dù trải qua cơn bạo bệnh nhưng khi đứng trên sân khấu, từng lời ca được cất lên vẫn làm say đắm lòng người, đầy mẫu mực cùng những câu chuyện rèn nghề nghiêm túc.
NSND - TS. Bạch Tuyết sau khi khiến khán giả nghẹn ngào trong trích đoạn Đời cô Lựu, lại mang đến những tràng cười sảng khoái cho cả khán phòng, bởi sự hài hước, dí dỏm và kiến thức uyên thâm của bà về cải lương. “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết cũng được giao vai trò cố vấn nghệ thuật cho chương trình. Trước đó, phần giao lưu cùng NSƯT - Th.S Huỳnh Khải, giám đốc âm nhạc của chương trình cũng mang đến nhiều thông tin hữu ích về các loại nhạc cụ được sử dụng trong các gánh hát cải lương.  
Cái nhìn tôn kính của người trẻ ảnh 3 NSƯT Ngọc Đợi trình diễn bản chuẩn Dạ cổ hoài lang. Ảnh: Hoàng Hùng
Xen lẫn các tiết mục trình diễn là những trích đoạn video về cuộc đời của NSND Phùng Há, soạn giả Cao Văn Lầu… vừa góp phần mang đến cái nhìn toàn cảnh về lịch sử cải lương, đồng thời giúp khán giả hiểu hơn, trân quý hơn những con người dành cả cuộc đời của mình cho nghệ thuật bởi niềm đam mê cháy bỏng. 
Để có khoảng 2 tiếng đồng hồ công diễn trước khán giả, ekip thực hiện đã trải qua hành trình gian nan với nhiều tháng lên ý tưởng, chuẩn bị công phu, tập luyện. Đạo diễn Quang Thảo chia sẻ, 5-6 tiết mục trong chương trình tưởng chừng đơn giản, nhưng khi kết nối câu chuyện đòi hỏi kịch bản phải rất chắc chắn để dẫn dắt khán giả đi theo suốt hơn 100 phút và khiến họ không thể rời mắt khỏi sân khấu.
Anh cũng tiết lộ, việc chọn tiết mục và nghệ sĩ tham gia chương trình làm sao để hài hòa, phù hợp với lịch diễn của từng người cũng không đơn giản. Bên cạnh đó, mục tiêu đưa hơi thở mới vào những tác phẩm đã trở thành kinh điển nhưng vẫn không làm phai mờ giá trị cũ, không phạm luật, khiến khán giả hài lòng, hào hứng cũng là thách thức không nhỏ với ekip.   
Tuy nhiên, cả đạo diễn Quang Thảo và bà Đan Vi đều chung nhận định, khó khăn lớn nhất của chương trình chính là khán giả. Đạo diễn Quang Thảo lý giải: “Thái độ, tình cảm của khán giả là quan trọng nhất, bởi họ bỏ tiền và thời gian đến xem mình đã làm được gì với cải lương”. Còn theo bà Đan Vi: “Mục tiêu chương trình đặt ra là mong muốn giúp khán giả, nhất là các bạn trẻ, làm sao có thể hiểu thêm về cải lương, yêu mến và quan tâm đến cải lương. Họ chính là đối tượng gìn giữ cải lương. Câu hỏi đặt ra là làm sao để đưa khán giả trẻ đến với sân khấu cải lương nhiều hơn nữa”. 

