Biết thôi chưa đủ

(ĐTTCO) - Những dòng chia sẻ thường trực trên trang cá nhân như: “Ôi xứ người ta, thấy mà ham”, “Sao không nhìn xứ họ mà thay đổi theo”, tưởng chừng chỉ là dòng trạng thái vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội, nhưng thực tế lại ẩn chứa nhiều mối lo, khi một số bạn trẻ xem đây như cách thể hiện ý kiến, bày tỏ quan điểm.
Không hiểu cũng phản kháng
Sau 3 năm xuất khẩu lao động ở Nhật Bản về, N.T.T.N. (25 tuổi, ngụ phường 14, quận Gò Vấp) thường chia sẻ lên trang cá nhân những vấn đề liên quan đến chính trị, hay so sánh cuộc sống trong nước với nước ngoài. Nhiều bạn bè N. phàn nàn khi thấy những dòng chia sẻ này, nhưng N. bảo: “Ai chơi Facebook cho vui thì chơi, còn tôi xem đây như cách thể hiện chính kiến của mình. Trang cá nhân thì mình có quyền tự do bày tỏ thái độ, quan điểm thôi. Bây giờ không lên tiếng thì khi nào mới được nói”.
Không chỉ riêng N., một số bạn trẻ hiện nay thường tiếp nhận những thông tin đa chiều khác nhau, rồi từ đó thể hiện thái độ bằng việc viết những dòng trạng thái trên trang cá nhân, tham gia vào các hội, nhóm trên mạng xã hội. Với các từ khóa như “tự do - dân chủ”, “thanh niên yêu nước đấu tranh vì tự do”, “đấu trường dân chủ, tự do đa chiều”, các hội nhóm này thu hút hàng ngàn tài khoản mạng xã hội tham gia và không ít trong số đó là những người trẻ. 
Biết thôi chưa đủ ảnh 1 Tham gia các hoạt động tình nguyện cũng là cách để người trẻ rèn luyện bản thân, 
xây dựng lý tưởng sống đúng đắn.
Chia sẻ những hình ảnh về một cuộc biểu tình ở nước ngoài, tài khoản T.T.V. (22 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) viết: “Công dân nước người ta chưa bao giờ làm mình thất vọng”. Bên dưới dòng trạng thái này, không ít những bình luận hưởng ứng theo.
Và trước những dự thảo về luật mới, hay các sự kiện, sự việc xung quanh tình hình an ninh - chính trị - xã hội, chủ quyền biển đảo, biên cương của tổ quốc, những “lời kêu gọi” trên mạng xã hội được nhiều người khởi xướng và một số bạn trẻ theo dõi các hội nhóm này, cũng lập tức vào hùa, dù chưa hiểu rõ bản chất thực sự của vấn đề, sự việc. “Cần chi phải đọc nhiều, nó dài dòng lắm.
Thấy mấy nhóm trên mạng mà tôi tham gia ai cũng phản đối luật đó, nhiều người không đồng ý thì chắc là sai rồi. Mình cũng nên góp vào một tiếng nói, ai cũng có quyền thể hiện ý kiến mà”, N.V.T. (28 tuổi, tài xế, ngụ huyện Bình Chánh) nói.
Học lắng nghe và tìm hiểu
Kể lại câu chuyện vào năm cuối đại học, V.T.V (24 tuổi, nhân viên tiếp thị, quê Quảng Ngãi, ngụ quận Tân Bình) ngậm ngùi: “Tôi thích tìm hiểu các thông tin về lịch sử và chính trị, từ khi bắt đầu chơi Facebook tôi thường tham gia vào các nhóm và trang bàn về chính trị. Lúc tình hình chủ quyền biển đảo đang căng thẳng, các nhóm mà tôi tham gia trên mạng kêu gọi đấu tranh, xuống đường. Tôi cũng viết chia sẻ trên trang cá nhân, để kêu gọi theo, dù chưa hiểu cặn kẽ chuyện gì đang diễn ra ở biển Đông, mọi thông tin tôi chỉ đọc từ những bài viết của các thành viên trong nhóm thôi”.
Ngay sau khi bị nhà trường phát hiện, V. chịu mức phạt hạnh kiểm yếu dù học lực giỏi và suýt nữa không được thi tốt nghiệp. “Sau khi thầy hiệu trưởng nói chuyện, tôi mới thật sự hiểu được vấn đề. Lúc trước, khi đọc tin, tôi còn không phân biệt được các tên miền như .org, .gov, .edu là gì. Sau sự việc đó, tôi mới bắt đầu tìm hiểu và chọn lọc những trang tin chính thống để đọc”, V chia sẻ.
Trở về sau 2 năm du học, bắt đầu công việc tự do với những dự án tái chế học đường, kêu gọi lối sống xanh vì môi trường, thu nhập không như mơ ước và bạn bè thường khuyên nên làm việc ở nước ngoài, nhưng Nguyễn Duy Cường (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) vẫn quyết tâm lập nghiệp ở quê nhà.
“Trong thời gian du học, tôi cũng vừa học vừa làm để có kinh nghiệm và tiết kiệm được một ít vốn rồi mới về nước để theo đuổi các dự án vì môi trường. Tôi đem các dự án hay về nước để phát triển, bảo vệ môi trường sống trên đất nước mình. Tôi nghĩ, đó cũng là cách đóng góp để xây dựng đất nước. Dù làm việc ở đâu thì cũng phải cố gắng, không thể thấy khó khăn rồi so sánh trong nước với nước ngoài được, mỗi nơi môi trường và điều kiện sống mỗi khác. Muốn nhận thành quả thì trước tiên phải biết đóng góp, người nước ngoài cố gắng phát triển đất nước họ thì mình cũng biết làm việc để xây dựng cho quê hương mình.”
Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay nhiều cơ quan, công sở, hay các công ty đưa ra các nội quy, quy định liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Ở môi trường này, những thông tin mới luôn được cập nhật từng phút, từng giây, người xem - người nghe, không chỉ biết thôi mà cần phải chọn lọc nguồn tin tin cậy để có thể hiểu rõ bản chất. Từ đó mới nhận thức đúng đắn để bản thân không dễ bị kích động, lôi kéo vào những đám đông lệch lạc.

Các tin khác