Đạo phật soi trên gốm cổ

(ĐTTCO)- Đạo Phật soi qua dòng gốm cổ Gosu Blue Imperial Satsuma, thực sự lay động tâm người ngắm và giúp nhận ra Phật giáo Nhật Bản khác biệt so với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.  

Người Nhật tiếp biến triết học, ẩn dụ và biểu trưng Phật giáo từ Trung Hoa rất sớm qua các bảo tượng, đồ tự khí và tranh vẽ. Đỉnh cao kỹ thuật tranh Phù thế (Ukiyo-e, 浮世絵) thế kỷ 16 đã trở thành vô giá được danh họa phóng bút, vẽ tay độc bản khi mô tả thế giới sự vật vừa cực kỳ sống động vừa hư ảo mà giới quý tộc chuộng dùng vào trang trí nhà cửa hoặc thờ phụng.
Kịp thừa kỹ thuật này, vào thời Thiên Hoàng Minh Trị (1868 -1912), các nghệ nhân đã khắc họa và lưu giữ qua nét vẽ cực kỳ sống động có 1 không 2 trên gốm sứ Satsuma Nhật Bản, tiếp tục đảm trách sứ mạng truyền bá văn hóa, tôn giáo xứ Phù Tang ra thế giới và không ngừng hấp dẫn giới sưu tập toàn cầu ngày nay.
Theo lối vẽ ấy, những câu chuyện thường kể trên gốm bằng hình ảnh liên tục  của cuộc đời Đức Phật, hay buổi thị giảng theo chiều quay thời gian, từ phải sang trái khắp thân đĩa, thành bình lục giác, tứ giác, thậm chí hình cầu. Ngắm những vị Phật, Bồ Tát thị hiện nét mặt viên dung, hiền hòa bên cạnh những vị La Hán sắc mặt dữ tợn vừa ra tay hàng long hay phục hổ, dễ nhận ra nguyên tắc cân bằng Phật giáo qua hai mặt tương phản chính là sự hòa bình, an tĩnh có được sau những biến động nội tâm dữ dội, như nhiên liệu tinh thần thúc đẩy người sùng kính đạo Phật phải luôn kiểm soát các giác quan và hướng tới sự giác ngộ.
Người Nhật quan niệm, địa ngục trong núi chứ không phải là hầm sâu, vực thẳm. Và vì thích sống gần gũi thiên nhiên nên họ chọn đất sét chính là cầu nối giao hòa thiên nhân. Sản phẩm gốm với các khái niệm đất (thổ), nước (thủy), gió (phong) và lửa (hỏa) là tặng phẩm của vũ trụ, gần với khái niệm thân thổ bất nhị, tứ đại xác thân con người vốn không hề tách rời quy luật vận hành vũ trụ. 
Gốm Nhật có sinh mệnh riêng biệt, thấm đẫm tình người, giàu tính nhân văn và chuyển tải tình cảm các nghệ nhân chế tác và nung, tâm hồn các họa sĩ thăng hoa tột đỉnh một cách trọn vẹn nhất. Đặc biệt, thú đam mê dòng gốm Satsuma cốt nặng chuyên đề tôn giáo sẽ khiến con người ta hướng thiện, nhất là lúc một mình chiêm nghiệm về những biểu tướng của Phật ẩn tàng, thâm ý qua bộ sưu tập yêu thích của mình.
Chẳng hạn, Bảo tượng Bồ tát Phổ Hiền và tượng các linh thú voi (cao 25cm), cưỡi voi tượng trưng cho trí huệ vượt mọi chướng ngại, lục căn; tay trái ngài thường cầm tùy khí bảo châu là cuộn kinh Kim Cương, ngụ ý “gươm báu chặt đứt phiền não”. Các linh thú Voi nhũ vàng kín thân vốn rất ít được tạo tác, đại diện cho sự khôn ngoan, thận trọng, sức mạnh và sinh lực, đang hiền từ rước lư trầm tỏa bóng Đức Phật Thích Ca thuyết giảng cho các đệ tử, hay các La Hán đang luận kinh và tôn kính Chư Phật (hình 1). 
Hình tượng voi trắng thường xuất hiện nhiều trong kiến trúc, trang trí Phật giáo và trở thành 1 trong 7 báu vật của Phật giáo. Ngắm tượng voi đang chở lư trầm vẽ hoa khoe nở hàm ý viên mãn thân, tâm và ý cho người quán chiếu ngộ đạt, đặc biệt nghệ nhân sử dụng chất liệu Gosu Blue circa-1872, càng khiến linh tượng trở thành tuyệt phẩm rất khó kiếm tìm (hình 2).
