Cách xử lý sự cố thang máy

(ĐTTCO) - Vào lúc 1 giờ 30 ngày 9-5, nhận được tin báo có người mắc kẹt trong thang máy tại khách sạn Gims (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn), Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TPHCM) đã cử lực lượng đến hiện trường và giải cứu thành công 8 nạn nhân.
 Vụ việc này lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác lắp đặt, quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và văn hóa sử dụng thang máy, nhất là tại các chung cư hiện nay.
Những tai nạn gây chết người
Trong vòng 7 năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy ra sự cố liên quan đến thang máy. Đa số các vụ việc này đã xảy ra tại địa bàn TPHCM. Trưa 15-7-2012, tại Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (quận Tân Phú, TPHCM) đã xảy ra vụ tai nạn thang máy thương tâm khiến bà Trần Thị Cúc (54 tuổi) - nhân viên vệ sinh của trường này - bị kẹt giữa hai cánh cửa thang máy và tử vong.
Sáng 2-5-2013, anh Hà Quốc Oai (17 tuổi) chuyển hàng bằng thang chuyên dụng từ tầng trệt lên các tầng trên của ngôi nhà 5 tầng (thuộc một cơ sở sản xuất, gia công bu lông, ốc vít tại quận 10, TPHCM), khi đến lầu 4 thì thang gặp sự cố, anh Oai bị kẹp chặt giữa nền tầng 4 và thang chuyên dụng, tử vong tại chỗ.
Cách xử lý sự cố thang máy ảnh 1 Cảnh sát PCCC giải cứu các nạn nhân ở chung cư Sacomreal quận Tân Phú, TPHCM.Theo NLĐ 
Sáng 30-6-2014, ông Trần Huy Tuấn (51 tuổi; là bảo vệ tòa nhà chung cư thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội) đi cùng nhiều người để kiểm tra một thang máy đã hỏng từ lâu. Khi mở được khóa ra, ông Tuấn không để ý thang máy đang kẹt treo lơ lửng ở phía trên, nên đã bước hụt xuống và rơi từ tầng 7 xuống đất, dẫn đến tử vong.
Chiều 9-6-2015, anh Trần Minh Trí (27 tuổi), nhân viên kỹ thuật của một công ty chuyên về thang máy, tiến hành bảo trì trên nóc thang máy tại căn nhà 5 tầng thuộc quận Bình Thạnh (TPHCM). Sự cố bất ngờ xảy ra khi thang máy tự động trượt lên, anh Trí kẹt lại và bị chiếc thang máy ép chặt trên nóc hầm thang máy. Sự cố đã làm nạn nhân tử vong.
Tối 23-3-2016, thang máy thuộc một chung cư ở quận Tân Phú (TPHCM) chở 16 người từ tầng trệt đi lên bất ngờ tê liệt, cửa kẹt cứng. Mọi người bên trong hoảng loạn, ngất xỉu trước khi được Cảnh sát PCCC và CNCH địa phương giải thoát.
Trong năm 2017 cũng xảy ra hàng loạt sự cố liên quan đến thang máy, trong đó tại TPHCM xảy ra 1 vụ và may mắn khi lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã giải thoát thành công cả 5 nạn nhân. Năm 2018 thì ghi nhận ít nhất đã xảy ra 3 sự cố thang máy, làm kẹt hàng chục người. Trong đó, có 2 vụ việc gây chết người xảy ra tại quận 5 và quận Phú Nhuận (TPHCM). Năm 2019, hầu như tháng nào cũng có sự cố về thang máy. 
Lực lượng tại chỗ thiếu và yếu kỹ năng 
Qua những vụ việc như đã nêu trên, khi được hỏi đa số các nạn nhân đều bức xúc vì cách xử lý lúng túng, chậm chạp, thiếu kỹ năng, thiếu trách nhiệm, thậm chí là đùn đẩy hoặc hoàn toàn không biết cách xử lý của những người có trách nhiệm tại tòa nhà có sự cố xảy ra.
Qua đó, bộc lộ thực trạng lực lượng tại chỗ hầu như chưa được tập huấn, hướng dẫn kỹ năng xử lý sự cố về thang máy. Khi vụ việc xảy ra, gần như bất lực và luôn trông chờ vào lực lượng cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, người đi thang máy cũng chưa chủ động trang bị những kiến thức tối thiểu khi sự cố xảy ra, dẫn đến mất bình tĩnh, hoảng loạn, làm tình hình càng trở nên phức tạp.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TPHCM), cho biết bên cạnh việc phải lắp đặt loại thang máy đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chuẩn, đơn vị sử dụng thang máy còn cần phải tuân thủ chặt chẽ quy trình lắp đặt; khi đã đưa vào vận hành phải ưu tiên việc bảo dưỡng, bảo trì đúng thời hạn, đảm bảo mọi chi tiết được hoạt động tốt và đồng bộ.
Riêng ban quản lý, ban quản trị hoặc chủ tòa nhà, phải niêm yết nội quy và hướng dẫn sử dụng, xử lý sự cố trong thang máy. Khi tổ chức tuyên truyền an toàn PCCC cho cư dân tòa nhà, cần lồng ghép nội dung sử dụng thang máy văn minh, an toàn.
Đối với người đi thang máy, phải tuân thủ nghiêm ngặt về tải trọng, khi không may gặp sự cố phải hết sức bình tĩnh trong mọi trường hợp. Chỉ có bình tĩnh mới có thể duy trì được sức khỏe trong môi trường chật chội, ngột ngạt để chờ được giải cứu. Mọi sự kích động, mất bình tĩnh trong trường hợp này đều gây bất lợi cho nạn nhân.
Bình thường, thang máy trong trạng thái hoạt động có các quạt gió thổi vào trong cabin. Nếu thang bị sự cố không hoạt động, các quạt tuy ngừng lại nhưng bản thân hệ thống cabin đã có diện tích thông gió ở trên nóc và dưới sàn để đảm bảo luôn có đủ không khí. Một số trường hợp thang máy bị lỗi, sẽ dẫn đến tình trạng tăng tốc đột ngột, tuy nhiên vẫn nằm trong giới hạn.
Lúc này, bộ khống chế tốc độ sẽ ghim chặt cabin vào ray, giúp đảm bảo an toàn cho người trong thang máy. Nếu gặp phải tình trạng thang máy rơi tự do, trong trường hợp chỉ có một mình thì nên nằm ngửa chính giữa sàn sao cho tiết diện cơ thể tiếp xúc với mặt sàn buồng thang ở mức lớn nhất. Trong trường hợp ít người cũng làm động tác tương tự và nằm ở vị trí có thể.
Trong trường hợp đông người, thì nên ngồi và ở tư thế co gối, hai tay bó chặt phần nửa dưới của chân. Những cách trên nhằm làm giảm chấn động của cơ thể đến mức thấp nhất khi thang máy rơi nhanh đột ngột. Khi thấy sự cố bất thường hoặc bị uy hiếp thì nhanh tay bấm nút số tầng gần nhất hoặc bấm mọi số tầng và nút chuông. 
Mọi sự cố liên quan hãy gọi cho 114, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH  luôn sẵn sàng có mặt sớm để giải cứu kịp thời.

Các tin khác