Bí thư Đinh La Thăng: “Vì dân hành động”

(ĐTTCO) - Nhiều “đề bài” khó đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng ra để “sát hạch” cấp dưới tại buổi làm việc ở huyện Củ Chi sáng 18-2.

(ĐTTCO) - Nhiều “đề bài” khó đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng ra để “sát hạch” cấp dưới tại buổi làm việc ở huyện Củ Chi sáng 18-2.

Đó là việc phải tìm đầu ra cho sản phẩm của đàn bò sữa; trong sáu tháng phải xóa quy hoạch treo dự án Thảo cầm viên Sài Gòn ở Củ Chi; đầu năm 2018, 100% dân Củ Chi phải có nước sạch...

Buổi báo cáo về việc quán triệt, triển khai nghị quyết Đại hội Đảng TP lần thứ X của đoàn kiểm tra Thành ủy do Bí thư Đinh La Thăng dẫn đầu tại huyện Củ Chi đã trở thành một cuộc chất vấn sôi nổi, kịch tính.

Nói dở, làm hay thì dân vẫn theo

“Đề bài” đầu tiên mà Bí thư Đinh La Thăng đưa ra trong bài “kiểm tra” với lãnh đạo huyện Củ Chi đến ngay trong tình huống mà chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoài Phú trình bày: Sữa từ đàn bò của bà con nông dân Củ Chi bán không được. Đàn bò sữa gần 40.000 con, dân đã bán mười mấy ngàn con.

Kiểm tra là biết ngay. Chủ tịch huyện chưa gặp tổng giám đốc Vinamilk làm sao biết được nguyên nhân bà con bán không được sữa.
Bí thư Thành ủy TP.HCM
Đinh La Thăng.

Ngay lập tức, ông Thăng hỏi sữa từ đàn bò của nông dân Củ Chi bán cho ai? Bán không được thì lãnh đạo huyện đã làm việc với đơn vị mua sữa để tìm ra nguyên nhân chưa? Ông Phú trả lời Vinamilk mua 80% lượng sữa từ đàn bò sữa ở Củ Chi.

Ông Thăng yêu cầu: “Anh bấm điện thoại cho tôi nói chuyện với tổng giám đốc Vinamilk”. Tuy nhiên, cuộc gọi đã không được kết nối vì ông Phú không có số điện thoại của tổng giám đốc Vinamilk.

Ông Phú chưa kịp thể hiện sự lúng túng thì ông Thăng nói ngay: “Kiểm tra thế là đã biết ngay. Chủ tịch huyện chưa gặp tổng giám đốc Vinamilk thì làm sao biết được nguyên nhân bà con bán không được sữa.

Sản lượng sữa của đàn bò Củ Chi đâu thấm gì so với năng suất của Vinamilk? Phải gặp họ mới biết được vì sao, mới có phương thức để giải quyết cho bà con được”.

Mở rộng câu chuyện, ông Thăng nói dân vận là làm được cho dân cái họ cần.

“Bớt nghị quyết hội họp đi, hành động ngay cái dân cần. Phải đi hỏi dân Củ Chi bức xúc cái gì nhất để mà giải quyết. Anh làm dân vận, nói dở gì nhưng bán được sữa cho dân thì nói gì họ cũng nghe, còn anh nói hay mà sữa của dân không bán được thì chào thua” - ông Thăng nói.

Nghị quyết đủ rồi, 
phải hành động

Sau khi xong “bài kiểm tra” đầu tiên, ông Đinh La Thăng nói đến thành tựu quan trọng của Củ Chi đạt được là đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Nhưng ông Thăng lại đưa ra “đề bài”: “Theo các tiêu chuẩn mới thì Củ Chi còn đạt huyện nông thôn mới nữa không?”.

Ông cho rằng nếu cứ tự ru ngủ bằng danh hiệu nông thôn mới thì Củ Chi sẽ hết động lực để phấn đấu.