Bảo tượng và đĩa vẽ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi (cao 22cm, đường kính 45cm), ngồi trên sư tử xanh đầu đội mũ, mặc giáp hai tay đặt uy nghi nơi đốc kiếm; kinh Kim Cương xếp ngay ngắn dưới tầm tay sẵn sàng trợ hóa Đức Phật Thích Ca với tăng chúng học Phật chung quanh. Hình ảnh Bồ tát Văn Thù tay vung kiếm báu còn là biểu thị trí, tuệ và tâm chứng; giáp trụ che chắn sự nhẫn nhục; còn sư tử xanh cho uy lực dũng mãnh của linh thú luôn làm chủ sa mạc hay rừng rậm của trí. Minh tâm kiến tánh! (hình 3).
Ý nghĩa khai thị và thức tỉnh ở thế tay kiếm trí tuệ sắc bén còn ẩn dụ chuyển hóa vô minh, phiền não, chấp ngã trở về vô lậu hoặc và chân thật tính; tay trái cầm hoa sen xanh thể hiện sự đoạn đức, luôn giữ tâm thanh tịnh trong nhiễm ô (hình 4). 
Tượng La Hán phục hổ (cao 25cm), bằng gốm màu trắng ngà rạn mịn vẽ men xanh sống động, đặc tả La Hán ngồi trên lưng hổ tay phải cầm Phất trần trấn yên huyệt vị Chúa sơn lâm đang còn gầm dũng mãnh. Pháp khí Phất trần thể hiện sự uy nghi; không chỉ là pháp bảo thần uy, mà nội hàm phủi bụi trần, dẫn dắt thế nhân loại bỏ bụi trần, bước trên con đường tìm về chân ngã như tay trái biểu thị nội tâm ngài hoàn toàn thảnh thơi (hình 5 và 6).
Bình La Hán hàng long (đường kính 30cm), phong cách Kyo-Satsuma vẽ thổ cẩm 2 sắc thái La Hán dũng mãnh đang chinh phục những con rồng. Rồng là vua của tạo sinh, điềm tốt lành. Rồng được vẽ kỹ thuật Moriage điểm hạt men trắng toàn thân hoặc nhũ vàng nữa đầu, mô tả nội tâm chuyển hóa mạnh mẽ, được các La Hán hoan hỉ chứng đắc. Đặc biệt, hình tượng Đạt Ma Tổ sư an nhiên tự tại thiền giữa bốn bề vọng động Rồng và La Hán chính là biểu hiện của vô tâm, tĩnh lặng tuyệt đối (hình 7 và 8).
Tượng Trì kinh Quán Âm Bồ Tát (cao 60 cm), đầu đội bảo quan có tượng bổn sư Vô Lượng Thọ Phật, thiên y phủ kín lá hoa sen nở và toàn bộ vẽ hồi văn Nhật thanh thoát. Pháp tướng đặc trưng dễ nhận ra Ngài ở hai tay bắt chéo, bàn tay phải cầm kinh Kim Cương, mắt từ bi soi chiếu nỗi khổ chúng sanh trong tuyệt đối tĩnh lặng, an tường (hình 9).
Tượng Khất sĩ Thiền sư (cao 22cm), ngồi bên mỏm đá với pháp phục đẹp đẽ, tay phải rung chuông, tay trái nâng bình bát là đang hành trì phạm hạnh khất thực hóa duyên:“Trên xin giáo pháp của Đức Phật để nuôi sống tuệ mạng, dưới xin thức ăn của người đời để nuôi sống thân mạng”. Bảo tượng Khất sĩ cũng chính là hình ảnh công án chung về 3 tổ sư thiền Nhật Bản vĩ đại một đời phiêu bạt gồm Nhất Hưu (Ikkyu Sojun), Bạch Ẩn (Hakuin Ekaku) và Lương Khoan (Ryokan Taigu) (hình 10). 
Đạo phật soi trên gốm cổ ảnh 1 Hình 9. 
Đạo phật soi trên gốm cổ ảnh 2 Hình 1. 
Đạo phật soi trên gốm cổ ảnh 3 Hình 2. 
Đạo phật soi trên gốm cổ ảnh 4 Hình 3. 
Đạo phật soi trên gốm cổ ảnh 5 Hình 4. 
Đạo phật soi trên gốm cổ ảnh 6 Hình 5. 
Đạo phật soi trên gốm cổ ảnh 7 Hình 6.
Đạo phật soi trên gốm cổ ảnh 8 Hình 10.
Đạo phật soi trên gốm cổ ảnh 9 Hình 10. 
Đạo phật soi trên gốm cổ ảnh 10 Hình 8.  

Các tin khác