Biểu diễn trên… giấy

Tại sao quy hoạch về nghệ thuật biểu diễn mà lại đặt nặng chuyện… xây dựng cơ bản như vậy? Nghệ thuật Việt Nam đang cần nhiều công trình bê tông cốt thép chăng? Hoàn toàn không phải. Hiện nay chúng ta đang có trên 130 nhà hát lớn nhỏ rải rác khắp các địa phương, trong số đó có nhiều nhà hát tồn tại khá vất vưởng và cuộc sống nghệ sĩ khá bấp bênh. Nếu muốn thay da đổi thịt cho nghệ thuật biểu diễn, hãy mạnh dạn cơ cấu lại số lượng nhà hát trên. Cái nào cần bao cấp thì tiếp tục bao cấp, cái nào nên xã hội hóa thì nhanh chóng xã hội hóa, còn cái nào phải đóng cửa thì nghiêm khắc đóng cửa. Cứ sợ đụng chạm, thì toàn cảnh nghệ thuật biểu diễn sẽ vẫn mơ hồ tranh tối tranh sáng.

Dự thảo Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 vừa được đưa ra lấy ý kiến tại Hà Nội và TPHCM đều vấp phải sự phản ứng của chính những người hoạt động trong lĩnh vực này. Với tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay mà đặt ra mục tiêu xây dựng mới 51 nhà hát và chỉnh trang 20 nhà hát trên cả nước, thì quả là một đề án quá mức "lãng mạn".

Tại sao quy hoạch về nghệ thuật biểu diễn mà lại đặt nặng chuyện… xây dựng cơ bản như vậy? Nghệ thuật Việt Nam đang cần nhiều công trình bê tông cốt thép chăng? Hoàn toàn không phải. Hiện nay chúng ta đang có trên 130 nhà hát lớn nhỏ rải rác khắp các địa phương, trong số đó có nhiều nhà hát tồn tại khá vất vưởng và cuộc sống nghệ sĩ khá bấp bênh. Nếu muốn thay da đổi thịt cho nghệ thuật biểu diễn, hãy mạnh dạn cơ cấu lại số lượng nhà hát trên. Cái nào cần bao cấp thì tiếp tục bao cấp, cái nào nên xã hội hóa thì nhanh chóng xã hội hóa, còn cái nào phải đóng cửa thì nghiêm khắc đóng cửa. Cứ sợ đụng chạm, thì toàn cảnh nghệ thuật biểu diễn sẽ vẫn mơ hồ tranh tối tranh sáng.

Càng mở cửa hội nhập, càng thấy nghệ thuật biểu diễn đang ở tình trạng hết sức nghiệp dư. Không chỉ giới nghệ sĩ nao núng nay bắt chước Hoa Kỳ mai bắt chước Hàn Quốc, mà chính những nhà quản lý cũng loay hoay trong các quyết sách. Thẳng thắn mà đánh giá, Việt Nam có những loại hình nghệ thuật riêng biệt cần hỗ trợ để duy trì sự độc đáo khi so sánh với quốc tế như cải lương, chèo, múa rối, điệu lý câu hò dân gian… Còn các loại hình biểu diễn khác như kịch nói, thời trang, ca nhạc, xiếc… hãy chấp nhận cạnh tranh giữa các đoàn nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú của công chúng đa dạng. Thực tế chứng minh, tại TPHCM có nhiều đơn vị tư nhân đầu tư như IDECAF, Kịch Sài Gòn, Kịch Hồng Vân… vẫn ăn nên làm ra và thu hút đông đảo khán giả hâm mộ.

Dự thảo Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 chẳng khác gì biểu diễn trên… giấy. Cốt yếu của một nền nghệ thuật là tạo ra những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, chứ không phải hướng đến những nhà hát to rộng quanh năm im ỉm then cài. Mặt khác, cần ưu tiên dành kinh phí đào tạo thế hệ kế cận cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đừng lãng phí tiền thuế vào những đợt hội diễn triền miên kiểu đến hẹn lại lên rồi… chẳng thấy ai xem.

Nghệ thuật biểu diễn, ngoài đòi hỏi nhân tố tài năng, còn đòi hỏi tầm nhìn lãnh đạo.

Các tin khác