Bộ sưu tập đồng hồ cổ

(ĐTTCO) - Bước chân vào ngôi nhà nhỏ nằm ở số 59 đường Nguyễn Chí Diễu (TP Huế) của ông Tôn Thất Quỳnh Phú, 65 tuổi, bạn sẽ bị thôi miên bởi không gian đồng hồ cổ, được trưng bày ở khắp mọi nơi trong căn nhà. Mỗi chiếc đồng hồ cổ của ông có giá trị riêng và gắn với một thời kỳ trong lịch sử. 

Sưu tầm đồng hồ cổ là thú chơi tao nhã nhưng cũng lắm công phu, không phải ai cũng có thể theo đuổi đam mê với những món đồ cổ, đặc biệt là đồng hồ. Để có được những chiếc đồng hồ cổ trong bộ sưu tập, ông Phú phải rong ruổi đến nhiều nơi, nhiều vùng trên cả nước. Tới nay bộ sưu tập đồng hồ cổ của ông Phú được biết đến rộng khắp, đa số có nguồn gốc từ Pháp, Đức, Nga, Italia…
“Có sở thích đồng hồ cổ từ nhỏ nhưng tới những năm 50 tuổi, khi điều kiện kinh tế gia đình ổn định, tôi mới dành nhiều thời gian để sưu tầm những cỗ máy thời gian cũ kỹ và xa xưa. Bộ sưu tập của tôi hiện hơn 100 chiếc, một số có niên đại hơn 100 năm, một số là kỷ niệm xưa về gia đình" - ông Phú chia sẻ.
Bộ sưu tập đồng hồ cổ ảnh 1 Ông Tôn Thất Quỳnh Phú ngày ngày vẫn lau chùi những chiếc đồng hồ cổ.
Ông Phú cho biết tiêu chí chọn mua đồng hồ cổ phụ thuộc vào sở thích, mức giá hợp lý với giá trị của chiếc đồng hồ. Trong bộ sưu tập 100 đồng hồ cổ, giá trị cao nhất chỉ 30-40 triệu đồng, nhưng đều lưu dấu những kỷ niệm khó quên đối với ông. “Khoảnh khắc lặng yên nhìn ngắm, nghe tiếng kim đồng hồ quay, tiếng chuông báo giờ, gợi nhớ những câu chuyện về một thời kỳ lịch sử đã qua, nhớ lại khoảng thời gian tôi săn lùng, phục chế và bảo quản. Mỗi cái là một dấu mốc cuộc đời, là một hoài niệm. Tôi trân quý từng cái vì lý do này” - ông Phú nói.
Bộ sưu tập đồng hồ cổ ảnh 2
Bộ sưu tập đồng hồ cổ ảnh 3
Trong những năm gần đây, căn nhà nhỏ của ông Phú đã trở thành địa điểm quen thuộc của những người yêu thích đồng hồ cổ trong và ngoài nước tìm tới để thăm quan, mua bán, trao đổi hoặc sửa chữa đồng hồ cổ. Với bàn tay khéo léo, nhiều chiếc đồng hồ cổ hư hỏng đã được ông “đánh thức”. Cái thú của ông khi sửa những chiếc đồng hồ là để tìm ra nguyên lý hoạt động, tự mình học hỏi khám phá thêm những kiểu thiết kế, cấu tạo của từng loại đồng hồ khác nhau. Mỗi một chiếc đồng hồ được “cứu sống” là một lần kinh nghiệm dày lên.
Bộ sưu tập đồng hồ cổ ảnh 4  
Thời gian đầu ông chỉ sửa đồng hồ cho những người thân quen. Sau đó tiếng lành đồn xa, uy tín của ông được người này giới thiệu người kia nên khách của ông mỗi ngày một đông. Có người tới nhờ ông sửa đồng hồ, có người tới mua, cũng có người chỉ tới để trao đổi, đàm đạo về đồng hồ cổ cho thỏa thú vui và sự đam mê. “Con gái tôi định cư ở Mỹ có chiếc đồng hồ cổ bị hỏng sửa nhiều nơi nhưng không được. Biết ba đam mê sưu tập nên nó đem về Việt Nam cho tôi. Tôi tháo rời từng bộ phận ra, nghiên cứu nguyên lý hoạt động và tìm hiểu tài liệu. Sau một thời gian tôi đã làm nó hoạt động trở lại” - ông Phú khoe.
Đối với ông Phú những chiếc đồng hồ không đơn thuần là món đồ để cho ta biết thời gian, nó còn là đứa con tinh thần được ông nâng niu, lưu giữ cẩn thận, là tuyệt tác nghệ thuật lưu lại của một thời kỳ và có giá trị văn hóa to lớn. 

Các tin khác