Vietnam Airlines xin nhiều ưu đãi sau cổ phần hoá

Tổng công ty muốn giữ lại toàn bộ nguồn thu sau phát hành cổ phiếu , tiếp tục được bảo lãnh miễn phí để vay vốn và giữ nguyên tên gọi sau cổ phần hoá, theo phương án vừa trình Bộ Giao thông Vận tải.

Tổng công ty muốn giữ lại toàn bộ nguồn thu sau phát hành cổ phiếu , tiếp tục được bảo lãnh miễn phí để vay vốn và giữ nguyên tên gọi sau cổ phần hoá, theo phương án vừa trình Bộ Giao thông Vận tải.

Phương án cổ phần hóa công ty mẹ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa được trình lên Bộ Giao thông Vận tải. Phải được cơ quan chủ quản thẩm định, đánh giá trước khi trình Thủ tướng phê duyệt nhưng nhiều thông tin quan trọng liên quan tới phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines …đang được các nhà đầu tư săn tìm đã dần hé lộ như cơ cấu cổ phần phát hành, giá khởi điểm, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược…

Về cơ cấu vốn điều lệ, trong năm 2014 Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược và các đối tượng khác là 25%. Sau cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước còn 75%. Trong giai đoạn 2, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ tiếp tục giảm nhưng không thấp hơn 65%.

Hiện vốn điều lệ của tổng công ty là 14.100 tỷ đồng, tương ứng với 1.410 tỷ cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng). Trong đó, cơ cấu sở hữu cổ phần được dự kiến như sau: 75% do Nhà nước nắm giữ tương ứng 1,057 tỷ cổ phần. Hơn 282 triệu cổ phần sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược, tương đương 20%. Cổ phần bán đấu giá công khai chiếm 3,465%, tương đương 48,8 triệu cổ phiếu. Gần 21 triệu cổ phần còn lại bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên, tương đương 1,485%

Đối với gần 49 triệu cổ phiếu lần đầu bán ra công chúng, giá khởi điểm mà tư vấn đề xuất là 22.300 đồng. Việc đấu giá sẽ được tổ chức công khai qua sở giao dịch chứng khoán. Đối tượng mua không phân biệt nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân trong hay ngoài nước.

Vietnam Airlines dự kiến thời gian đấu giá trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hóa này được Thủ tướng phê duyệt.

Về phương án phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Vietnam Airlines cho hay hơn 282 triệu cổ phần sẽ được bán song song với quá trình triển khai IPO trong nước. Tuy nhiên, thời điểm còn phụ thuộc rất lớn vào quá trình đàm phán với nhà đầu tư tiềm năng.

Ban chỉ đạo cổ phần hóa của tổng công ty hé lộ bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược gồm các nội dung chính: Thứ nhất, đó phải là tập đoàn, hãng hàng không hoặc nhà đầu tư tài chính; Hai, về số lượng: sẽ có không quá 3 cổ đông. Tuy nhiên sẽ ưu tiên lựa chọn cổ đông là tập đoàn/hãng hàng không và chỉ lựa chọn một tập đoàn hoặc một hãng duy nhất.

Nguồn tiền thu được sau phát hành cổ phiếu, hãng mong muốn được Chính phủ cho phép giữ lại toàn bộ làm cơ sở bổ sung thêm tiền để mua thêm máy bay. Theo chiến lược phát triển đội tàu bay đã được Thủ tướng phê duyệt, trong 5 năm 2014-2018 sẽ cần trên 63.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đồng thời kiến nghị sau cổ phần hóa, công ty cổ phần vẫn tiếp tục được Chính phủ bảo lãnh miễn phí 100% vốn vay mua máy bay, bao gồm cả vay tín dụng xuất khẩu và vay thương mại. Tổng công ty xin phép Thủ tướng được giữ nguyên tên gọi và hình ảnh sau khi chuyển thành công ty cổ phần.

Vietnam Airlines lạc quan về bức tranh kinh doanh của công ty cổ phần sau IPO. Để tăng tỷ trọng và doanh thu, hãng sẽ nâng cấp lên tiêu chuẩn 4 sao trên toàn hệ thống, ở tất cả các khâu sản xuất và dịch vụ. Hãng đặt kế hoạch tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của năm 2014 là 0,57% sẽ tăng dần lên 1,96% năm 2015 và đạt 4,81% hai năm tiếp đó. Trong khi cũng thời gian này, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) lần lượt là 0,52% lên 1,62% và 4,54%.

“Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 2016 ước đạt 14,42-18,97%, tổng công ty hoàn toàn có khả năng trả cổ tức ở mức hấp dẫn cho cổ đông”, tờ trình của VietNam Airlines cho biết.

Tháng trước, Thủ tướng đã phê duyệt giá trị của công ty mẹ Vietnam Airlines. Trên sổ sách, tính đến 31/3/2013, Vietnam Airlines có tài sản 57.156 tỷ đồng, tương đương 2,744 tỷ USD. Trong số này, giá trị phần vốn Nhà nước là 10.567 tỷ, tương đương 507 triệu USD. Trong khi theo đơn vị tư vấn nước ngoài thì Vietnam Airlines được định giá 57.047 tỷ đồng, tương đương gần 2,74 tỷ USD, với ỷ lệ vốn góp Nhà nước lên tới 23.493 tỷ đồng, tương đương 1,128 tỷ USD.

Trao đổi với VnExpress trước đó, Tổng giám đốc của hãng Phạm Ngọc Minh cho biết gần như chắc chắn công ty mẹ sẽ IPO và tổ chức đại hội cổ đông trong nửa sau năm 2014. Như vậy, với việc hoàn tất trình phương án cổ phần hóa trong tháng 6, có thể khẳng định Vietnam Airlines đang bám sát lộ trình cổ phần hóa mà Bộ Giao thông Vận tải đặt ra từ đầu.

Các tin khác