Tuy nhiên, điều lớn hơn sau câu hỏi mà ông Thăng nói ông muốn các lãnh đạo Củ Chi cùng ông suy nghĩ là có cần phải thay đổi tiêu chí để xây dựng cuộc sống ở nông thôn cho phù hợp.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.

Ông cho rằng khi nông nghiệp được đưa vào sản xuất lớn, nông thôn được xây dựng theo hướng hiện đại thì toàn bộ hạ tầng ở nông thôn cũng phải thay đổi để phù hợp. Và lúc đó các tiêu chí về hạ tầng ở nông thôn theo cuộc sống cũ, tư duy cũ, đường sá nhỏ hẹp sẽ không còn phù hợp.

“Chúng ta phải thay đổi như thế nào để phù hợp?” - ông Thăng đặt câu hỏi.

Trở lại việc quán triệt và triển khai nghị quyết, ông Thăng yêu cầu Củ Chi không được “thi nghị quyết”. Ông cho rằng nghị quyết của Củ Chi có thể hay hơn nhiều quận; thu ngân sách của Củ Chi đến 500 tỉ đồng, bằng thu ngân sách của cả một tỉnh nghèo.

Nhưng điều quan trọng, theo ông Thăng, là người dân được chăm lo thế nào từ ngân sách đó chứ không phải là con số...

“Nghị quyết đầy đủ lắm rồi. Hạn chế ra các nghị quyết khác mà đi vào giải pháp. Tôi chỉ đưa ra bốn chữ: Vì dân hành động” - ông Thăng nói.

“Phải làm sao để người dân cảm nhận được cả bộ máy chính quyền, Đảng bộ Củ Chi đang hành động vì họ. Chúng ta phải xem sau hơn 40 năm giải phóng người dân thấy cuộc sống họ đã được những gì”.

6 tháng tới phải có chuyển biến

Tại buổi làm việc, trước kiến nghị của huyện Củ Chi về một số vấn đề vướng mắc, trong đó có việc khu đô thị Tây Bắc Củ Chi đến nay vẫn chưa có quy hoạch chi tiết và dự án Thảo cầm viên Sài Gòn tại Củ Chi sau hơn 10 năm từ khi thu hồi đất vẫn hoang hóa, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan trong sáu tháng hoàn thành quy hoạch chi tiết của Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi.

Đồng thời xem xét lại năng lực nhà đầu tư, nếu không đạt yêu cầu thì kêu gọi tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào thực hiện. “Không cớ gì dự án thu hồi đất rồi lại để treo đến hơn 10 năm. Dân bức xúc là đúng” - ông Thăng nói.

Sữa rớt giá, nông dân lao đao lâu rồi, nhưng nay lòng mới ấm lại vì lời nói của ông bí thư. Mong điều ông chỉ đạo sẽ được thực hiện sớm.

Ông Thăng cũng lưu ý Củ Chi cùng với các quận huyện phải đẩy nhanh việc xây dựng mô hình chính quyền điện tử. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công để làm sao chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lý hơn.

Nhắc lại chuyện bò sữa, ông Thăng yêu cầu lãnh đạo Củ Chi không phân biệt Đảng hay chính quyền tập trung lo đầu ra các sản phẩm của dân.

“Cả một thị trường to lớn như TP.HCM mà không tìm được nơi tiêu thụ sản phẩm cho dân thì vô lý” - ông nói. Ông cũng lưu ý vấn đề an sinh xã hội phải được chăm lo thường xuyên.

“Chứ không phải chỉ là giúp họ có tiền ngày lễ ngày tết, xuân thu nhị kỳ, gửi cho mấy trăm nghìn đồng để thể hiện sự quan tâm thì không bền vững” - ông Thăng nói.

“Chúng tôi nhìn nhận lại công việc của mình”

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Hoài Phú khi Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: “Ông có cảm thấy tâm tư gì khi không cung cấp được số tổng giám đốc Vinamilk cho bí thư Thành ủy không?”.

