Bắt, trục xuất môi giới lao động người Việt ở Jeju

(ĐTTCO) - Cục quản lý xuất nhập cảnh Jeju bắt giữ một người và trục xuất một người Việt Nam khác vì môi giới lao động liên quan đến vụ việc 59 khách du lịch Việt biến mất trên đảo Jeju.

(ĐTTCO) - Cục quản lý xuất nhập cảnh Jeju bắt giữ một người và trục xuất một người Việt Nam khác vì môi giới lao động liên quan đến vụ việc 59 khách du lịch Việt biến mất trên đảo Jeju.

Theo báo Sisa Jeju, tòa án địa phương hôm 22/1 phát lệnh bắt giữ và tạm giam một người tại nhà giam Jeju do vi phạm luật quản lý xuất nhập cảnh. Giới chức chưa hé lộ danh tính người này, mà chỉ đặt tên là A. A, 35 tuổi, nhập cảnh vào Jeju từ tháng 3/2015, sau đó lưu trú bất hợp pháp và làm việc tại công trình xây dựng cho tới lúc bị bắt đêm 13/1 tại nơi ở.

Trong quá trình điều tra, A khai về việc nhận môi giới việc làm cho 5 người Việt Nam để làm công việc xây dựng trên đảo Jeju và kết hợp với môi giới tại Việt Nam thu mỗi người 15.000 USD.

Ngoài ra, B, 41 tuổi, một người Việt Nam khác, đã bị trục xuất về nước. B khai nhận 500 USD/người tiền môi giới từ phía Việt Nam để giới thiệu tìm việc cho ba người Việt trên đảo. Cảnh sát chiều 16/1 phát hiện B tại một nhà nghỉ gần ấp Hanlim và trục xuất về nước do vi phạm điều 18 Luật quản lý xuất nhập cảnh.

Những người Việt bỏ chạy khi bị bắt tại nhà nghỉ.
Những người Việt bỏ chạy khi bị bắt tại nhà nghỉ.

Theo điều tra, B sống ở Hàn Quốc 10 năm theo diện thị thực tay nghề không chuyên môn và lạm dụng những mối quen biết tại nước này để làm môi giới. Ngày 14/1, B nhập cảnh Hàn Quốc từ sân bay Gimhae, sau đó tới đảo Jeju để đưa ba người Việt trong đoàn trốn ra nhà nghỉ tại ấp Hanlim và bị bắt vào ngày 16/1.

Theo điều 18 của Luật quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, người nước ngoài phải có thị thực hợp pháp để làm việc tại Hàn Quốc, không được phép môi giới hay tuyển dụng người khác nếu không có tư cách hợp pháp.

59 người trong đoàn khách du lịch Việt Nam biến mất sau khi tới đảo Jeju hôm 12/1. 27 người đã bị trục xuất về nước, còn lại vẫn mất tích và giới chức Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục tìm kiếm. Báo Hàn Quốc cho hay kể từ khi đảo Jeju bắt đầu áp dụng luật miễn thị thực du lịch vào năm 2002, đây là cuộc bỏ trốn có quy mô lớn nhất.

Theo thống kê, số người bỏ trốn sau khi du lịch vào Jeju liên tục tăng theo từng năm. Nếu như năm 2011, số người này là 282, thì năm 2015, con số lên tới 4.353 người, tức tăng gấp 15 lần.

Các tin khác