Bản quyền truyền hình

(ĐTTCO) - Gần đến thời khắc trái bóng trận khai mạc lăn trên sân cỏ nước Nga, Việt Nam mới chính thức có bản quyền truyền hình World Cup 2018. 
Người hâm mộ một phen thót tim, vì sợ hụt mất dịp theo dõi giải đấu quan trọng nhất hành tinh của môn thể thao vua. Vì sao, 4 năm mới có một lần, chúng ta lại lúng túng khi muốn có tín hiệu trực tiếp về các trận tranh tài World Cup? Có rất nhiều nguyên nhân được liệt kê, nhưng quan trọng vẫn là sự chậm chạp của những đơn vị kinh doanh truyền hình ở Việt Nam.
Bản quyền phát sóng 64 trận đấu tại World Cup 2018 trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã thuộc về Đài truyền hình Việt Nam, khi có một đại gia kinh tế tài trợ 5 triệu USD. Đài truyền hình Việt Nam khẳng định sẵn sàng chia sẻ cho Đài truyền hình TPHCM và những cơ quan truyền thông khác có nhu cầu. Nếu không tính 5 triệu USD từ đại gia kinh tế tài trợ, Đài truyền hình Việt Nam hoàn toàn yên tâm về tài chính khi khai thác quảng cáo để bù vào tiền bản quyền. 
Bản quyền truyền hình ảnh 1  
Giá bản quyền truyền hình trực tiếp World Cup 2018 mà đại diện thương mại của FIFA đưa ra cho Việt Nam nằm ở khoảng 8 triệu USD. Đây là số tiền đã được thương lượng một cách phải chăng. Bởi lẽ, ban đầu bản quyền phát sóng World Cup 2018 tại Việt Nam được đưa ra với giá 18 triệu USD. Không rõ dựa vào tiêu chí nào để có con số ấy, nhưng cũng đã là thấp nếu so với những nước trong khu vực. Bởi lẽ, Thái Lan mua bản quyền World Cup 2018 với giá 44 triệu USD. Không cò kè, những tỷ phú Thái Lan đã nhanh chóng chung tay mua bản quyền World Cup 2018 cho 60 triệu dân của họ được thưởng thức vui vẻ. 
Dân số Việt Nam hiện nay hơn 90 triệu, bản quyền truyền hình World Cup 2018 nếu đúng giá chào hàng của FIFA là 18 triệu USD cũng còn rẻ so với mức chi trả của Singapore. Bởi lẽ, dân số Singapore chỉ có 4,5 triệu, mà họ vẫn mua bản quyền World Cup 2018 với giá 18 triệu USD một cách sòng phẳng và nhẹ nhàng. Như vậy, rõ ràng bản quyền truyền hình World Cup 2018 không tính theo dân số mà tính theo đẳng cấp kinh tế của quốc gia muốn phát sóng trực tiếp những trận cầu từ xứ sở bạch dương.
Người Việt Nam xem trực tiếp World Cup từ năm 1982, thông qua đài vệ tinh thu lại tín hiệu của Liên Xô. Các mùa giải tiếp theo World Cup 1986, World Cup 1990, World Cup 1994 chúng ta đều xem miễn phí. Thử hỏi, FIFA có biết điều này không? Biết chứ, nhưng họ muốn quảng bá sân chơi bóng đá đến những quốc gia đang phát triển, nên lờ đi vấn đề bản quyền. 2 mùa World Cup 1998 và World Cup 2002, bản quyền truyền hình cũng chỉ được phía Việt Nam nộp cho FIFA một khoản tượng trưng.
Đến World Cup 2006, khi Việt Nam đã áp dụng truyền hình có thu tiền, bản quyền truyền hình FIFA thu của Việt Nam là 2 triệu USD, World Cup 2010 tăng lên 4 triệu USD và World Cup 2014 tăng lên 7 triệu USD. Đài truyền hình có thể khai thác quảng cáo để bù lại chi phí bản quyền không? Với hoàn cảnh bây giờ là không thể. Người Việt Nam muốn xem trực tiếp World Cup, chỉ còn trông vào thái độ của những đại gia yêu bóng đá mà thôi.

Các tin khác