Hậu M&A - hệ quả khó lường

Có thể thấy những thương vụ mua bán thương hiệu Việt những năm gần đây, bên bán thường là những thương hiệu đứng trong top đầu ngành của Việt Nam. Chính vì thế sau những thương vụ đình đám, câu chuyện lỗ hổng ngành, cạnh tranh… ra sao là những điều được nhiều người quan tâm.

Có thể thấy những thương vụ mua bán thương hiệu Việt những năm gần đây, bên bán thường là những thương hiệu đứng trong top đầu ngành của Việt Nam. Chính vì thế sau những thương vụ đình đám, câu chuyện lỗ hổng ngành, cạnh tranh… ra sao là những điều được nhiều người quan tâm.

Những lỗ hổng lớn

 

Trong 2 thương vụ mua bán gần đây nhất, Nguyễn Kim hiện đang là một trong những nhà bán lẻ điện máy chiếm thị phần số 1 Việt Nam, trong khi Kinh Đô cũng là doanh nghiệp nội dẫn đầu thị trường, nên khi họ bán đi lượng cổ phần lớn chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định.

Mặc dù với trường hợp của Nguyễn Kim ngành điện máy có thể chưa bị ảnh hưởng ngay, bởi lâu nay thị trường điện máy vẫn dường như nằm trong tay nhà đầu tư trong nước. Thế nhưng sẽ chẳng ai biết trước được người Thái sẽ làm gì khi có trong tay 49% cổ phần của Nguyễn Kim và đối trọng nội, ngoại trong lĩnh vực này sẽ thay đổi ra sao.

Riêng với ngành bánh kẹo, việc Kinh Đô bán 80% cổ phần cho đối tác ngoại thực sự khiến nhiều người lo lắng về tương lai mong manh của bánh kẹo nội. Lâu nay, Tập đoàn Kinh Đô, CTCP Bánh kẹo Hải Hà, CTCP Bibica được xem là 3 ông lớn trong ngành bánh kẹo nội với việc chiếm tới 42% thị phần cả nước.

Nay Kinh Đô bán gần hết, Bibica đang trong thế giằng co với đối tác ngoại, nên khối nội có vẻ chỉ còn Hải Hà và một vài cái tên nhỏ lẻ khác. Cuộc chơi giữa nội và ngoại đang ngày càng không cân sức. Chỉ tính riêng Mondelez International, đối tác mới mua lại cổ phần của Kinh Đô cũng đủ khiến các doanh nghiệp trong nước phải đau đầu.

Để hoạt động M&A diễn ra hiệu quả, trong thời gian tới Nhà nước cần có những khung pháp lý rõ ràng, cụ thể hơn, đặc biệt cần làm rõ các điều kiện, thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán sáp nhập. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có nhu cầu bán, cần sáp nhập, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong các vấn đề như xác định mục tiêu, đối tượng, các vấn đề sau mua bán sáp nhập… để sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cần tự đánh bóng mình để quảng bá, tìm kiếm các đối tác tốt nhất.

Ông Đoàn Đình Hoàng,
chuyên gia tư vấn thương hiệu

Mondelez International là tập đoàn thức ăn nhẹ lớn nhất thế giới với doanh thu thuần lên đến 35 tỷ USD trong năm 2013. Sản phẩm của Mondelez International có mặt tại 165 nước và dẫn đầu trong lĩnh vực bánh kẹo, chocolate với các thương hiệu Oreo, Ritz, Chocolate Cadbury...

Tại Việt Nam, các loại bánh quy Oreo, Ritz... được nhiều người tiêu dùng biết đến. Đó là chưa kể đến sức hút từ ngành bánh kẹo Việt Nam với mức tăng trương khoảng 8-10% so với tại nhiều nước châu Á khác mức tăng trưởng ngành này chỉ khoảng 3%. Vì thế, ngoài việc phải cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp nội còn phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm nước ngoài nhập khẩu.

