Bất cập trong quản lý chứng chỉ, vi bằng - Bài 4: Xu hướng giáo dục thời công nghệ số

Theo nhận định của trang tin eLearningInside, năm 2018 là một năm phát triển mạnh của phương thức đào tạo từ xa qua công nghệ trực tuyến, còn gọi là e-learning. Dự đoán cho thấy, đến năm 2024, thị trường e-learning trên toàn cầu sẽ đạt mức 200 tỷ USD.

Học mọi lúc, mọi nơi

Ưu điểm đầu tiên của e-learning là tính linh hoạt trong việc học và thanh toán chi phí học tập. Từ khi đăng ký đến lúc hoàn tất, người học có thể học theo thời gian biểu tự sắp xếp. Thông qua các bài giảng trực tiếp, video hướng dẫn cùng nhiều ứng dụng khác, người học có thể tiếp nhận kiến thức nhanh chóng. Học viên có thể tự điều chỉnh khóa học cho phù hợp với bản thân, như chọn học với giáo viên khác nếu thấy không phù hợp. Khả năng tương tác với giáo viên còn là một điểm mạnh của mô hình học trực tuyến khi học viên có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên thông qua các phần mềm chat, forum…

Một ưu điểm nữa đó là có thể giảm thiểu chi phí đi lại, tiết kiệm không gian. Với tính năng đào tạo “một - một”, mỗi học viên sẽ có 1 giáo viên phụ trách để theo dõi và bám sát quá trình học. Dựa trên hệ thống giám sát và quản lý chất lượng, học viên sẽ phải trải qua kỳ thi chất lượng mỗi tháng hoặc mỗi kỳ học nhằm đánh giá quá trình học và tiếp thu của học viên. Với hệ thống này, học viên nào không vượt qua kỳ thi chất lượng sẽ được yêu cầu học lại. Bên cạnh đó, chi phí học được tính theo tháng với mỗi môn được thanh toán một cách nhanh chóng bằng các phương thức thanh toán điện tử khác nhau.

Học qua mạng đang thu hút nhiều sinh viên, học sinh

Học qua mạng đang thu hút nhiều sinh viên, học sinh

Tại Mỹ, điểm đến hàng đầu của du học sinh quốc tế, hơn 90% trường đại học đều có phương thức đào tạo từ xa qua công nghệ trực tuyến. Trong số đó có các trường đại học danh tiếng như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Harvard hay Đại học Pennsylvania. Sự tham gia của các đại học hàng đầu khiến thị trường bằng cấp trực tuyến ở Mỹ trở nên uy tín hơn. Thống kê từ tờ Washington Post cho thấy, 1/3 sinh viên Mỹ theo học ít nhất 1 bằng trực tuyến khi nhiều trường kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến để cung cấp giáo dục dưới các hình thức, địa điểm và thời gian thuận tiện cho mọi sinh viên. Trong tháng 7 năm nay, Đại học Pennsylvania đã hợp tác với công ty công nghệ chuyên cung cấp khóa học trực tuyến Coursera để đào tạo bằng thạc sĩ trực tuyến ngành Khoa học máy tính.

Trong khi đó, nhờ các khóa học trực tuyến, số lượng sinh viên của Trường Harvard Extension (trường trực tuyến của Đại học Harvard) không ngừng gia tăng. Giáo sư Hunt Lambert, Hiệu trưởng Trường Harvard Extension, cho biết, trường đã phát triển hệ thống công nghệ để tổ chức cùng lúc 600 lớp học trực tuyến, gấp 6 lần con số 100 lớp của 5 năm trước. Năm 2016, số sinh viên trực tuyến của trường cao hơn tổng số sinh viên tại các cơ sở còn lại của Harvard. Harvard Extension còn hợp tác với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) trong đào tạo trực tuyến. Theo đó, người học có cơ hội tham gia khóa học Thạc sĩ Nghệ thuật tự do tại Harvard Extension, sau khi hoàn thành một chứng chỉ học trực tuyến MicroMasters của MIT.

