'Hồng sâm Hàn Quốc' thừa nhận sai sót

(ĐTTCO) - Đại diện công ty phân phối sản phẩm nhân sâm Hàn Quốc thừa nhận đơn vị này chưa xin phép chính quyền địa phương khi đưa sản phẩm về giới thiệu ở các trường làng.

(ĐTTCO) - Đại diện công ty phân phối sản phẩm nhân sâm Hàn Quốc thừa nhận đơn vị này chưa xin phép chính quyền địa phương khi đưa sản phẩm về giới thiệu ở các trường làng.

“Chưa tìm hiểu kỹ luật pháp Việt Nam”

Trao đổi với VietNamNet ngày 17/12, ông Woo Kwon Yong - phụ trách kinh doanh của công ty TNHH nhân sâm nghìn năm Hàn Quốc (Địa chỉ: căn hộ B102 khu BT1C dự án khu nhà ở để bán, phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Công ty đã có sai sót khi chưa xin ý kiến chính quyền sở tại để nhân viên giới thiệu sản phẩm tại một số trường trên địa bàn huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Giấy phép hoạt động của công ty đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam cấp ngày 2/10/2015; người đại diện pháp luật là ông Lee Jong Min.

Ông Woo Kwon Yong nói công ty TTHH Nhân sân nghìn năm Hàn Quốc đang thực hiện chiến dịch marketing giới thiệu sản phẩm để chuẩn bị cho lễ hội triển lãm nhân sâm Hàn Quốc tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Chúng tôi lựa chọn các thầy cô giáo để giới thiệu sản phẩm trước vì đây là những người có uy tín, có học thức. Họ sẽ trải nghiệm để biết được chất lượng sản phẩm, sau đó họ thông tin, quảng bá cho những người tiếp theo sẽ thuận lợi và uy tín hơn” - ông Yong giải thích.

Khi được hỏi lý do lựa chọn các trường làng ở huyện Ứng Hòa - nơi thu nhập của giáo viên thấp hơn nhiều so với mặt bằng thu nhập của Thủ đô, lại xa xôi (cách trung tâm TP khoảng 50km), ông Yong cho hay: Việc chọn địa điểm này do một nhân viên trong công ty giới thiệu. Khi về tới nơi, chính lãnh đạo công ty cũng rất bất ngờ vì khu vực này xa xôi, không tấp nập.

Trường tiểu học Phù Lưu (xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa) - nơi nhân viên công ty Hồng Sâm ngàn năm về giới thiệu sản phẩm.
Trường tiểu học Phù Lưu (xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa)
- nơi nhân viên công ty Hồng Sâm ngàn năm về giới thiệu sản phẩm.

“Chúng tôi có sai sót khi không xin phép chính quyền địa phương vì sơ suất không biết điều này. Chúng tôi đã được các cơ quan của Bộ Y tế cấp phép, có giấy phép, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nên chúng tôi nghĩ như vậy là đã đầy đủ. Khi vào các trường để thông tin sản phẩm, chúng tôi cũng được sự cho phép của các hiệu trưởng” - ông Yong nói.

Giải thích về việc UBND huyện Ứng Hòa đã có văn bản quy định các lĩnh vực liên quan tới y tế, chăm sóc sức khỏe đều phải được sự đồng ý của UBND huyện; việc tổ chức tuyên truyền, quảng bá có người nước ngoài tham gia cần phải khai báo, thông qua chính quyền địa phương, ông Yong cho biết: Ở Hàn Quốc không có những quy định này. Việc đưa nhân viên về tuyên truyền, quảng bá sản phẩm ở huyện Ứng Hòa, công ty đã không tìm hiểu trước và cũng không được ai tư vấn, góp ý.

“Ở Hàn Quốc, giáo viên là những người được xã hội rất kính trọng. Công ty mẹ ở Hàn Quốc đã triển khai kế hoạch truyền thông như thế này và rất thành công. Chúng tôi mở rộng sang thị trường Việt Nam và cũng muốn áp dụng phương pháp này” - ông Woo Kwon Young nói và cho biết sẽ chấn chỉnh lại ngay để tuân thủ đúng theo quy định, pháp luật của Việt Nam.

“Phi lợi nhuận”

Theo lý giải của đại diện công ty nhân sâm nghìn năm Hàn Quốc, chiến dịch truyền thông của đơn vị này đang thực hiện là phi lợi nhuận.

“Chương trình truyền thông của chúng tôi là nhằm chuẩn bị cho lễ hội nhân sâm sắp tổ chức. Những sản phẩm mà chúng tôi đã giới thiệu đến các thầy cô giáo ở huyện Ứng Hòa cũng hạn chế, chỉ gồm 1.000 sản phẩm. Hình thức các thầy cô trả góp là để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, vì chúng tôi không tính lãi cho việc trả chậm”.

Về mức giá 4,8 triệu đồng/một hộp 2 sản phẩm (250ml/lọ hồng sâm lên men), ông Yong cho biết: đó là mức giá đã được ưu đãi (vì đang trong chiến dịch tiếp thị). Giá này cao hơn giá bán tại Hàn Quốc không đáng kể.

“Trước khi quyết định mở rộng sang thị trường Việt Nam, chúng tôi đã thăm dò, tìm hiểu thị trường. Trên mạng Internet của Việt Nam giới thiệu nhiều sản phẩm có giá trên dưới 1 triệu đồng/lọ, thậm chí 300 ngàn. Đó là những sản phẩm không đúng giá trị, chất lượng vì ở Hàn Quốc cũng không có giá này.

Sản phẩm công ty đang bán tại Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ từ vùng Geumsan - địa danh nổi tiếng về nhân sâm của Hàn Quốc. Công ty của chúng tôi cũng thuộc Hiệp hội nông nghiệp dược thảo Nhân sâm Geumsan” - đại diện công ty nói.

Nhận lại sản phẩm
Ngay sau khi thông tin về sự việc, đơn vị này đã về các điểm trường để nhận lại sản phẩm từ những người không có khả năng chi trả hoặc hoài nghi về chất lượng sản phẩm.
Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị này đã tổ chức giới thiệu tại 5 trường.
“Chúng tôi thừa nhận sai sót do chưa tìm hiểu kỹ các quy định, pháp luật Việt Nam. Việc này sẽ được công ty chúng tôi rút kinh nghiệm. Về chất lượng sản phẩm, chúng tôi cam kết về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, sẵn sàng đền bù gấp 10 lần cho người dùng nếu như chất lượng sản phẩm có vấn đề” - phụ trách kinh doanh tại Việt Nam, ông Woo Kwon Young cho biết.

Các tin khác