Ông Phú nói: “Tôi không bất ngờ khi Bí thư Đinh La Thăng hỏi như vậy và cũng không tâm tư gì. Bởi vì người tôi làm việc ở Vinamilk là các giám đốc phụ trách thu mua, còn chị Mai Kiều Liên - tổng giám đốc Vinamilk - thì tôi chưa liên hệ vì đã có sự phân công ở Vinamilk rồi.

Nhưng từ đáy lòng, tôi đặc biệt cảm ơn Bí thư Đinh La Thăng, bài “kiểm tra” của bí thư với lãnh đạo huyện Củ Chi đã chỉ cho chúng tôi thấy phải làm điều thiết thực cho dân, cái dân cần nhất và không bao giờ được chần chừ”.

Anh Nguyễn Ngọc Sâm, người dân nuôi bò sữa ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM
Anh Nguyễn Ngọc Sâm, người dân nuôi bò sữa ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM

Cảm nhận chung về buổi làm việc của Bí thư Đinh La Thăng, chủ tịch UBND huyện Củ Chi nói: “Điều tôi tâm đắc nhất trong chỉ đạo của bí thư Thành ủy là bốn chữ “Vì dân hành động” mà bí thư Thành ủy căn dặn tập thể cán bộ huyện Củ Chi.

Những điều mà Bí thư Đinh La Thăng nói từ nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, triển khai nghị quyết… đều đầy tính thực tiễn và là sự đốc thúc để chúng tôi nhìn nhận lại công việc của mình, phải gần dân, vì dân hơn nữa”.

* Nông dân Nguyễn Ngọc Thành 
(ấp Bò Cạp, xã Nhuận Đức, Củ Chi):

Tôi muốn mời ông bí thư xuống đây

Ông Bí thư Đinh La Thăng đã có lời quan tâm đến nông dân nuôi bò sữa Củ Chi, tôi rất cảm ơn. Nhưng nếu có thời gian, tôi muốn mời ông bí thư xuống trại bò sữa của tôi và các gia đình xung quanh để hiểu được tường tận khó khăn.

Tôi nuôi bò sữa hơn 20 năm, từ hồi một lít sữa cao tiền hơn một lít xăng, nay một lít xăng bằng hai lít sữa.

Đầu ra khó khăn, giá thấp nên nông dân nuôi bò sữa dù lấy công làm lời vẫn không có lãi nhiều, thậm chí lỗ. Bò sữa giống mua 50 - 60 triệu đồng, nay bán 30 triệu đồng mà ít ai mua...

Ông bí thư đã chỉ đạo kịp thời, tôi cũng nghe có nơi hứa xem xét mua sữa nhiều hơn cho nông dân nuôi bò sữa Củ Chi. Nhưng tôi đọc báo thấy nói ông Đinh La Thăng rất hay đi thực tế và nhiều quyết định của ông được đưa ra tại chỗ.

Nếu ông xuống đây, nghe nông dân kể về những khó khăn khi nuôi bò sữa, tôi tin ông sẽ có những quyết định giúp được nông dân chúng tôi nhiều hơn nữa.

* Nông dân Trần Văn Minh 
(xã Nhuận Đức, Củ Chi):

Nông dân nuôi bò sữa loay hoay lâu rồi

Chiều nay tôi có nghe bà con xem báo nói ông Bí thư Đinh La Thăng mới nhậm chức về thăm Củ Chi và có hỏi thăm bà con nông dân nuôi bò sữa. Thấy được an ủi nhưng thực tình tôi chưa bớt lo.

Nông dân nuôi bò sữa ở Củ Chi như tôi đều không chủ động bán được những thùng sữa đàn bò nhà mình, hợp đồng công ty đưa ra giá sao thì bán vậy.

Tôi muốn ông bí thư làm sao để nông dân nuôi bò sữa có thể chung tay lại, ngồi nói chuyện đàng hoàng về giá cả với các công ty mua sữa.

Ngoài ra, tụi tôi còn cần hỗ trợ về kỹ thuật để chất lượng sữa luôn đúng tiêu chuẩn mua. Việc này tụi tôi vẫn loay hoay mà bao năm nay chưa ai giúp đỡ.

Các tin khác