Bản quyền nhạc số đang bị xài “chùa”

(ĐTTCO) - Công ty nhạc số đang có sức chi phối khá lớn trên thị trường âm nhạc trực tuyến là Sky Music, bất ngờ bị một loạt nhạc sĩ tố cáo vi phạm bản quyền. 
Lâu nay, Công ty Sky Music vẫn luôn tự hào tuyên bố với khách hàng về sản phẩm mà họ cung cấp “có đầy đủ bản quyền, gồm quyền liên quan của ca sĩ, nhà sản xuất và cả quyền tác giả”. 
Ngang nhiên vi phạm bản quyền
Vậy nhưng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định Sky Music xâm phạm 50 tác phẩm về quyền tác giả và 135 ca khúc có quyền liên quan, nhạc sĩ Hoài An thống kê có tới 192 tác phẩm có mặt trên trang web Sky Music chưa được tác giả đồng ý. Còn nhạc sĩ Trần Minh Phi cũng than phiền có 20 bài hát bị Sky Music sử dụng không xin phép.
Theo thống kê của Nielsen năm 2017, trong 52 triệu người Việt dùng internet có 25 triệu người nghe nhạc online. Nghĩa là, thị trường nhạc số đang mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các đơn vị kinh doanh. Đáng chú ý hơn, nhạc số là một trong số ít mảng kinh doanh internet mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chiếm hơn 90% thị phần. Đã có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm bỏ tiền vào các công ty nhạc số. Sắp tới 2 đại gia quốc tế trong ngành nhạc số là Spotify và Apple Music cũng sẽ rót thêm vài chục triệu USD vào Việt Nam để mở rộng lĩnh vực này. Vì vậy, bản quyền nhạc số cần phải được thực thi một cách rành mạch và nghiêm túc.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết chưa hề ký kết bất cứ hợp đồng nào với Sky Music về những tác phẩm của mình. Khi anh phát hiện và đưa câu chuyện bị xâm phạm bản quyền lên trang cá nhân, phía Sky Music giải thích rằng họ phân phối quyền tác giả của bản ghi âm (ca sĩ đã xin phép tác giả thể hiện bài hát), chứ không phân phối quyền tác giả của tác phẩm.
Tuy nhiên, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phản ứng quyết liệt hơn, Sky Music mới hạ giọng xin ký hợp đồng hợp tác và thanh toán đối soát cho anh. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định: “Đã chưa ký thì ai cho quyền kinh doanh? Bây giờ vỡ lở ra mới nói sẽ đối soát thanh toán. Tôi nghĩ sẽ có nhiều trường hợp nhạc sĩ rơi vào tình trạng như mình, nhưng hoặc là họ không quan tâm vì không rành luật, hoặc là họ không dám nói sợ ảnh hưởng mối quan hệ, mất đi một số lợi ích truyền thông hoặc tài trợ từ phía Sky Music”. Cũng cùng quan điểm, nhạc sĩ Trần Minh Phi chia sẻ: “Phản ứng của Sky Music là vừa ăn cướp vừa la làng, đã làm sai mà còn không xin lỗi, lại kiện ngược tác giả vu khống”.
Hầu hết các nhạc sĩ bị Sky Music bỏ qua yếu tố bản quyền đều đã đăng ký bảo hộ với Trung tâm Bảo về quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nên cuộc chiến đòi lại bản quyền không còn là chuyện thương lượng cá nhân đơn lẻ. Đại diện VCPMC phát ra thông điệp mạnh mẽ: Sky Music phải công khai xin lỗi các tác giả, nhạc sĩ; phải trả tiền cho các nhạc sĩ, tác giả có tác phẩm bị Sky Music tự ý sử dụng trong suốt thời gian qua.
Đồng thời chấm dứt ngay việc sử dụng tác phẩm của các tác giả thành viên VCPMC cho đến khi được sự cho phép của VCPMC và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả theo quy định tại các Điều 18, 19, 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu Sky Music cố tình né tránh, tiếp tục hành vi sai trái, VCPMC sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Bản quyền nhạc số đang bị xài “chùa” ảnh 1 Ông Phạm Hà Anh Thủy và các đối tác chiến lược của Sky Music. 
Rao bán cái của người khác Điều rất đáng ngạc nhiên, chính Công ty Sky Music cách đây không lâu đã gửi đơn lên Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử và Cục Bản quyền để khiếu nại 2 đơn vị vi phạm bản quyền của họ là trang web Yêu ca hát và trang Chia sẻ nhạc. Giám đốc điều hành Sky Music cáo buộc 2 trang web trên đã cho phép người dùng tự tải nhạc lên và tích điểm để tải danh sách bài hát theo yêu cầu, không khác gì tiếp tay cho nhạc không bản quyền, mượn việc chia sẻ nhạc để kinh doanh lậu, kiếm tiền từ việc treo quảng cáo online nhờ số lượng người truy cập lớn. Thật buồn cười, khi trang web Yêu ca hát và Chia sẻ nhạc vừa bị xử phạt hành chính số tiền 25 triệu đồng, đến lượt đơn vị tố cáo Sky Music lại vướng mắc bản quyền mà theo lời các nhạc sĩ bị xâm phạm họ đã “rao bán cái mà họ không có quyền sở hữu”.