Trong khi thị trường e-learning tại Mỹ không ngừng phát triển, thị trường đào tạo trực tuyến cũng bùng nổ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nam Phi, Kenya, Malaysia, Brazil và Ấn Độ. Theo cơ quan phụ trách giáo dục Ấn Độ, chỉ trong vài năm qua, ngành học trực tuyến ở nước này tăng trung bình 25% mỗi năm. Google và nhà cung cấp dịch vụ nghề nghiệp KPMG (Hà Lan) dự đoán rằng, thị trường giáo dục trực tuyến của Ấn Độ sẽ tăng lên 1,96 tỷ USD và có khoảng 9,6 triệu người dùng vào năm 2021. Trong khi đó, con số này ở Trung Quốc là 29 tỷ NDT (4,1 tỷ USD) trong năm 2017. Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển đào tạo trực tuyến trong phạm vi cả nước theo chủ trương “cải cách và đổi mới giáo dục đào tạo cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin - truyền thông, để ai cũng được học mọi lúc, mọi nơi”. Không chỉ ở đại học, chương trình đào tạo từ xa theo hình thức học trực tuyến còn phổ biến rộng rãi ở hệ thống trường THPT tại Trung Quốc.

Với máy tính nối mạng ở nhà, thay vì phải đến lớp học thêm vào buổi tối, học sinh phổ thông ở Trung Quốc dễ dàng theo dõi các bài giảng bổ trợ kiến thức theo hình thức 1 giáo viên - 1 học sinh, sau khi hoàn thành buổi học trên trường. Khuyến khích phát triển đào tạo trực tuyến, nhưng Chính phủ Trung Quốc luôn đưa việc siết chặt kiểm soát khóa học trực tuyến lên hàng đầu. Đến nay, thị trường giáo dục Trung Quốc chưa mở cửa cho chương trình đào tạo đại học trực tuyến của nước ngoài. Thay vào đó, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích và hỗ trợ đại học trong nước nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến.

Chưa thể thay thế phương pháp học truyền thống

Ở một số quốc gia, học trực tuyến còn mang đến cơ hội để học sinh nghèo tham gia lớp học chất lượng với chi phí thấp. Ở Hàn Quốc, Bộ Giáo dục nước này xem đây là công cụ để giảm tải chi phí dạy kèm tại các trung tâm luyện thi. Cùng với đó, kênh truyền hình học đường được mở ra cùng với website cung cấp các bài giảng ôn thi đại học miễn phí, thu hút một số lượng rất lớn học sinh tham gia.

Một số giáo viên, giảng viên giỏi ở Hàn Quốc cho rằng, học trực tuyến mang lại cơ hội và sự công bằng hơn cho giáo dục, bởi những học sinh nghèo có thể tham gia vào khóa luyện thi của giáo viên  hay giảng viên có uy tín với mức học phí rất ít so với lớp luyện thi thông thường. Tương tự Hàn Quốc, nhằm đáp ứng những nhu cầu ngày một cao của người học về nội dung, Singapore khuyến khích nhiều đơn vị giáo dục triển khai học trực tuyến kết nối với nhau, thành lập kho cơ sở dữ liệu bài giảng chung. Người dùng sau khi đăng ký một tài khoản cố định trên trang web thì có thể tải miễn phí không giới hạn những bài giảng các môn học của nhiều giảng viên uy tín cùng với ngân hàng đề thi vô cùng phong phú. Sau mỗi bài học, học sinh được cung cấp bài tập, tài liệu học tập và hướng dẫn giải giúp cho những học sinh tiếp thu chậm có thể ôn tập dễ dàng.

Không thể phủ nhận rằng với nhiều tiện ích, học trực tuyến có nhiều ưu điểm so với phương pháp dạy học truyền thống, tạo ra được một môi trường tốt phục vụ cho phương pháp dạy học tương tác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, phương thức đào tạo từ xa qua công nghệ trực tuyến chưa thể thay thế phương pháp học truyền thống.

Khi tham gia khóa học trực tuyến, học viên không có cơ hội trao đổi thông tin với bạn học, trong khi một số giáo viên không quen với việc sử dụng Internet nên làm tăng khối lượng công việc cũng như áp lực cho giáo viên. Vì vậy, ở Mỹ, Singapore hay Nhật, vai trò của giảng viên rất được coi trọng khi triển khai khóa học trực tuyến. Đội ngũ giảng viên được tuyển chọn và đào tạo kỹ càng nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học hiện đại nhất, như có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, có khả năng sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại. Bên cạnh đó, còn là vấn đề liên quan đến an ninh mạng cũng như về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, nếu buông lỏng quản lý mô hình học từ xa theo kiểu trực tuyến, sẽ dẫn đến việc học “ảo”, cấp bằng “ảo”.

Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, giải pháp tốt nhất vẫn là kết hợp sử dụng e-learning bổ sung cho phương pháp giảng dạy truyền thống. Bên cạnh đó, để đánh giá chất lượng của các chương trình học trực tuyến thì cần căn cứ vào uy tín của trường tổ chức khóa học và các tổ chức kiểm định chất lượng uy tín trong và ngoài nước có thừa nhận chương trình đó hay không.

Các tin khác