Giảm phí đường bộ tại 23 trạm thu phí BOT

Bỏ trạm thu phí Đại Xuyên trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ trước 1-1-2017

Bỏ trạm thu phí Đại Xuyên trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ trước 1-1-2017

(ĐTTCO) - Việc giảm phí tại các các trạm thu phí BOT chủ yếu trên 5 Quốc lộ quan trọng. Đó là, Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc 51, Quốc lộ 1 (đoạn TPHCM-Trung Lương) và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết đây những trạm BOT liên quan đến vận tải rất lớn, nên việc giảm phí có ý nghĩa thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Từ tháng 8/2016, Chính phủ đã yêu cầu giảm phí BOT từ 10-15% ở 45 trạm thu phí nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, ít nhất trong năm 2016 phải giảm phí ở 19 trạm.

Bộ GTVT đã làm việc với các nhà đầu tư để thương thảo việc giảm giá phí qua các trạm thu phí BOT theo từng nhóm xe.

Cụ thể, đối với xe thuộc nhóm 4 (xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet) và nhóm 5 (xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet) sẽ giảm bình quân khoảng 20.000 đồng/lượt/xe.

Đối với xe thuộc nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt) và xe thuộc nhóm 2 (xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) thì những trạm nào đang xây dựng ở mức thu 45.000 đồng/lượt/xe trở lên sẽ yêu cầu giảm khoảng 10-15% đối với mức thu này (xuống còn khoảng 35.000-40.000 đồng/lượt/xe.

Theo thống kê, cả nước hiện có 86 trạm thu phí BOT do Bộ GTVT quản lý; trong đó, đã có 45 trạm đang và chuẩn bị thu phí.

- Theo Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa vừa yêu cầu các nhà đầu tư và các đơn vị liên quan phải tiến hành bỏ Trạm thu phí Đại Xuyên nằm trên tuyến Pháp Vân- Cầu Giẽ trước ngày 1-1-2017, để tạo thuận lợi tối đa cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống thu phí của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC (chủ đầu tư đoạn cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình) và Công ty BOT (chủ đầu tư đoạn cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ) đều do Công ty Cổ phần Phần mềm tự động hóa điều khiển thực hiện, do đó sẽ giao cho đơn vị này xây dựng phương án kỹ thuật thu phí chung trên toàn tuyến. Cụ thể, sẽ sử dụng thống nhất dùng 1 loại vé điện tử, không dùng vé giấy thông thường như hiện nay, sau đó công ty thu phí chung sẽ xây dựng quy trình tổ chức thu phí toàn tuyến và thực hiện phân chia doanh thu thu phí cho VEC và Công ty BOT.

Trước đó, việc xóa bỏ trạm Đại Xuyên đã được đặt ra nhiều lần nhưng Công ty BOT không đồng thuận với lý do trạm này đã nằm trong phương án tài chính của dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, mới được xây dựng và mở rộng với chi phí gần 100 tỷ đồng. Nếu xóa bỏ trạm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết toán cũng như phương án tài chính của dự án. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT việc xóa bỏ trạm Đại Xuyên là cần thiết do tuyến cao tốc chưa đầy 100km mà có liên tiếp 2 trạm thu phí, gây cản trở các phương tiện lưu thông.

Theo thống kê của VEC, từ năm 2011 đến nay tại trạm thu phí Đại Xuyên đã ùn tắc khoảng 150 lần, nhất là vào các ngày cao điểm như lễ, tết, có thời điểm kéo dài hơn 3km.

Các tin khác