Sự cố của Sky Music thật đáng tiếc. Bởi lẽ, hoạt động của Sky Music dựa theo mô hình hợp tác và đầu tư sản phẩm âm nhạc, kết hợp với kênh phát hành online, đưa bản quyền âm nhạc đến với người nghe và phối hợp kinh doanh với những đơn vị nhỏ lẻ. Đồng thời, Sky Music cũng xây dựng chiến lược quảng bá, hỗ trợ các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ về mặt truyền thông, phân phối sản phẩm.
Mỗi nghệ sĩ sẽ được cấp một tài khoản riêng, trực tiếp theo dõi và giám sát sản phẩm của họ được sử dụng trên những kênh nào, tần suất là bao nhiêu, giúp họ nắm được tình hình đón nhận của khán giả, bài hát nào được nghe nhiều nhất, đối tượng nghe cụ thể trong độ tuổi bao nhiêu. Cần xác định, chính sự đề cao về mặt bản quyền đã giúp Sky Music nhanh chóng ký kết quyền tác giả, quyền liên quan các sản phẩm audio, MV với hầu hết các ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam, trong đó có nhiều tên tuổi uy tín… 
Tính đến cuối năm 2017, Sky Music đã nắm giữ 60.850 bản ghi có đầy đủ các quyền và hơn 2.000 hợp đồng ký kết với nghệ sĩ, đối tác khác. Đại diện Sky Music từng tự tin chia sẻ: “Các trang nhạc số hiện nay đều nỗ lực để tồn tại thông qua việc tôn trọng bản quyền. Mô hình thường thấy là tạo doanh thu từ quảng cáo để chi trả bản quyền và duy trì hoạt động vận hành. Trên thực tế, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã rất quen với hình thức này và chỉ có một bộ phận rất nhỏ người nghe chấp nhận trả tiền cho tài khoản VIP”.  
Câu chuyện của Sky Music cần phải hiểu như thế nào trong bối cảnh bản quyền nhạc sĩ vẫn tồn tại nhiều bất cập? Bản quyền nhạc số muốn hết rắc rối phải có công cụ để ngăn chặn hành vi xâm phạm, đồng thời phải có các chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn. Nhạc sĩ Hoài An phân tích: Câu chuyện bản quyền ở nước ta thường là sử dụng trước khi xin phép, rồi khi bị phát hiện thì tìm mọi cách "lách", giải quyết "hậu quả" bằng các mối quan hệ quen biết... Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả hoàn toàn rất rõ ràng trên thế giới, tuy nhiên ở nước mình vẫn còn một số pháp nhân kinh doanh không hiểu hoặc bất chấp bản chất sự việc, tìm cách suy diễn vận dụng sai về các điều khoản quy định về quyền tác giả.
Có 2 vi phạm phổ biến. Thứ nhất, tái phân phối: VCPMC cấp phép cho công ty A, với điều khoản công ty A khai thác dịch vụ cho người nghe cuối (end-user) tại một địa chỉ web xác định, và không được tái phân phối đến một công ty khác. Tuy nhiên, sau đó công ty A lại "bán" hay chia sẻ lợi nhuận với công ty B bằng một hình thức kinh doanh nào đó của B không phải là website của công ty A.
Thứ hai, kinh doanh ngoài thỏa thuận ban đầu, quyền liên quan (ghi âm, ghi hình, biểu diễn) đến quyền tác giả, xác định bằng một thỏa thuận phạm vi cụ thể (CD, DVD, chương trình biểu diễn...) giữa nhà sản xuất, người biểu diễn và tác giả. Khi phát sinh một hình thức kinh doanh mới thì công ty muốn kinh doanh bản ghi âm/ghi hình đã có trước hết phải liên hệ xin phép tác giả và thanh toán bản quyền. Thí dụ, cùng một bản ghi âm Bên em mùa xuân, có năm xuất hiện cùng lúc trên 3 album Xuân của Bến Thành AV, nhưng họ trả tiền bản quyền cho tác giả đến 3 lần chứ không phải một, lý do là 3 chương trình khác nhau. Và do thỏa thuận là phát hành CD nên nếu bản ghi âm này sử dụng nghe online, nhạc chuông - chờ, quảng cáo... khác mục đích ban đầu phải liên hệ và thanh toán bản quyền hoặc có hợp đồng với tác giả trước khi sử dụng.

Các tin khác