Truyền cảm hứng tìm về nguồn cội 
Trong hành trình 100 năm của cải lương nói chung, câu hỏi làm thế nào để tiếp cận khán giả trẻ, là vấn đề nhiều thách thức. Đứng ở góc nhìn của một người trẻ, lại đang thực hiện luận văn thạc sĩ về đề tài cải lương, bạn Sơn Giang thừa nhận một bộ phận không nhỏ người trẻ đang quay lưng với cải lương.
Cái nhìn tôn kính của người trẻ ảnh 4 Ban cổ nhạc với sự tham gia của  NSƯT Huỳnh Khải. Ảnh: Hoàng Hùng
“Nếu không có sự cọ xát, được xem, nghe cải lương từ nhỏ chắc chắn em cũng không thích. Bên cạnh đó, trong thời buổi công nghệ hiện nay có quá nhiều loại hình giải trí, tính tương tác cao chỉ cần ngồi ở nhà có thể hưởng thụ”. Thừa nhận khán giả trẻ hiện nay khá thờ ơ với cải lương và đó là thực tế đáng buồn, nhưng đạo diễn Quang Thảo không hoàn toàn bi quan. Theo anh, nếu có cách tiếp cận đúng đắn, biết các bạn trẻ cần gì, muốn gì để vun đắp, đáp ứng sẽ có một ngày những mầm, chồi sẽ nảy nở.  
Lắng nghe một cách cầu thị và tiếp nhận những đóng góp để xây dựng chương trình ngày càng thu hút, bà Đan Vi lạc quan: “Nhìn về kinh nghiệm những quốc gia đã phát triển, chúng tôi tin rằng trong xã hội càng hiện đại với nhiều cơ hội tiếp cận các nền văn hóa khác nhau, nhu cầu tìm lại bản sắc văn hóa dân tộc là có thật.
Trách nhiệm của chúng ta là khơi dậy, truyền cảm hứng để mọi người tìm về nguồn cội và có cơ hội trải nghiệm những giá trị văn hóa tốt đẹp đó”. Được biết, để tiếp cận khán giả trẻ, chương trình có mức giá vé ưu đãi cho đối tượng học sinh, sinh viên và trong xuất đầu tiên này, số vé này đã được bán hết. Bên cạnh đó, ekip thực hiện cũng mong muốn sẽ kết hợp được với các đối tác để đưa chương trình đến gần hơn với học sinh, sinh viên các trường phổ thông, đại học.
Hành trình của Cải lương - Trăm năm nguồn cội mới chỉ bắt đầu. Sẽ không thể nói chương trình đã hoàn hảo, nhưng những thành quả bước đầu đạt được chính là động lực để ekip ngày càng vững tin hơn trên hành trình đưa cải lương đến gần hơn với khán giả.
“Dù sau này cải lương không còn được diễn, khán giả không xem nhưng trong ký ức, luôn có một bộ môn nghệ thuật làm nức lòng dân tộc và lưu danh quốc tế. Hy vọng, những người trẻ sẽ luôn dám làm để cải lương sẽ có 150, 200 tuổi và nhiều hơn thế nữa. Nếu cứ sợ, cải lương không thể tồn tại. Chỉ có tình yêu, sự liều lĩnh và dám làm, cải lương mới có thể sống mãi” - đạo diễn Quang Thảo nhắn nhủ.  
Sau suất diễn đầu tiên, Cải lương - Trăm năm nguồn cội sẽ tiếp tục đến với khán giả trong các đêm diễn vào tháng 7 và tháng 8 tại Nhà hát Bến Thành.

Yêu, liều và dám làm 
Chương trình nghệ thuật cải lương - Trăm năm nguồn cội được sản xuất bởi CTCP Green Horizon - đơn vị hoạt động trong nhiều lĩnh vực với chức năng xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, nhằm mục tiêu vừa gìn giữ tính truyền thống vừa thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, đồng thời bảo tồn được bản sắc văn hóa.
Trọng tâm của công ty hướng tới là khơi gợi, truyền cảm hứng cho mọi người tìm về nguồn cội, trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhất là đối với các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại TPHCM. Chia sẻ về lý do quyết định sản xuất chương trình, bà Nguyễn Vũ Đan Vi cho biết: “Chúng tôi dành sự quan tâm đặc biệt cho nghệ thuật cải lương bởi đó là món ăn tinh thần không thể thiếu, là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân Sài Gòn - Nam bộ”. 
Trên thực tế, Green Horizon không chỉ làm cải lương mà còn có nhiều dự án văn hóa đã và đang được thực hiện, như dự án xuất bản ấn phẩm Sài Gòn - Gìn vàng giữ ngọc, Sài Gòn của em… Cũng theo bà Đan Vi, mục tiêu của Green Horizon là tổ chức các hoạt động văn hóa vừa mang tính gìn giữ các giá trị truyền thống, nhưng vẫn phải sáng tạo để thu hút được các bạn trẻ, bởi chính các bạn mới là những người sẽ gìn giữ các giá trị văn hóa nghệ thuật, rồi từ đó có thể phát triển.
“Nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt, chúng tôi sẽ không theo đuổi mô hình xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa. Chúng tôi cố gắng cho ra đời các sản phẩm văn hóa chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng. Chúng tôi cũng mong có thêm nhiều đơn vị cùng đồng hành, chia sẻ để chúng ta ngày càng có thêm nhiều hoạt động văn hóa đa dạng và thú vị” - bà Đan Vi nói. 
Khi được hỏi về kinh phí thực hiện Cải lương - Trăm năm nguồn cội, theo bà Đan Vi: “Chúng tôi nhận được sự chia sẻ của ekip tham gia thực hiện chương trình. Tất cả mọi người đều làm việc cẩn trọng và chi tiết để có thể dàn dựng được một tác phẩm hoàn chỉnh với chi phí hợp lý nhất. Về con số đầu tư cho chương trình, chúng tôi xin phép không công bố, vì chúng tôi muốn công chúng nhìn vào chất lượng và tâm huyết của đội ngũ thực hiện nhiều hơn”.   

Các tin khác