Nhìn ngược lại một số thương vụ khác trước đây cũng thấy khi doanh nghiệp nội “bán mình” cũng là lúc thị trường ngành thiếu đi những đối trọng nội hết sức quan trọng. Chẳng hạn, với ICP, doanh nghiệp này đã tham gia phân khúc mỹ phẩm dành cho nam giới rất sớm, trước cả 4 đối thủ lớn nước ngoài là Unilever, P&G, Unza (thương hiệu Romano) và Beiersdorf (thương hiệu Nivea Men).

Trong khi các công ty tham gia cùng phân khúc sản phẩm tăng trưởng trung bình 15% doanh thu qua các năm, các dòng sản phẩm của ICP tăng hơn 30%. Tuy nhiên khi ICP bán 80% cổ phần của mình cho đối tác Ấn Độ, cuộc chơi này gần như chỉ có các thương hiệu ngoại tham gia. Hay như câu chuyện của Diana, thời điểm năm 2011 khi Diana bán cho Unicharm, thị trường băng vệ sinh, tã gần như thuộc về doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp nội có tham gia cũng không chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng.

Người Việt dùng hàng gì?

Có một sự thật không vui nhưng cần phải được nhìn nhận thẳng thắn, đó chính là tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn còn khá nặng nề. Tại một số diễn đàn, mạng xã hội nhiều người tham gia chẳng ngần ngại khi chưng khẩu hiệu người Việt ưu tiên dùng hàng Nhật, hàng Thái…

Một phần lý do đến từ chất lượng của hàng hóa từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… hay nói chung là hàng ngoại đã được khẳng định từ rất lâu trong lòng người tiêu dùng. Song một phần khác cũng đến từ chính những thương vụ “bán mình” của những thương hiệu hàng đầu Việt Nam.

Như đã phân tích khi Kinh Đô bán mảng bánh kẹo, nay người tiêu dùng có muốn chọn mua hàng Việt cũng khó khăn hơn khi chỉ còn một vài cái tên nhỏ lẻ, trong khi hàng ngoại mẫu mã đẹp mắt, chất lượng ngon giá thành cũng không quá mắc đang bén rễ sâu trên thị trường. Thực tế này cho thấy hiện nay người tiêu dùng muốn mua hàng nội có uy tín, có thương hiệu cũng không biết phải tìm ở đâu.

Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều thương hiệu Việt đang đồng hành với người tiêu dùng. Nhưng chính những tiền lệ trên dễ khiến người ta đặt câu hỏi những doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác khi vươn lên vị trí top trong ngành, liệu có bị bán đi hoặc bị thâu tóm bởi doanh nghiệp ngoại hay không? Trong cuộc cạnh tranh ngày một gay gắt khi cánh cửa hội nhập đang rộng mở hơn, Việt Nam sẽ ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương quan trọng, người Việt sẽ có cơ hội tiếp cận với hàng hóa của nhiều nước trong khu vực và thế giới với mức giá hợp lý nhờ việc xóa bỏ rào cản thuế quan.

Trong bối cảnh đó, nếu doanh nghiệp nội không quyết liệt hơn trong cuộc đua về chất lượng và giá thành, người Việt có lẽ khó ưu tiên dùng hàng Việt. Người tiêu dùng hiện nay đang sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm có chất lượng, thương hiệu. Thậm chí ngay cả người tiêu dùng ở khu vực nông thôn nhận thức về vấn đề này cũng đang thay đổi rất nhiều.

Những cuộc “bán mình” của những cái tên trong top đầu ngành không chỉ khiến người tiêu dùng mất đi niềm tin, mà còn đẩy doanh nghiệp còn lại vào cuộc chiến không cân sức. Thay vì có những người bạn đồng hành, những doanh nghiệp nội còn lại sẽ phải gồng mình nhiều hơn trong cuộc chiến không cân sức với những “con cá mập” ngoại.

Và cũng chẳng ai biết được phần thị phần nhỏ nhoi mà những doanh nghiệp này còn giữ được liệu có bị thâu tóm bằng nhiều cái bẫy do doanh nghiệp ngoại giăng ra hay không. Có thể thấy, phía sau những cuộc mua bán của các ông lớn là những hệ quả khó có thể lường hết cho tương lai của một số ngành hàng Việt. 

Các tin khác