Ám ảnh tai nạn đường sắt

(ĐTTCO) - Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể đã nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân vì những vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trong thời gian gần đây. 
Ám ảnh tai nạn đường sắt
Nghiêm trọng nhất là vụ tàu SE19 va chạm với xe tải tại Tĩnh Gia - Thanh Hóa, cơ quan công an đã khởi tố vụ án hình sự “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và tạm giam 2 nhân viên gác chắn Nguyễn Văn Hùng và Phạm Văn Vui. Chiều 25-5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gửi công điện cho các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an toàn đường sắt, nhưng đến ngày 26-5 có thêm vụ 2 tàu hàng tông nhau tại ga Núi Thành - Quảng Nam và tàu hàng trật bánh tại gần khu vực ga Yên Xuân - Nghệ An, đến ngày 27-5 lại có thêm tàu SH3 hất tung xe bồn tại Diễn Châu - Nghệ An.
Dư luận thắc mắc: Lãnh đạo ngành giao thông đang làm gì? Sự thật trớ trêu là lãnh đạo ngành giao thông lại có mối bận tâm khác về chữ nghĩa. Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải gửi công văn đến Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình để giải thích, việc các nhà đầu tư sử dụng tên gọi “trạm thu giá” đã tạo ra những ý kiến bất bình trong dư luận và Tổng cục Đường bộ sẽ làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xem xét tìm tên gọi khác nhằm đảm bảo chuẩn mực của tiếng Việt và phù hợp với bản chất nguồn thu. Nhưng trước đó, chính Văn bản 1296 phát đi ngày 9-3, Tổng cục Đường bộ đã trực tiếp kêu gọi “Các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, tổng công ty thực hiện thay thế biển hiệu “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” và điều chỉnh từ ngữ trên các bảng thông báo theo đúng quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT”. Để đối phó với sai lầm do mình tạo ra, ngành giao thông chọn cách khôn ngoan nhất là quy hết tội lỗi sang phía nhà đầu tư.
Ngoài việc loay hoay với “trạm thu giá”, ngành giao thông còn bận tâm đến ngôn ngữ ở lĩnh vực hàng không. Thay vì tuân thủ nguyên tắc điều hành hàng không quốc tế chỉ có 2 khái niệm hủy (cancel) và hoãn (delay) thì Cục Hàng không quyết định đổi cụm từ “chậm, hủy chuyến bay” thành “chuyến bay chưa đúng giờ”. Cách thay đổi ấy hoàn toàn không ảnh hưởng đến bản chất, mà chỉ hướng đến việc giảm thiểu trách nhiệm của các hãng hàng không với khách hàng.
4 vụ tai nạn trong 4 ngày, ít nhiều cho thấy sự trì trệ và lạc hậu của lĩnh vực đường sắt nước ta. Trước đây, hệ thống tín hiệu đường sắt được nhà thầu Cục 6 - Đường sắt Trung Quốc lắp đặt với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng, nhưng hiện tại cảnh báo an toàn vẫn do các nhân viên gác chắn thực hiện một cách thủ công. Đường sắt nước ta đang cần cải tổ và nâng cấp toàn diện để phục vụ tốt hơn, chứ không thể theo cách tăng các loại thuế và phí hàng không để cứu đường sắt như một lãnh đạo ngành giao thông từng tuyên bố đanh thép.

Các tin khác