Bát nháo thị trường dược liệu

(ĐTTCO) - Nhu cầu sử dụng dược liệu, cũng như sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu ngày càng tăng. Ước tính mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu. Tuy nhiên, phần lớn nguồn dược liệu này lại nhập khẩu từ Trung Quốc và hầu hết theo đường tiểu ngạch nên chất lượng khó kiểm soát. Trong khi đó, việc phát triển nguồn dược liệu ở trong nước đang tồn tại nhiều bất cập.

(ĐTTCO) - Nhu cầu sử dụng dược liệu, cũng như sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu ngày càng tăng. Ước tính mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu. Tuy nhiên, phần lớn nguồn dược liệu này lại nhập khẩu từ Trung Quốc và hầu hết theo đường tiểu ngạch nên chất lượng khó kiểm soát. Trong khi đó, việc phát triển nguồn dược liệu ở trong nước đang tồn tại nhiều bất cập.

Dược liệu hay rác

Chiều muộn nhưng những cửa hàng buôn bán đông dược ở phố cổ Lãn Ông (Hà Nội) vẫn tấp nập khách ra vào. Nhiều cửa hàng chỉ rộng khoảng chục mét vuông nhưng chất cao ngất các loại thuốc nam, thuốc bắc phơi khô, từ cam thảo, ý dĩ, đẳng sơn... cho tới các loại sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo nhập khẩu. Thậm chí, có nhiều loại rễ cây, cỏ được bày tràn cả ra vỉa hè ngay cạnh cống thoát nước, trong đó có loại đã ngả màu nấm mốc. Không chỉ vậy, giá cả của những loại dược liệu tại đây cũng không khác gì “ma trận”.

Có những loại sâm hay nấm linh chi có giá thành lên tới hàng chục triệu đồng/kg nhưng cũng có không ít loại bán với giá rẻ như khoai lang, chỉ vài chục ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, đáng lo ngại là phần lớn các loại dược liệu hay đã được bào chế thành thuốc uống được bán tại phố Lãn Ông đều không có nguồn gốc rõ ràng về chất lượng, trên bao bì không có dòng chữ nào chứng minh nguồn gốc sản phẩm và đã được chứng nhận đăng ký chất lượng tại đâu. Và nếu có cũng chỉ nhằng nhịt chữ Tàu nên người tiêu dùng khi mua cũng chỉ biết tin vào lời quảng cáo của chủ hàng.

Trong khi đó, tại Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), nơi tập kết và chế biến dược liệu lớn nhất ở phía Bắc, sau khi được nhập về từ Trung Quốc qua các cửa khẩu ở biên giới, có khoảng 200 hộ kinh doanh nhưng chưa đầy một nửa trong số này được cơ quan chức năng cấp phép đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh dược liệu.

Rất nhiều loại đông dược bán trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TPHCM được nhập từ Trung Quốc (Ảnh: MAI HẢI)
Rất nhiều loại đông dược bán trên đường Hải Thượng Lãn Ông,
quận 5, TPHCM được nhập từ Trung Quốc (Ảnh: MAI HẢI)

Thực trạng này khiến chất lượng nhiều loại dược liệu ở đây đầy hoài nghi. Chia sẻ với chúng tôi, chủ một cơ sở kinh doanh dược liệu ở Ninh Hiệp cho biết, nghề thuốc nam đã có lâu đời ở Ninh Hiệp và đây cũng là đầu mối cung cấp dược liệu không chỉ cho các cửa hàng ở phố Lãn Ông mà nhiều nhà máy sản xuất thuốc, phòng khám y học cổ truyển cũng lấy nguồn dược liệu từ Ninh Hiệp. Tuy nhiên, do nguồn dược liệu trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu nên phải mua của Trung Quốc, sau đó về sơ chế và “đổ buôn” cho nhiều cơ sở khác.

Còn ông Long, chủ một đại lý dược liệu ở Ninh Hiệp, không hề giấu giếm: Thuốc nam, thuốc bắc ở đây loại nào cũng có, từ cao cấp, tới loại 2, loại 3 nhưng toàn hàng Trung Quốc. Vì nhiều mặt hàng quá nên hầu hết các cơ sở đều bảo quản bằng cách xông hay hấp sấy bằng lưu huỳnh để chống ẩm mốc.

Khó kiểm soát

Theo Bộ Y tế, hiện nay nước ta có khoảng 4.000 loài thực vật, cây cỏ làm thuốc trên tổng số hơn 10.600 loài thực vật. Trung bình mỗi năm, cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu nhưng phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường phi mậu dịch nên gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý chất lượng. Một số dược liệu nhập không rõ nguồn gốc, tiêu chuẩn, không có phiếu kiểm nghiệm...

Bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết: “Cả nước hiện có trên 500 cơ sở kinh doanh, sản xuất dược liệu, thuốc đông y. Trong khi đó, việc phát triển các vùng chuyên canh dược liệu trong nước vẫn còn hạn chế và thiếu quy hoạch bền vững khiến nguồn dược liệu nội địa không đủ phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng. Hơn nữa, hiện chúng ta mới chỉ khai thác và đưa vào thương mại được khoảng 200 loài dược liệu có tính phổ biến”.

Sơ chế dược liệu trước khi thương lái thu mua, bán sang Trung Quốc.
Sơ chế dược liệu trước khi thương lái thu mua, bán sang Trung Quốc.

Thực trạng trên đã dẫn tới tình trạng thị trường nguyên liệu dược và thuốc thành phẩm rất hỗn loạn với nhiều loại dược liệu giả, trộn với hóa chất độc hại… xảy ra tràn lan, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và sức khỏe người bệnh.

Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, qua kiểm nghiệm gần 400 mẫu dược liệu, có tới 60% chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% bị trộn rác, cát, xi măng, lẫn tạp chất, thậm chí tẩm ướp cả hóa chất độc hại. Còn trong năm 2015, Cục Y dược cổ truyền đã lấy 227 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm, kết quả có gần 150 mẫu không đạt chất lượng về hàm lượng và hoạt chất.

Theo một số chuyên gia về y học cổ truyền, so với tân dược thì việc kiểm định chất lượng, hàm lượng dược liệu, đông dược rất khó khăn. Chẳng hạn như sâm là loại dược liệu khá phổ biến, nhìn bên ngoài thì hình dáng, kích thước của loại 2 hay 5 năm tuổi không khác nhau và ngay việc kiểm nghiệm cũng khó xác định được chính xác hàm lượng tinh chất.

Để quản lý chặt chẽ chất lượng nguồn dược liệu nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Bộ Y tế mới đây đã ban hành quy định yêu cầu tất cả dược liệu nhập vào Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, đối tác bên xuất khẩu phải được phép kinh doanh dược liệu. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam muốn nhập khẩu dược liệu phải đảm bảo các điều kiện như: Được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu; đạt các nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc” đối với dược liệu.

Các tin khác