Bài toán kinh tế du lịch

(ĐTTCO) - Tại diễn đàn Quốc hội, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã thực sự trở nên nóng bỏng vì những vụ việc gây bức xúc dư luận. 
Bài toán kinh tế du lịch

Bên cạnh vấn đề cấp phép ca khúc, tương lai của bán đảo Sơn Trà được đặt ra nhiều câu hỏi cấp bách. Và tất nhiên, trong phạm vi điều hành ngành, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chưa thể giải đáp thỏa đáng mọi thắc mắc từ phía các đại biểu Quốc hội. 

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng bán đảo Sơn Trà là tài sản của quốc gia không thể do một địa phương quyết định. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ không để cho Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được, nếu vậy không có câu chuyện quy hoạch quốc gia hay bàn với nhau con số 5.000 phòng hay 1.600 phòng. Chính phủ muốn Đà Nẵng chủ động hơn trong việc tiếp thu ý kiến về Sơn Trà, cuối cùng sẽ do Thủ tướng quyết định sau khi lắng nghe ý kiến các bên liên quan: “Nói Đà Nẵng cần chủ động hơn có 2 lý do. Thứ nhất, cần sự thống nhất trong Đảng bộ chính quyền và đồng thuận trong Nhân dân thành phố. Chúng ta và Nhân dân Đà Nẵng đều yêu mến Sơn Trà. Thứ hai, trước đây vì chưa có quy hoạch quốc gia, nên Đà Nẵng đã cấp phép, nay có quy hoạch rồi và sẽ giữ quy mô ở mức nào, Đà Nẵng cần làm việc với nhà đầu tư. Vì các quyết định ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp phải trao đổi với doanh nghiệp".

Rõ ràng, vấn đề bán đảo Sơn Trà không chỉ là chuyện của riêng Đà Nẵng mà còn là bài toán kinh tế du lịch cả nước. Cũng tương tự như bán đảo Sơn Trà, nhiều địa danh trước đây hoang sơ đều được quy hoạch để phát triển du lịch. Đành rằng, trong xu hướng hội nhập, Việt Nam có 2 thế mạnh là nông nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, cả 2 lĩnh vực này đều gặp không ít lúng túng. Nhất là kiến tạo và phát huy giá trị của du lịch như một ngành công nghiệp không khói, thực trạng bất cập về quy hoạch, điều hành và bảo tồn đều đang đặt ra nhiều thách thức.

Du lịch Việt Nam đặt trọng tâm khai thác dọc bờ biển. Do đó, những bán đảo và đảo gần bờ trở nên đắc địa. Cái khó khăn là làm sao bảo đảm 2 yếu tố thu hút du khách và gìn giữ môi trường. Nếu cứ hồn nhiên chặt cây xanh, san phẳng đồi để xây dựng khách sạn và khu nghỉ dưỡng, chẳng mấy chốc thiên nhiên sẽ bị tàn phá nặng nề. Và một khi bán đảo hoặc đảo không gắn kết với vẻ đẹp hoang sơ ban đầu, chắc chắn cũng không còn hấp dẫn du khách quốc tế.

Đem bán đi một không gian thiên nhiên để thu về ngoại tệ, chưa phải bài toán khôn ngoan dành cho kinh tế du lịch. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, một bán đảo hay một cụm đảo không được thiên nhiên bao bọc không chỉ ảnh hưởng đa dạng sinh học mà còn gây thêm nhiều hệ lụy khó lường cho cuộc sống người dân xung quanh.

Các tin khác