Biến đổi khí hậu - hiểm họa trước mắt

(ĐTTCO)-Ngày 4-8, các hoạt động cứu nạn, cứu trợ khắc phục hậu quả trận lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn đang được khẩn trương triển khai.
 
Biến đổi khí hậu - hiểm họa trước mắt
Cùng ngày, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác năm 2016, những tháng đầu năm 2017. 

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê được nêu lên tại hội nghị trong 7 tháng đầu năm 2017, tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng nóng trên diện rộng; mưa lớn trái mùa gây ngập lụt tại TPHCM và một số tỉnh Nam bộ; dông lốc, mưa đá cục bộ tại một số địa phương; tai nạn, sự cố, cháy nổ nghiêm trọng có chiều hướng tăng.
Trong tháng 7 vừa qua, dù chưa phải tháng cao điểm của mùa mưa bão, thì mưa lớn, bão, lũ, lốc xoáy... đã liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất và đời sống dân cư nhiều địa phương trong cả nước. Báo cáo sơ bộ cho thấy, thiên tai làm 48 người chết, mất tích và 47 người bị thương; hơn 19.000 ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái, sập đổ; hơn 26.000ha lúa và hơn 14.000ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Hay như cơn bão số 2 đổ bộ vào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày 16-7 và hoàn lưu bão gây mưa lớn cũng đã làm 15 người chết, mất tích và 33 người bị thương; gần 17.000 ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái, sập đổ; hơn 34.000ha lúa, hoa màu và 813ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài chính ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng. 

Tính chung 7 tháng năm 2017, thiên tai làm 75 người chết, mất tích và 77 người bị thương; gần 25.900 ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái, sập đổ; 33.800ha lúa và 18.100ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài chính trong 7 tháng ước tính khoảng 2.300 tỷ đồng. Dĩ nhiên, những số liệu trên chưa bao gồm cơn lũ tang thương xảy ra ngày 3-8 vừa qua, làm cho ít nhất 35 người thiệt mạng và mất tích ở các tỉnh miền núi phía Bắc…  

Thực tế và dự báo cho thấy tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan đã và đang dày lên với mức độ ngày càng cực đoan hơn. Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, nếu như trước đây, hiện tượng bão đổ bộ vào Tây Nam bộ là chuyện hiếm gặp, thì gần đây đã có nhiều cơn, có cơn rất mạnh, như bão Linda năm 1997 được coi là thảm khốc nhất trong vòng 100 năm trở lại đây ở khu vực này.
Hay cuối 2015, đầu 2016, sau một mùa đông rất ấm thì đầu tháng 1-2016 đã xuất hiện một đợt rét kỷ lục với 40 điểm tuyết rơi ở miền Bắc, trong đó có những vị trí chưa bao giờ ghi nhận tuyết rơi như vùng núi Ba Vì.
Năm 2017, mùa hè được coi là khá “mét mẻ”, nhưng lại đã xuất hiện một chuỗi 6 ngày nắng nóng đầu tháng 6 với nhiệt độ cao kỷ lục mà chuỗi số liệu quan trắc từng ghi lại…

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, những quy luật, kinh nghiệm đúc rút được từ trước đến nay đã không đủ để giúp chúng ta tồn tại, thậm chí sống sót qua các thiên tai.
Thực tế đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, cập nhật; theo dõi chặt chẽ để cảnh báo càng sớm càng tốt, đồng thời có sự phòng bị đầy đủ với tinh thần cảnh giác cao độ mới có thể giảm thiểu những mất mát và tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là quy hoạch đất ở, cũng cần tính toán đầy đủ đến những kịch bản khắc nghiệt có thể xảy ra dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Các tin khác