Bản lĩnh khai thác tích cũ

(ĐTTCO) - Một dự án điện ảnh vừa tuyên bố khởi động đã thu hút sự chú ý của dư luận là bộ phim “Sơn Tinh Thủy Tinh” với sự hợp tác giữa 2 gương mặt tương đối nổi bật Trương Ngọc Ánh và Victor Vũ. 
Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh từng thành công với bộ phim “Hương Ga”, còn đạo diễn Victor Vũ từng bị lên án vì sao chép trắng trợn bộ phim “Giao lộ định mệnh” nhưng vẫn được công chúng ghi nhận qua bộ phim “Hoa vàng trên cỏ xanh”. Tài lực và vật lực của họ hoàn toàn đủ sức đầu tư hoành tráng cho bộ phim “Sơn Tinh Thủy Tinh”, nhưng điều e ngại nhất là kịch bản khai thác chất liệu truyền thống như thế nào? 

“Sơn Tinh Thủy Tinh” không phải bộ phim đầu tiên chuyển thể cổ tích lên phim. Trước đây, bộ phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” từng tạo thành một làn sóng hâm mộ với những ý kiến khác nhau. Ngoài vài cảnh quay được dàn dựng đẹp mắt, bộ phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” có quá nhiều tình huống khiên cưỡng và gượng gạo. Nhất là diễn xuất của 2 diễn viên chính, khiến những chi tiết cảm động bỗng dưng… thô kệch một cách tức cười. Dù chưa phải tác phẩm xuất sắc, nhưng “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” vẫn không phản cảm bằng các bộ phim tương tự. Thí dụ, bộ phim “Cuộc chiến với chằn tinh” lấy cốt truyện Thạch Sanh, nhưng lại không tượng hình được nhân vật Thạch Sanh. Nhiều cảnh phim miêu tả Thạch Sanh không khác gì Tôn Ngộ Không hoặc Tarzan. Còn mối tình Thạch Sanh và công chúa lại sướt mướt theo kiểu ngôn tình Hàn Quốc. 
Bản lĩnh khai thác tích cũ ảnh 1  
Thử thách lớn nhất của các bộ phim khai thác chất liệu truyền thống là làm sao kể được một câu chuyện đã rất quen thuộc bằng tinh thần sáng tạo mà vẫn giữ nguyên được hồn vía và cốt cách của nhân vật. Trước trở ngại ấy, nhiều nhà làm phim đã tìm cách né tránh theo phương pháp bịa đặt khiến tích xưa tuồng cũ trở nên méo mó. Các bộ phim như “Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh kungfu” hoặc “Nhật ký Bạch Tuyết” đều đem lại cảm giác ê chề và ngán ngẩm cho người xem.
Nếu không tính yếu tố mượn danh Lục Vân Tiên và Bạch Tuyết, 2 bộ phim kia chẳng giống cải lương mà cũng chẳng ra tấu hài. 
Bên cạnh việc sử dụng cổ tích, các bộ phim xây dựng trên nền tảng những tác phẩm kinh điển cũng có những hạn chế khó chấp nhận. Vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ rung động chừng nào, bộ phim “Hồn Trương Ba da hang thịt” ngây ngô chừng nấy. Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao thuyết phục chừng nào đến bộ phim “Chí Phèo ngoại truyện” ngớ ngẩn chừng nấy. Rõ ràng, miếng thịt ngon vào tay đầu bếp dở món ăn rất khó nuốt trôi.

Lấy một cái tích cũ để làm phim, có thể ăn theo sự yêu mến sẵn có của đám đông. Tuy nhiên, nếu bộ phim không đưa ra được góc nhìn hiện đại và không có chi tiết gây ấn tượng mạnh mẽ sẽ có tác dụng trái ngược. Vì vậy, “Sơn Tinh Thủy Tinh” hoặc những bộ phim khác có ý định khai thác chất liệu truyền thống đều phải cần bản lĩnh thực sự của người thực hiện.

Các tin khác